Xã Sơn Bằng huy động hơn 1,5 tỷ đồng trùng tu đền Phúc Lai - di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh
Tọa lạc trên khuôn viên 1.500 m2 (thôn Phúc Bằng, xã Sơn Bằng), đền Phúc Lai - di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh thờ thánh Tam Lang (danh thần của địa phương), có tuổi đời trên 300 năm.
Tương truyền, vua Lê Lợi trong lúc dẫn quân đi đánh trận bằng đường thủy, khi ngang qua xã Hữu Bằng (nay là xã Sơn Bằng) thì thuyền bị mắc cạn. Cách sông chừng 1,5 km có một ngôi đền, nhà vua và quân lính liền lập đàn cầu mưa. Ngay lập tức, trời đổ mưa dông, tạo thành dòng nước đưa thuyền của vua Lê vượt cạn.
Đền Phúc Lai còn lưu giữ 23 đạo sắc từ thời vua Lê, vua Nguyễn.
Ông Phạm Quang Giao – cán bộ văn hóa xã Sơn Bằng, cho biết: “Theo lịch sử địa phương, vào năm 1956, chiến tranh diễn ra ác liệt nên các đền, chùa, miếu, nhà thờ họ trong vùng đều được quân đội trưng dụng làm kho đựng vũ khí, cơ sở dạy học…
Vì vậy, các vị thánh thờ ở các đền, chùa, miếu đều được hợp tự về đền Phúc Lai. Bởi vậy, hiện nay đền còn lưu giữ 23 đạo sắc từ thời vua Lê, vua Nguyễn”.
Năm 2019, bà Nguyễn Thị Phương - một người con xa quê ở TP Hồ Chí Minh đã đầu tư 500 triệu đồng để mua sắm các khảm, đồ đồng trang trí trong điện của đền Phúc Lai
Trải qua thời gian, đền Phúc Lai bị bom đạn phá hủy. Năm 2000, con em địa phương trong vùng đã kêu gọi đóng góp để phục dựng đền. Qua hơn chục năm, địa phương đã huy động hàng tỷ đồng để xây dựng, trùng tu đền.
Trong các mạnh thường quân đầu tư có bà Nguyễn Thị Phương (doanh nhân ở TP Hồ Chí Minh) đóng góp hơn 1 tỷ đồng để xây dựng thượng điện, hệ thống cổng đá… Năm 2019, bà Phương còn đầu tư 500 triệu đồng để mua sắm các khảm, đồ đồng trang trí trong điện.
Xã cũng huy động hơn 1 tỷ đồng trùng tu nhà thờ Đào Hữu Ích
Ông Phạm Kim Tuyến – Chủ tịch UBND xã Sơn Bằng cho biết: “Trên địa bàn xã có 14 đền, chùa, miếu, nhà thánh và 20 nhà thờ họ có niên đại từ 100 - 500 năm. Trong số này có 5 di tích cấp tỉnh và 1 di tích cấp quốc gia.
Để bảo vệ các di tích, công trình văn hóa cha ông để lại, người dân, con cháu trong các dòng họ đã đóng góp tiền của, ngày công để tôn tạo, giữ gìn. Nhờ vậy, các di tích, công trình đã được quản lý, bảo vệ và phát huy hiệu quả, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân trên địa bàn”.
Bức mộc bản triều Nguyễn khắc về nhà khoa bảng Đào Hữu Ích được con cháu trong dòng họ sưu tập
Theo thống kê, địa phương đã huy động được hàng tỷ đồng trùng tu đền Phúc Lai (1,5 tỷ đồng), nhà thờ Phạm Phúc Kính (hơn 1,5 tỷ đồng), nhà thờ Đào Đăng Đệ (hơn 1,5 tỷ đồng), nhà thờ Đào Hữu Ích (hơn 1 tỷ đồng), nhà thờ Hồ Đắc Thọ (hơn 200 triệu đồng), nhà thờ Đào Doãn Thắng (hơn 200 triệu đồng)…
Ngoài ra, các dòng họ cũng huy động được hơn 20 tỷ đồng để xây dựng 20 nhà thờ họ trên địa bàn. Có những nhà thờ huy động được trên 3 tỷ đồng để xây dựng như: Nhà thờ họ Hồ, nhà thờ họ Trần (thôn Kim Bằng).