Hồ Chí Minh - biểu tượng tuyệt vời của khát vọng tự do

(Baohatinh.vn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh - người suốt đời chiến đấu cho độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc, của Nhân dân cũng là người rất tự do trong sáng tạo văn chương, báo chí. Trong suốt 50 năm sự nghiệp viết của mình, Người bao giờ cũng tự thể hiện trong một tư thế tự do tuyệt đối...

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - người sáng lập Đảng và lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, là người có sự nghiệp viết bắt đầu từ năm 1919 với Bản yêu sách 8 điểm gửi Hội nghị Véc-xây.

Hồ Chí Minh - biểu tượng tuyệt vời của khát vọng tự do

Bản yêu sách 8 điểm gửi Hội nghị Véc-xây của Nguyễn Ái Quốc. Ảnh Internet

Trong 8 điểm đó, có 4 điểm đòi quyền tự do cho người An Nam:

“3. Tự do báo chí và ngôn luận

4. Tự do lập hội và hội họp

5. Tự do di cư và đi ra nước ngoài.

6. Tự do mở trường và thành lập ở tất cả các tỉnh những trường dạy kỹ thuật và nghề nghiệp cho người bản xứ theo học”.

Đây chỉ là mấy yêu cầu tự do tối thiểu nằm trong một phạm trù tự do rộng lớn, gắn với độc lập cho dân tộc và hạnh phúc cho Nhân dân, làm thành bộ ba: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc, trên cơ sở nền Dân chủ - Cộng hòa, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ được thực hiện trọn vẹn sau Cách mạng tháng Tám - 1945 mà Nguyễn Ái Quốc là người sáng lập, lãnh đạo và là vị Chủ tịch đầu tiên.

Trở lại với 50 năm sự nghiệp viết của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh được bắt đầu từ năm 1919, với 2 giai đoạn: từ 1919-1945 và 1945-1969. Ở giai đoạn thứ nhất, Nguyễn Ái Quốc và sau đó là Hồ Chí Minh, có sự nghiệp viết trong tư cách một chiến sĩ cách mạng có ý thức sử dụng “vũ khí của tiếng nói” để thực hiện sứ mệnh lịch sử cao nhất và duy nhất là độc lập cho dân tộc và tự do cho Nhân dân Việt Nam. Một sự nghiệp viết bắt đầu bằng 2 loại chữ: Pháp và Việt, nhằm vào 2 đối tượng: thực dân Pháp và chính quyền tay sai Nam triều; nhân dân lao khổ trên toàn thế giới, trong đó có người An Nam.

Với kẻ thù, đó là sự cảnh tỉnh; với Nhân dân bản xứ và người nghèo khổ trên khắp thế giới, đó là sự thức tỉnh. Cảnh tỉnh và thức tỉnh - đó là 2 mục tiêu lớn trong sự nghiệp viết, trước hết là báo chí và sau đó là văn học của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, từ 1919-1945. Một sự nghiệp viết, bắt đầu từ Yêu sách của nhân dân An Nam (1919), báo Le Paria, kịch Con rồng tre, những truyện ngắn, tiểu phẩm đăng trên các báo tiếng Pháp ở Paris những năm đầu thập niên 1920 và Bản án chế độ thực dân Pháp in ở Paris (1925). Tiếp đó là Đường Kách mệnh (1927) và Nhật ký chìm tàu (1931) bằng tiếng Việt bị cấm và tịch thu.

Hồ Chí Minh - biểu tượng tuyệt vời của khát vọng tự do

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Báo Người Cùng Khổ (Le Paria). Ảnh: Tư liệu

Năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước sau 30 năm xa xứ và trong 4 năm mở đầu thập niên 1940 là sự dồn tụ một sự nghiệp viết trên nhiều thể, loại như văn, thơ, diễn ca, chính luận, trong đó rất quan trọng là thơ tiếng Việt trên 30 bài được gọi là Thơ ca Việt Minh đăng trên báo Việt Nam độc lập; diễn ca Lịch sử nước ta, 208 câu; Ngục trung nhật ký - 135 bài thơ chữ Hán; nhiều thư kêu gọi và hiệu triệu quốc dân đánh Pháp, đuổi Nhật, chuẩn bị tổng khởi nghĩa và cuối cùng là Tuyên ngôn Độc lập.

Hơn 25 năm trước 1945, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã để lại một sự nghiệp viết trên 3 loại chữ: Pháp, Hán, Việt, nhằm hướng tới một mục tiêu cao nhất và duy nhất là độc lập cho dân tộc, tự do và hạnh phúc cho Nhân dân Việt Nam. Hơn 25 năm viết (1919-1945), trong 30 năm xa xứ (1911-1941), nhà cách mạng và lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đã để lại cho Nhân dân Việt Nam một di sản báo chí, văn chương vô cùng quý giá, trong đó có những tác phẩm đứng ở đỉnh cao nhất các giá trị của văn minh và nhân đạo. Đó là Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Ngục trung nhật ký (1943) và Tuyên ngôn Độc lập (1945).

Cần lược kể như trên để nói một sự thật, đúng hơn, một chân lý đơn giản: Trong thân phận một người dân mất nước; một nước Việt Nam mất tên gọi trên bản đồ; một thanh niên đi tìm đường cứu nước phải thay tên đổi họ nhiều chục lần; phải làm đến 12 nghề để kiếm sống; phải trải một hành trình 30 năm xa xứ, với 2 lần bị bắt, 2 lần bị án tù, 2 lần có tin chết, chắc chắn Bác không có chút tự do nào trong hoạt động và kiếm sống. Thế mà, Bác đã rất tự do trong cả một sự nghiệp viết rất đồ sộ và với sự nghiệp đó, Bác đã thành người đặt nền móng và kết tụ những tinh hoa cho nền văn chương và báo chí Việt Nam thế kỷ XX.

30 năm xa xứ. Hơn 25 năm viết. Viết đã trở thành một phương thức cho hoạt động cách mạng. Một vũ khí của tiếng nói. Với Bác, viết không phải để lưu lại một sự nghiệp văn chương, như bất cứ nhà thơ, nhà văn nào khác cùng thời. Nếu có một sự nghiệp thì đó là chủ quyền của Tổ quốc còn trong nô lệ, là lợi ích của Nhân dân còn rất lầm than. “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi. Đó là tất cả những gì tôi biết. Đó là tất cả những gì tôi hiểu”…

Hồ Chí Minh - biểu tượng tuyệt vời của khát vọng tự do

Bìa "Nhật kí trong tù" (Ảnh tư liệu)

Từ 1919-1945 trong sự nghiệp viết của mình, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không có nhu cầu phải thuyết phục ai, giáo dục ai về quan niệm viết, về kinh nghiệm viết, ngoài việc thể hiện mình, bộc lộ mình trung thành và trọn vẹn trên tất cả các trang viết, thuộc mọi chủng loại - đó là Yêu sách, hoặc Bản án; là một vần thơ cực kỳ giản dị như Hòn đá cho quần chúng mù chữ ai cũng hiểu, đến một triết lý thâm trầm về sự sống trong cảnh ngộ một người tù; một hiệu triệu gửi các giới đồng bào gia nhập Việt Minh hoặc chuẩn bị tổng khởi nghĩa đến một Tuyên ngôn Độc lập, nhân danh lịch sử và dân tộc nói với tương lai và nhân loại.

Từ 1945, ở cương vị Chủ tịch nước, sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập cho đến 1969, công bố Di chúc sau khi qua đời, Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục một sự nghiệp viết gồm nhiều thể loại như thơ chữ Hán và thơ chữ Việt; thư từ, lời kêu gọi hoặc bài nói chuyện cho các giới nghề nghiệp... Ở lĩnh vực này, Hồ Chí Minh có cơ hội để thể hiện quan niệm của mình về báo chí, văn chương, nghệ thuật; qua đó trực tiếp hoặc gián tiếp có thể biết được ý kiến của Người về tự do trong sáng tạo nghệ thuật.

Là nhà cách mạng, Hồ Chí Minh luôn luôn xem hoạt động văn hóa - văn nghệ như một hoạt động cải tạo, sáng tạo thế giới ở con người. Văn nghệ không có một mục đích tự thân. Trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, Bác viết: “Văn hóa, văn nghệ cũng như mọi hoạt động khác, không thể ở ngoài, mà phải ở trong kinh tế, chính trị”. Bao thế hệ văn nghệ sĩ và công chúng Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua, hẳn ai cũng nhập tâm từng lời, từng chữ bức thư trên, khi cuộc kháng chiến đã diễn ra sau 6 năm. “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”(1).

Trước đó, năm 1947, trong Thư gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ, Bác viết: “Ngòi bút của các bạn là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”(1). Đây là quan điểm có tính nguyên tắc trong tư tưởng văn nghệ của Bác. Yêu cầu phục vụ cách mạng trong tinh thần của Hồ Chí Minh không hề mang tinh thần áp đặt, mà phải là một hoạt động tự nguyện, tự giác, một đòi hỏi của trách nhiệm, của lương tâm người nghệ sĩ:

“Rõ ràng là dân tộc bị áp bức thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng” (1).

Hồ Chí Minh - biểu tượng tuyệt vời của khát vọng tự do

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nghiên cứu, tìm tòi để bổ sung thông tin cho mỗi bài báo. Ảnh: Tư liệu

Có điều cần lưu ý: mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị theo cách tác giả nêu như trên, không có nghĩa là một sự hạ thấp giá trị văn nghệ; cũng không có nghĩa như một sự phân chia tách bạch chính trị và văn nghệ thành 2 vế, đối lập nhau, hoặc với trật tự cao thấp. Trong bức thư đã gửi trên có đoạn viết: “Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn sự ủng hộ của các bạn. Chính phủ cùng toàn thể đồng bào Việt Nam kiên quyết chiến đấu, tranh quyền thống nhất và độc lập cho nước nhà, để cho văn hóa cũng như chính trị và kinh tế, tín ngưỡng, đạo đức đều được phát triển tự do”(1).

Như vậy, cho đến khi dân tộc giành được chủ quyền và mục tiêu của cách mạng được tập trung vào việc xây dựng một xã hội mới, nhằm mưu cầu hạnh phúc cho con người thì yêu cầu về sự phát triển tự do, toàn diện của các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng, đạo đức sẽ được đặt ra trong một quan hệ chỉnh thể, tác động vào nhau; mặt khác, lại phải chú ý đến những đặc trưng riêng và những yêu cầu nội tại, có tính quy luật cho mỗi lĩnh vực hoạt động, mà những người được phân công hoặc tự nguyện chọn lựa cần phải nắm hiểu, vận dụng.

Văn nghệ cần được tự do. Nhưng tự do của văn nghệ cần được đặt ra trong tự do chung của Nhân dân, của dân tộc.

Văn nghệ cần được tự do. Nhưng việc quan niệm tự do như thế nào cho đúng và làm thế nào để được tự do - đó là điều cần hiểu và phát triển trên cơ sở nắm vững yêu cầu cụ thể của thực tiễn cách mạng và quy luật phát triển nội tại của văn nghệ.

Không xem mình là nhà thơ, nhà văn, nhà văn nghệ, bởi đó không phải là nghề chuyên của mình, mà chỉ nhận mình là người yêu văn nghệ (2) nhưng Hồ Chí Minh vẫn để lại một sự nghiệp bất hủ, đứng ở hàng đầu các giá trị nhân văn và hiện đại trong lịch sử văn chương Việt.

Người viết không... chuyên ấy cũng là người luôn luôn khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa - văn nghệ. Người rất thuộc ca dao, dân ca và Truyện Kiều. Người từng xem mình là “người học trò nhỏ của L. Tônxtôi”(1)... Người am hiểu rất sâu các giá trị của văn nghệ và đưa văn nghệ lên một vị trí rất cao như “những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”.

Người suốt đời chiến đấu cho độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc, của Nhân dân cũng là người rất tự do trong sáng tạo văn chương, báo chí trong suốt 50 năm sự nghiệp viết của mình. Viết cho công chúng cần lao còn trong tình cảnh nô lệ hoặc công chúng đã được hưởng độc lập, tự do và viết cho riêng mình - Hồ Chí Minh bao giờ cũng tự thể hiện trong một tư thế tự do tuyệt đối, không chịu bất cứ ràng buộc nào của bản thân và ngoại cảnh.

(1) Hồ Chí Minh: Về công tác văn hóa, văn nghệ; Nxb. Sự thật; H.; 1971.

(2) Bài nói chuyện trong lễ bế mạc Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ II, năm 1957. Rút ở sách trên.

Hồ Chí Minh - biểu tượng tuyệt vời của khát vọng tự do

Chủ đề KỶ NIỆM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Đọc thêm

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Hướng dẫn số 03-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên; độ tuổi cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên BTV và phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, cấp cơ sở...
 [Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

[Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

Đại hội Đại biểu lần thứ V của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến 31/3/1982, tại thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư. Ngày 14/7/1986, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt, đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn (từ trần ngày 10/7/1986).