Tôn vinh quá khứ nhưng phải phù hợp với thực tiễn

(Baohatinh.vn) - “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chúng ta luôn nhớ lời Bác dạy: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Sinh thời, Bác Hồ thường nhắc nhở mọi người phải biết tiết kiệm, chính Người đã khởi xướng “Hũ gạo tiết kiệm” để kháng chiến kiến quốc. Tác phong và lối sống giản dị của Người đúng như nhà thơ Tố Hữu ca ngợi “Mong manh áo vải hồn muôn trượng. Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.

Bác Hồ thổi khèn do đồng bào Yên Châu (Sơn La) kính tặng. Ảnh tư liệu
Bác Hồ thổi khèn do đồng bào Yên Châu (Sơn La) kính tặng. Ảnh tư liệu

Trong bối cảnh kinh tế đất nước đang chồng chất khó khăn; nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, hàng triệu người thất nghiệp, hàng vạn sinh viên ra trường chưa có việc làm; cư dân miền núi, miền biển, đồng bằng, thành thị đều phải tìm mọi cách mưu sinh qua ngày; không ít trẻ em đi học qua sông chưa có cầu, các công trình phúc lợi như giao thông, nước sạch không ít nơi đang còn nhiều bất cập… thế nhưng, thời gian gần đây, các công trình xây dựng để tôn vinh quá khứ lại mọc lên ồ ạt với giá trị hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng.

Đành rằng, ai cũng biết tôn vinh quá khứ là tôn trọng lịch sử, nhưng cái cao cả hơn sự tôn vinh đó là ở tấm lòng thành, là trách nhiệm cống hiến của mình với nhân dân hiện tại và tương lai. Bởi làm được gì có ích cho dân, cho nước đều là góp phần thực hiện những khát vọng, mơ ước của các bậc tiền nhân.

Trở lại câu chuyện khiến dư luận xôn xao thời gian gần đây là thông tin tỉnh Sơn La có dự án xây dựng quảng trường sức chứa 20.000 người, trong đó, có khu tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc” và một số hạng mục khác… với tổng kinh phí 1.400 tỷ đồng.

Quảng Nam cũng là một tỉnh nghèo, nhưng hồi đầu năm nay đã khánh thành một công trình xã hội quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Ban đầu, công trình này chỉ có vốn đầu tư 55 tỷ đồng, nhưng sau nhiều lần điều chỉnh, đã “đội” lên hơn 411 tỷ đồng, khiến dư luận bất bình vì sự lãng phí quá mức cần thiết.

Nhìn rộng hơn, có thể thấy, nhiều công trình, dự án xã hội ở các địa phương khác trong cả nước cũng có quy mô hoành tráng, với số vốn đầu tư hàng trăm, thậm chí, hàng ngàn tỷ đồng như công trình Văn Miếu ở Vĩnh Phúc (271 tỷ đồng), dự án Bảo tàng Lịch sử quốc gia ở Hà Nội (11.277 tỷ đồng)… Bài học về sự lãng phí của các công trình xã hội hoành tráng vẫn còn đó, như Bảo tàng Hà Nội có giá trị đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, khánh thành năm 2010, đến nay vẫn chỉ là cái vỏ với hiện vật khiêm tốn và không hấp dẫn khách tham quan.

Dẫu biết, việc xây dựng khu tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc” là vô cùng cần thiết, thể hiện sự gắn bó của Bác với con người và mảnh đất này cũng như tạo một “địa chỉ đỏ” để nhân dân các dân tộc Tây Bắc tưởng nhớ về Bác. Nhưng, cách thức như thế nào, dự toán bao nhiêu để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay cũng như tâm nguyện của Bác trước lúc đi xa cần phải được các cấp, ngành và tỉnh Sơn La tính toán kỹ, tạo sự đồng thuận cao, tránh những dư luận trái chiều, gây ảnh hưởng đến hình tượng được tôn vinh cũng như niềm tin trong nhân dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast