Về vùng đất lửa

(Baohatinh.vn) - Tháng 7 tri ân, hòa cùng dòng người trên khắp mọi miền đất nước, chúng tôi có cuộc hành trình về với vùng đất lửa Quảng Trị, dâng hương các nghĩa trang để tỏ lòng ngưỡng vọng đến các anh hùng liệt sỹ, để thêm một lần hiểu sâu sắc tinh thần bất khuất của dân tộc, sự hy sinh cao cả của những người nằm xuống cho đất nước hôm nay.

Về vùng đất lửa ảnh 1

Hướng tới kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7), đông đảo người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hành hương về Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9 và Trường Sơn (Quảng Trị) để tỏ lòng tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

5.000 km2, 72 nghĩa trang liệt sỹ

Không khí ấm tình đồng nghiệp của những người bạn ở Báo Quảng Trị giúp chúng tôi quên đi mệt mỏi sau chặng hành trình gần 300 km. Đặt nhẹ bước chân lên mảnh đất khói lửa ngày nào, mỗi trái tim lại trào dâng niềm cảm xúc rưng rưng. Trong cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc, có lẽ không có nơi nào như Quảng Trị, mỗi tấc đất, dòng sông, mỗi gốc cây, ngọn cỏ đều thấm đẫm sự hy sinh, mất mát của thế hệ cha anh. Nơi địa bàn với diện tích chưa đầy 5.000 km2 đã có đến 72 nghĩa trang liệt sỹ. Và hôm nay, sau 40 năm đất nước đã im tiếng bom rơi đạn nổ, nhưng những cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ trên chiến trường xưa vẫn chưa kết thúc. Những dòng người lặng lẽ trên mọi miền Tổ quốc vẫn luôn hướng đến, tìm về vùng đất lửa như những dòng máu đỏ tha thiết chảy về tim.

Nằm trên vùng đồi ở phía Tây thành phố Đông Hà, Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9 là một trong 2 nghĩa trang lớn nhất cả nước. Với tổng diện tích gần 15 ha, nơi đây yên nghỉ hơn 10.600 liệt sỹ hy sinh chủ yếu trên chiến trường Đường 9 – Nam Lào. Ông Hoàng Chí - Trưởng BQL Nghĩa trang cho biết: Ngoài 2 hạng mục công trình lớn mang tính nghệ thuật và lịch sử là tượng đài chiến thắng và khu hành lễ, nghĩa trang còn được chia thành nhiều khu vực liên hoàn theo địa phương. Trong đó có khu vực chưa xác định được tên liệt sỹ với số lượng trên 700 ngôi, khu vực mộ tập thể với những ngôi lên tới 105 người…

Khu mộ của các liệt sỹ 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có gần 300 ngôi được quy hoạch trên đồi thông vi vút gió. Dẫu cách xa nơi chôn rau cắt rốn nhưng vong linh các anh, các chị nơi chín suối vẫn luôn ấm áp bởi bàn tay chăm sóc của đội ngũ cán bộ quản lý nghĩa trang, của những đồng đội cũ. Những nén hương dường như không bao giờ tắt và hoa tươi vẫn tỏa hương ngọt ngào trên các mộ phần. Trong dòng người về với Nghĩa trang Đường 9, còn có những bà mẹ tóc bạc trắng, những người vợ khắc khoải, gầy mòn giữa những hàng bia, gửi tiếng lòng mình cho người đã khuất.

Về vùng đất lửa ảnh 2

Trong dòng người về với nghĩa trang liệt sỹ, còn có những bà mẹ tóc bạc trắng từ mọi miền quê về thăm các con. Ảnh: Phúc Quang

Chúng tôi đứng lặng rất lâu trước một phần mộ lớn nằm ở phía Đông nghĩa trang. Theo lời hướng dẫn của Trưởng BQL Hoàng Chí thì đó là phần mộ chung của một tiểu đội giữ Cứ điểm 241 Tân Lâm (nay thuộc huyện Cam Lộ). Trong trận chiến cuối cùng ấy, họ đã trụ lại trong hầm công sự để giữ cứ điểm. Một quả bom dội trên nóc hầm, họ nằm xuống bên nhau. Hài cốt hòa lẫn vào nhau, lực lượng cất bốc dù đã cố gắng nhưng cũng không thể tách rời họ được…

“Nốt lặng” trong bản tráng ca

Những trận mưa rào hiếm hoi đã làm dịu bầu không khí hầm hập nóng của miền gió lào. Con đường Hồ Chí Minh dẫn đến Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn phẳng lì uốn lượn, xe bon bon chuyển bánh. Dọc hai bên đường, dấu tích chiến tranh đã lùi xa nhường chỗ cho những cánh rừng cao su, keo tai tượng bạt ngàn xanh lá. Cùng với hàng nghìn đồng chí, đồng đội hy sinh trên tuyến đường huyền thoại này, quê hương Hà Tĩnh đã có biết bao người con ưu tú mãi mãi nằm lại giữa đại ngàn Trường Sơn.

Về vùng đất lửa ảnh 3

ĐVTN Báo Hà Tĩnh hành hương về Nghĩa trang Trường Sơn, dâng nén hương thơm, tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước

Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt ở phía Nam thượng nguồn sông Bến Hải, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh. Đây là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các liệt sỹ đã ngã xuống trong 16 năm khai mở, giữ vững và phát triển đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Với 10.263 ngôi mộ nằm trong khuôn viên gần 40 ha, Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn như một “nốt lặng” trong bản tráng ca giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

Theo lời giới thiệu của BQL nghĩa trang, tôi được biết, trong những năm khai mở và xây dựng con đường huyết mạch này, đã có gần 20.000 người ngã xuống. Chính vì vậy, hiện tại, vẫn còn không ít người nằm lại giữa mênh mông rừng núi, để lại nỗi khắc khoải khôn nguôi trong lòng người thân, đồng đội. Dẫu vậy, tên các anh, các chị đã trở thành tên đất nước, máu xương các anh, các chị đã thành bất tử, đã hóa tượng đài nơi vùng đất lửa.

Trên đồi Bến Tắt, mộ liệt sỹ được xếp từng khu vực trải dài theo tỉnh, thành phố. Mỗi khu có đài tưởng niệm với kiến trúc phảng phất hình ảnh các vùng quê đất nước. Nơi đây có gần 800 người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh đang yên nghỉ. Mang theo những món quà quê nhà, ông Trần Văn Thịnh – thương binh ¼ cùng với gia đình đến từ TP Hà Tĩnh trịnh trọng bày lên mộ phần của người em, đôi mắt nhòe nước, môi run run không nói nên lời. Tuổi cao, sức yếu nhưng đều đặn mỗi năm, ông đều cùng gia đình, con cháu thu xếp thời gian thăm mộ người thân.

Ông Thịnh chia sẻ: “Cũng là người lính trên chiến trường nên với tôi, hoạt động hướng về địa chỉ đỏ nhân tháng tri ân là điều không thể thiếu. Về đây thăm người em, thắp hương cho đồng đội, trong tôi lại ùa về những ký ức chiến trường. Tôi đã để lại một phần máu thịt nơi chiến trường nhưng tôi thực sự may mắn hơn bởi đã được hưởng những năm tháng hòa bình, được thấy sự phát triển của quê hương, đất nước. Vì thế, tôi sẽ cố gắng sống thật tốt để làm gương, để giáo dục thế hệ cháu con, xứng đáng với sự hy sinh của những người đã nằm xuống”.

Về vùng đất lửa ảnh 4

Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn - nơi đây có gần 800 người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh đang yên nghỉ.

Chia nhau từng nén hương thơm dâng lên phần mộ các liệt sỹ, chúng tôi ai nấy đều rưng rưng trong lòng. Không ngạc nhiên khi bắt gặp những người đồng hương trên mảnh đất thiêng, bởi những ngày này, cũng có hàng vạn người từ khắp mọi miền về đây thắp lửa tri ân. Em Phạm Thị Thanh Thủy - đoàn viên đến từ Ngân hàng Công thương Việt Nam cho biết: “Chuyến đi này rất có ý nghĩa với em. Về miền đất lửa, dâng hương lên các nghĩa trang, lặng nhìn trùng trùng lớp lớp những hàng mộ chí, em mới thật sự cảm nhận được nỗi đau thương, mất mát của chiến tranh, càng cảm phục những người anh, người chị đã mãi mãi nằm lại tuổi 20 để nước nhà độc lập. Để xứng đáng với sự hy sinh đó, chúng em sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa trong việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, góp phần viết tiếp những ước mơ dang dở của các anh, chị, đó là xây dựng đất nước đẹp giàu”.

Hành trình về vùng đất lửa đã để lại trong lòng chúng tôi những cảm xúc dạt dào với niềm tự hào và biết ơn vô hạn. Những nghĩa trang không còn là nơi chết chóc mà chính là nơi để ta thêm yêu thiết tha, thêm tự hào về Tổ quốc, về những con người mãi mãi tuổi hai mươi đã nằm lại với các địa danh bất tử. Các anh, chị luôn sống mãi trong lòng mỗi người Việt Nam. Chúng tôi, thế hệ sinh ra và lớn lên khi đất nước đã bình yên, xin gửi tấm lòng tri ân sự hy sinh, mất mát của các anh hùng liệt sỹ.

Tạm biệt vùng đất lửa, tạm biệt các liệt sỹ Trường Sơn, Đường 9...! Từ sâu thẳm trái tim, tôi vẫn thấy vọng mãi một niềm tự hào với những chiến công đã đi vào huyền thoại của cả dân tộc như khúc tráng ca bất tử.

Tháng 7/2015

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast