“Xóm đảo” ngày ấy, bây giờ...

“Sau mỗi lần chạy lụt, số hộ trong xóm giảm đi ít nhiều. Nhưng từ khi có nhà tránh lũ cộng đồng, hệ thống giao thông được xây dựng, các điều kiện dần được cải thiện thì nhiều người con xa quê đang rất muốn về lại quê hương”. Đó là những lời chia sẻ đầu tiên của bác Lê Thế Nguyên - Xóm trưởng xóm Nam Hà, xã Hộ Độ (Lộc Hà) khi dẫn chúng tôi đi tìm hiểu về vùng đất... “hiếm có, khó tìm” này.

Xuôi miền ký ức

Con đường nhỏ, bề ngang chỉ vừa một làn xe máy ở phía Nam cầu Hộ Độ là tuyến độc đạo nối “xóm đảo” với đất liền. Gọi là “xóm đảo” bởi địa giới của xóm rất đặc biệt – là một cụm đất nhô cao giữa bốn bề biển nước, đứng ở bất kỳ vị trí nào trong xóm, người ta cũng có thể cảm nhận được từng đợt gió mang hơi nước phả vào mát lạnh. Được trò chuyện với những “biên niên sử” bằng người thật của xóm đảo, chúng tôi thầm cảm phục về ý chí kiên cường và tình đoàn kết bền chặt của người dân nơi đây.

Xóm đảo nổi lên giữa mênh mông sóng nước (Ảnh Văn Bảy)
Xóm đảo nổi lên giữa mênh mông sóng nước (Ảnh Văn Bảy)

Nằm chơ vơ giữa biển nước, cách đất liền chưa đến 1 km nhưng trước đây, phương tiện giao thông chính nối với đất liền của người dân Nam Hà là thuyền. Bác Hiền (66 tuổi) cho biết: “Là dân vùng sông nước nên hầu như nhà nào cũng có thuyền - vừa là công cụ kiếm sống vừa là phương tiện đi lại. Cứ mỗi lần đi sang đất liền là phải hẹn giờ trước để người nhà chèo thuyền sang đón về”.

Năm 1974, chính quyền xã cùng nhân dân trong xóm đắp bồi lên con đường huyết mạch nối liền với tỉnh lộ 9, vừa là đường giao thông, đồng thời là đê chắn sóng. Kể từ khi có đường bộ, giao thông phần nào đỡ cơ cực hơn nhưng đó cũng chỉ là con đường rộng gần 1,5m, chỉ đủ cho một làn xe thô sơ.

Trước đây, cuộc sống của người dân xóm đảo rất cơ cực. Điện chiếu sáng về xóm năm 1994, nhưng rất yếu, đèn thắp sáng chỉ leo lét và các đồ dùng bằng điện thì ít khi sử dụng được. Nước sinh hoạt cũng chẳng khá khẩm hơn. Bác Lê Thế Nguyên kể lại: “Hồi nớ, nước ngọt khan hiếm đến nỗi mỗi ngày cả nhà tôi 5 người chia nhau một can nước 10 lít để…“tráng” lại người sau khi tắm bằng nước mặn”. Nguồn nước ngọt có được một phần là do hứng nước trời, phần nữa chở từ bên Thạch Hạ sang.

Xe máy là phương tiện để vận chuyển vật liệu về làng
Xe máy là phương tiện để vận chuyển vật liệu về làng

Chị Cúc (32 tuổi) chia sẻ: “Bảy, tám tuổi đạp được xe là bố mẹ giao nhiệm vụ đi chở nước bên Thạch Hạ, xe và can nước lớn hơn người”. Do giao thông bất lợi nên việc xây dựng trong xóm đều cực gấp đôi so với ở đất liền. Nguyên vật liệu được tập kết trên lề đường Nam cầu Hộ Độ và phải dùng xe máy để vận chuyển từng bao xi măng, bao cát, từng viên đá hộc về làng.

Nhưng có lẽ điều ám ảnh nhất trong tiềm thức của bất kỳ người con xóm đảo Nam Hà nào cũng là ký ức chạy lụt. Trước đây, cứ sắp sửa bước vào mùa bão lụt là người dân lại nơm nớp để di dời theo chủ trương của chính quyền. Chỉ báo động gió cấp 5, cấp 6 là người dân lại tay xách, nách mang lũ lượt di tản sang các vùng an toàn hơn bởi chỉ một cơn bão nhẹ là xóm đảo cũng đã “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Bình minh “xóm đảo”

Dẫu khó khăn chưa hết đối với người dân Nam Hà nhưng đâu đó qua cách kể, cách nói chuyện và cả qua ánh mắt của họ, chúng tôi phần nào nhận ra niềm vui, niềm hy vọng về một cuộc sống mới đang hiện hữu từng ngày của bà con nơi đây.

Kể tiếp cho chúng tôi nghe về những đổi thay đã và đang hiện diện trên mảnh đất này, bác Nguyên không khỏi tự hào: “Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt, thời gian gần đây, nhân dân xóm Nam Hà đã nhận được khá nhiều sự hỗ trợ để nâng cao chất lượng cuộc sống”. Điện, nước đã được đảm bảo khi năm 2010, công trình nước ngọt Hộ Độ được đưa vào sử dụng; năm 2012, hệ thống điện lưới hoạt động với công suất ổn định. “Từ khi điện, nước được đảm bảo, đời sống người dân xóm tôi bớt cơ cực hơn” - bà Vân (60 tuổi) phấn khởi cho biết.

Con đường huyết mạch dẫn vào xóm đang được triển khai xây dựng lại và tu bổ theo chương trình “đường giao thông nông thôn kết hợp đê bao Nam Hà - Hộ Độ - Lộc Hà” do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư. Anh Thông - Phó ban giao thông thủy lợi xã Hộ Độ cho biết: “Đường rộng 5m cả lề, có trọng tải dưới 5 tấn sẽ đáp ứng nhu cầu về giao thông của người dân”. Tuy mới được triển khai trong tháng 8/2013, nhưng theo anh Vinh - Đội trưởng Đội thi công thì sau khoảng 5 tháng sẽ bàn giao và đưa vào sử dụng.

Về xóm đảo khi mùa mưa lũ cận kề nhưng người dân đã bớt lo lắng và an tâm hơn khi công trình “nhà tránh lũ cộng đồng” đã được bàn giao đầu năm 2013. Công trình này được xây dựng nhằm mục đích đưa nhân dân vào chỗ sơ tán ban đầu nếu có bão lụt, người dân không phải “chạy” đến các vùng khác như trước.

Nếu chỉ có những thuận lợi về điều kiện sống mà không có những nét đặc sắc về tình làng, nghĩa xóm thì chắc hẳn sẽ không có 95 hộ dân với 350 nhân khẩu đang từng ngày bám trụ với xóm đảo và cũng sẽ không có những ý định hồi hương của một số người con xa xứ ở vùng đất này. Nét đặc sắc đó biểu hiện ở tình đoàn kết hiếm thấy. Khi trong làng có người mất, hầu như tất cả người dân đi làm ăn trong tỉnh đều tụ về và tự nguyện nhận việc để làm, không phải cắt cử trai mạc như các nơi khác. Gia đình nào muốn chở vật liệu về xây dựng, ai có xe máy cũng nhiệt tình vận chuyển và chỉ cần chén nước cũng đủ để trả công cho tình làng, nghĩa xóm…

Anh Lê Doãn Lịch - Phó ban Văn hóa xã Hộ Độ cho biết thêm: “Xóm Nam Hà là một đơn vị mạnh về phong trào, đặc biệt, BCH Đoàn xã lấy Chi đoàn xóm Nam Hà làm chuẩn để các chi đoàn khác học tập và phấn đấu”.

Nguyện vọng của người dân Nam Hà tự bao đời là hệ thống giao thông được thuận lợi và hệ thống đê bao chạy xung quanh xóm được xây dựng thì bây giờ một trong hai điều đó đang được thực hiện. Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Bá Khanh - Bí thư Đảng ủy xã Hộ Độ chia sẻ: “Biết rằng, nguyện vọng của nhân dân là chính đáng nhưng nguồn lực của xã không đủ. Vậy nên, xã đang tích cực kêu gọi nguồn đầu tư từ các cấp, ngành”.

Chia tay xóm đảo lúc mặt trời dần khuất núi, phải vững tay lái lắm tôi mới đi hết con đường vừa hẹp, vừa khó đi. Tuy nhiên, tôi rất vui vì biết không lâu nữa con đường mơ ước sẽ trở thành hiện thực với bà con nơi đây.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast