Trầm tích Thạch Linh...

(Baohatinh.vn) - Thạch Linh xưa, khi chưa mang tên gọi như bây giờ đã là mảnh đất hùng thiêng với bao trầm tích văn hóa - lịch sử. Mỗi tên làng, mỗi tấc đất đều ghi đậm dấu ấn một thời hy sinh gian khổ mà vẫn hào hào khí thế của lớp lớp thế hệ kiến tạo nên vùng đất địa linh nhân kiệt này…

Vùng đất trầm tích…

Chỉ cách trung tâm chính trị - văn hóa của tỉnh khoảng 2 km nhưng dường như mọi ồn ào, xô bồ của phố thị đã không còn khi người ta đặt chân đến Thạch Linh. Ngót 60 năm lịch sử, phường Thạch Linh hiện đại, văn minh mà vẫn trầm tư, lắng đọng, tạo nên vẻ đẹp rất riêng biệt.

Nhà bia Tiết phụ - Thạch Quận Công như một biểu tượng về khí chất và đức hạnh của con người Thạch Linh.

Nhà bia Tiết phụ - Thạch Quận Công như một biểu tượng về khí chất và đức hạnh của con người Thạch Linh.

Chánh văn phòng UBND phường Nguyễn Văn Tuấn không ngần ngại bày tỏ niềm tự hào của mình khi trò chuyện với tôi. Theo anh, bên cạnh sự phát triển của cuộc sống hiện đại thì dòng chảy tâm linh, văn hóa luôn tồn tại trong mỗi người dân Thạch Linh. Đúng là không phải nơi đâu cũng có nhiều công trình văn hóa - lịch sử cấp tỉnh như ở đây. Đó là Văn miếu Hà Tĩnh, Nhà bia Tiết phụ - Thạch Quận Công, nhà thờ Nguyễn Tất Bột, nhà thờ họ Nguyễn Văn, Lê Văn...

Vừa ra khỏi con đường ầm ào xe cộ, những ngôi nhà cao tầng của đô thị trẻ đang trỗi mình trong ngày mới, chúng tôi len lỏi vào con đường nhỏ ngoằn ngoèo dẫn vào Nhà bia Tiết phụ - Thạch Quận Công, một trong những di sản văn hóa mang đậm nét nhân văn, là minh chứng cho khí chất, bản lĩnh và đức hạnh kiên trung của con người Thạch Linh từ lúc khai hoang, lập ấp.

Trời rắc mưa nhẹ, càng làm cho quang cảnh nơi đây thêm uy nghiêm, tôn kính. Sự tích kể lại, bà Nguyễn Thị Đã (Đỡ) và Nguyễn Thị Năng là hai chị em tài sắc vẹn toàn cùng kết hôn với Tướng quân Văn Hiền, hiệu là Thạch Quận Công. Năm Mậu Tý, niên hiệu Phúc Thái thứ 6, tướng công húy Văn Hiền hy sinh nơi chiến địa, hai bà giữ trinh tiết thờ chồng. Cảm kích trước tiết hạnh của hai bà, Chúa thượng ấn phong bà chính thất là trinh tiết Quận phu nhân và vợ thứ là trinh tiết Á Quận phu nhân, được khắc tấm bảng vuông thiếp vàng có 3 chữ “Tiết phụ môn”.

Ông Nguyễn Phi Bính (tổ dân phố Tân Tiến) cho biết: “Tương truyền, sinh thời, hai bà còn dùng lương thực giúp đỡ dân làng, nuôi quân đánh giặc. Bởi thế, ngày kỵ của hai bà, con cháu, dân làng tập trung về rất đông, như lời tri ân cảm tạ công đức của hai bà. Đã gần 80 tuổi, tích về hai bà tôi được ông bà kể từ ngày còn là trẻ chăn trâu. Và hôm nay, tôi tiếp tục là người truyền kể cho con cháu...”.

Thạch Linh buổi đầu sơ khai có tên là xã Đông Lộ, sau nhiều lần tách nhập lại được đổi sang Nhật Tiến, Linh Đài và Thạch Linh như ngày nay. Trải qua 60 năm dâu bể, những địa danh nổi tiếng như: cầu Đông, cầu Sú, cầu Phao, bến Cố Thứ… như một chứng tích lịch sử về một thời đấu tranh oanh liệt chống thực dân Pháp đô hộ và đế quốc Mỹ xâm lược. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Thạch Linh là vị trí chiến lược về giao thông. Hòng cắt đứt chi viện cho miền Nam, đế quốc Mỹ đã điên cuồng dội bom xuống mảnh đất này. Một lần nữa, mảnh đất với nhiều trầm tích văn hóa - lịch sử đã hun đúc nên những thế hệ anh tài. “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, nhiều gia đình còn dỡ nhà để nối nhịp cầu Đồng, cầu Cày; chuyển hàng trăm tấn lương thực ra tiền tuyến; làm hàng ngàn tấm lá ngụy trang che kín trận địa pháo… Năm 1996, Thạch Linh vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân”. Và, mảnh đất hùng thiêng sẽ mãi ghi công những anh hùng Phan Văn Thuận, Phạm Thị Thanh, Nguyễn Thị Châu cùng hàng ngàn người con của quê hương xả thân mình vì độc lập dân tộc.

Vóc dáng đô thị mới…

Ông Phạm Hữu Thao - Chủ tịch UBND phường Thạch Linh cho biết: “Truyền thống văn hóa, lịch sử là điểm tựa linh thiêng về tinh thần để nhân dân phát huy nội lực, xây dựng quê hương. Như vậy thôi chưa đủ, chúng tôi mạnh dạn kêu gọi đầu tư, xây dựng các công trình trọng điểm, chỉnh trang đô thị tạo tiền đề phát triển kinh tế. Nhờ vậy, những năm gần đây, thương mại - dịch vụ phát triển mạnh, nông nghiệp phát triển theo hướng chuyên canh, tăng cao giá trị. Tổng thu nhập bình quân trên địa bàn đạt trên 117 tỷ đồng, tăng 84,6% so với năm 2009; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,42%”.

Ghé vào chợ Cầu Đông giờ cao điểm, cảnh mua bán diễn ra tấp nập. Từ khi chuyển Ban quản lý chợ TP Hà Tĩnh quản lý, chợ được quy hoạch khang trang, hiện đại hơn. Chị Nguyễn Duy Nhật (xóm Nhật Tân) cho biết: “Tôi bán hoa quả ở chợ đã 4 năm. Trung bình mỗi tháng, tôi thu nhập khoảng 2-3 triệu đồng, chưa phải là nhiều nhưng có việc làm thường xuyên và gần gia đình”. Sự hiện diện của trung tâm thương mại này không chỉ giải quyết việc làm và thu nhập cho lao động mà còn là nơi thu hút đầu tư, kích thích quá trình đô thị hóa. Hiện nay, trên địa bàn có trên 60 doanh nghiệp đang hoạt động, chủ yếu là lĩnh vực thương mại, xây dựng, các dịch vụ vui chơi, giải trí và du lịch sinh thái.

Thạch Linh giờ đã khin khít nhà cao tầng, bề thế. Đường nhựa, bê tông trải kín từ nhà ra đồng; đèn điện chiếu sáng tận ngõ, xóm; nhà văn hóa khối phố được thiết kế hiện đại phục vụ hoạt động tập thể của nhân dân. Ngay trên trục đường chính, tượng đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ được nâng cấp khang trang, tôn nghiêm như nhắc nhớ, giáo dục các thế hệ mai sau. Chúng tôi hiểu, niềm tự hào ấy như dòng máu nóng chảy trong huyết quản của mỗi con người trên mảnh đất anh hùng. Trong 3 năm liền (2010-2013), chính quyền được UBND tỉnh công nhận là tập thể lao động tiên tiến xuất sắc. Đặc biệt, cả 3 cấp học trên địa bàn đều đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh, trong đó trường THCS được Chính phủ tặng bằng khen, trường mầm non được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Giữa những ngày tháng 8 lịch sử, Thạch Linh hiền hòa và bình yên trong nắng vàng. Những hố bom đau thương của chiến tranh đã lùi vào quá khứ, chỉ còn lại những đầm hoa súng, hoa sen thơm ngát buổi hè; những chiếc cầu nhộn nhịp người qua lại, nối nhịp bờ vui…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast