Xe khách tuyến huyện mạnh tay “chặt chém”!

Trước và sau Tết Nguyên đán là dịp nhân dân có nhu cầu di chuyển cao nên nhiều nhà xe đã tự ý nâng giá vé so với thường ngày. Trong khi các cơ quan chức năng chưa có chế tài quản lý và xử lý vấn đề này thì nhân dân vẫn là người phải chịu thiệt thòi.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong dịp Tết, hầu hết các tuyến vận tải hành khách đều nâng giá vé, tuy nhiên mạnh tay nhất vẫn là các tuyến Hà Tĩnh – Hương Sơn, Hà Tĩnh – Hương Khê và Hà Tĩnh - Vũ Quang.

Bảng niêm yết giá này được chủ xe cho là do Sở GTVT Hà Tĩnh cấp
Bảng niêm yết giá này được chủ xe cho là do Sở GTVT Hà Tĩnh cấp

Lợi dụng các tuyến đường này chưa có xe buýt, bắt đầu từ ngày 20 Tết, một số nhà xe đã tự ý nâng giá. Nếu như trước đây, hành khách đi chặng Hà Tĩnh – Nầm (Hương Sơn) chỉ mất 40 nghìn thì đến ngày 20 âm lịch đã phải trả lên 50 nghìn, thậm chí có xe còn nâng hẳn lên 60 nghìn. Điều đáng nói là giá vé không dừng lại ở đó mà tăng lên theo ngày, càng giáp Tết thì giá lại càng cao, có xe thu 70, xe thu 80 nghìn, thậm chí có người còn phải mất 100 nghìn cho chỉ hơn 50km đường bộ.

Một nữ chủ nhà xe ở thị trấn Cày còn tự hào khoe với những chủ xe chạy tuyến Quốc lộ 1A: “Tuyến các chú không nâng được giá chứ nhà chị (tuyến Hà Tĩnh – Hương Khê) là 100 nghìn, đi thì đi không đi thì thôi. Mà đó là chưa kể hành lý đâu nhé!”. Rất nhiều người đi trên chuyến xe ấy đều cảm thấy rất bất bình với thái độ ngạo nghễ đó. Không hiểu các cơ quan chức năng làm việc thế nào mà để các chủ xe ngang nhiên “chặt chém” hành khách như thế. Ai cũng hiểu rằng, chỉ khi nào tuyến xe buýt về các huyện miền núi được mở thì tình trạng này mới được chấm dứt. Bởi cũng theo ghi nhận của chúng tôi, trước và sau Tết, những chuyến xe chạy tuyến Hà Tĩnh - Kỳ Anh, Hà Tĩnh – Vinh đều giữ nguyên giá vé ngang với giá xe buýt.

Trước Tết, phóng viên chúng tôi đã có buổi làm việc với BQL Bến xe Hà Tĩnh về vấn nạn tăng giá, ép giá trong dịp Tết và được trả lời là không thể quản lý. Tuy nhiên, trên một chuyến xe chạy tuyến Hà Tĩnh – Hương Sơn lại có bảng niêm yết giá quy định chặng này được phép thu 60 nghìn/khách trong dịp Tết, kèm theo giá quy định là số điện thoại nóng, theo đó nhà xe tự điều chính giá cho từng chặng lẻ. Một chủ xe cho biết: “Bảng giá niêm yết là do sở GTVT cấp và cho phép tăng giá từ ngày 20 Tết đến Rằm tháng Giêng mới hạ xuống như cũ”.

Điều khiến hành khách suy nghĩ là tại sao bảng niêm yết đó lại không đóng dấu và không có chữ ký của người có chức năng. Liệu đây có phải là một chiêu lừa khách của chủ xe hay không? Và không phải xe nào cũng có bảng niêm yết giá như thế. Đơn cử trường hợp của tôi, ngày 26 Tết, đi từ Hà Tĩnh về Nầm (Hương Sơn) với giá 50 nghìn (trên xe có bảng niêm yết giá) nhưng ngay trưa hôm sau, đi ngược lại về Hà Tĩnh lại bị “chém” tới 70 nghìn. Thấy thế tôi hỏi sao xe này không dán bảng niểm yết giá thì chủ xe cười và nói: “Ngày Tết mà, giá thế có gì là cao”.

Cũng với điệp khúc “Ngày Tết mà”, nhiều hành khách cũng đã chặc lưỡi bỏ qua để đi cho được việc. Đối với những người chỉ đi một lần thì mức giá đó cũng chẳng đáng phải bàn nhưng với những người phải đi lại nhiều lần trong dịp Tết thì mức giá bị đẩy lên như thế là quá cao, nhất là đối với sinh viên và những người buôn bán. Một hành khách buôn chuối ở Hương Sơn xuống Hà Tĩnh cho biết: “Ngày Tết đi lại khó khăn quá, khách đông nên nhà xe họ cũng kén chọn, mình nhiều hàng quá họ không muốn cho đi, mà cho đi thì cũng thu giá trên trời, vừa mất tiền cho người, vừa mất tiền chở hàng, lại bị dập nát nữa, lời lãi chẳng được mấy nữa. Chắc chuyến sau phải chịu khó chở xe máy thôi”.

Giá vé quá cao khiến nhiều người chọn giải pháp khác, phổ biến là xe máy, có điều kiện hơn một chút thì thuê taxi. Anh Dũng ở Đức Thọ cho biết: “Nhà tôi rủ thêm nhà bạn nữa, cả người lớn và trẻ con 6 người thuê một chuyến taxi đi về mất có 4 trăm 50 nghìn, vừa sạch sẽ lại không bị chen lấn mà giá cả tính ra cũng đâu có cao hơn giá xe khách là mấy. Ra Tết, chắc chắn chúng tôi lại vẫn chọn giải pháp này”.

Tuy nhiên, số người có điều kiện như anh Dũng không nhiều, hầu hết họ vẫn phải chọn giải pháp đi xe khách và với tình hình này thì nhân dân vẫn cứ bị các nhà xe “chặt chém” cho tới Rằm tháng Giêng!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast