Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký văn kiện Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở thủ đô Paris (Pháp). (Ảnh: Văn Lượng/TTXVN)
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973 - 27/01/2023), tối 17/1, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp “Hiệp định Paris - Khát vọng hòa bình.”
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Nguyễn Quang Phương, cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương dự chương trình.
50 năm trước, Hội nghị và Hiệp định Paris kéo dài 4 năm 8 tháng 16 ngày là đỉnh cao của quá trình đấu tranh bền bỉ, cuộc đấu trí được xem là bản lĩnh, cam go nhất của thế kỷ XX.
Tiếp nối truyền thống Anh hùng, thể hiện ý chí sắt đá của các thế hệ người Việt - mang trong mình khát vọng “độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam ,” hàng triệu người con đất Việt trên 3 mặt trận: quân sự, ngoại giao, chính trị đã không tiếc tâm sức, trí tuệ, thậm chí hy sinh để bảo vệ độc lập, tự do, hòa bình, công lý cho đất nước.
Thành công của cuộc hòa đàm lớn nhất thế kỷ XX là sự phối hợp nhịp nhàng giữa 3 mặt trận: chính trị, quân sự; ngoại giao giữa “đánh” và “đàm”; các chiến dịch quân sự lớn như: Mậu Thân (1968), Quảng Trị (1972), Hà Nội - 12 ngày đêm Điện Biên phủ trên không (1972)...
Hội nghị Paris là bài học tiêu biểu về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại: tranh thủ được sự đồng tình của dư luận quốc tế - thậm chí ngay giữa lòng nước Mỹ, tạo nên một mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn ủng hộ Việt Nam, thức tỉnh lương tri, khát vọng hòa bình của toàn nhân loại.
“Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi” - ước vọng Bác Hồ luôn đau đáu đã được toàn dân tộc tiếp nối để ngày đoàn tụ sớm thành hiện thực.
Lễ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Paris (Pháp). (Ảnh: Văn Lượng/TTXVN)
Vì khát vọng ấy, người Việt Nam đã bền bỉ đấu tranh suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Tinh thần ấy tiếp tục được thể hiện, phát huy qua các Hội nghị và Hiệp định Paris suốt hơn 4 năm, 8 tháng với cuộc đấu trí được xem là bản lĩnh, cam go nhất của thế kỉ XX. Đó là nội dung của chương 1 “Đường tới hòa bình”.
Hiệp định Genève ký chưa được bao lâu, đế quốc Mỹ nhanh chóng nhảy vào miền Nam, “hất cẳng” thực dân Pháp, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới. Việt Nam một lần nữa trải qua cuộc chiến tranh trường kỳ, bền bỉ chống Mỹ để đi tới việc ký kết Hiệp định Paris.
Năm 1968, Hội nghị Paris được khởi động như hệ quả của cuộc Tổng tiến công Mậu Thân, cùng hàng loạt thất bại nặng nề của chiến lược “chiến tranh cục bộ”, “chiến tranh phá hoại”, quân, dân Việt Nam đã làm lung lay ý chí muốn đè bẹp ta bằng sức mạnh quân sự của Mỹ, mở ra một chiến lược mới của chiến tranh nhìn từ hai phía - “vừa đánh vừa đàm.”
Với các phóng sự “Vừa đánh vừa đàm”, “Hiệp định Paris - Những đòn cân não”, “Việt Nam giữa lòng nước Pháp”, “Phong trào phản chiến”Vì Việt Nam“, khán giả hiểu thêm về bối cảnh ra đời Hiệp định Paris trong thế giằng co đấu trí - đấu lực, Việt Nam kiên trì vừa”đánh“vừa”đàm" suốt Hiệp định Paris; ôn lại những khoảnh khắc cân não, căng thẳng trên bàn đàm phán, như Lam Sơn 719; Quảng Trị và Điện Biên Phủ trên không 1972...
Sự kiện Hiệp định Paris về hòa bình ở Việt Nam 27/1/1973, được xem là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên, trong đó Mỹ buộc phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất của dân tộc Việt Nam. Cùng đó, phong trào Việt kiều ở Pháp đặc biệt là ở Paris là 1 nhân tố góp phần vào thắng lợi của ta về mặt chính trị, ngoại giao nhân dân.
Không chỉ tạo nên khối đại đoàn kết giữa cộng đồng người Việt sinh sống ở Pháp, tình cảm yêu Việt Nam, tận lòng tận sức hỗ trợ Phái đoàn còn lan đến những người Pháp yêu chuộng hòa bình, yêu quý Việt Nam. Họ đã góp phần tạo nên mặt trận ngoại giao nhân dân khắp thế giới vì Việt Nam. Các phong trào phản chiến lên cao mạnh mẽ ngay trong lòng nước Mỹ, giữa đất nước Pháp... Những hoạt động ấy đã truyền cảm hứng cho các dân tộc đang bị áp bức trên thế giới, thức tỉnh lương tri thế giới về hòa bình cho toàn nhân loại.
Hiệp định Paris còn tập hợp được một lực lượng mạnh mẽ các kiều bào, du học sinh hậu thuẫn cho Chính phủ - lan tỏa tinh thần yêu nước, khát khao hòa bình. Tinh thần “trở về” khi Tổ Quốc cần - lời hiệu triệu từ trái tim đã được Bác Hồ gieo vào lòng các trí thức yêu nước ngay sau khi nước nhà giành được độc lập năm 1945.
Chương 2 “Cánh cửa đoàn tụ” mở ra với câu chuyện của ông Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ trở về cống hiến cho đất nước từ 1946, 1949. Hay câu chuyện của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước, nguyên Trưởng ban Việt Kiều Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội (1997-2007). Năm 1976, theo lời kêu gọi về nước, gia đình Giáo sư là một trong những gia đình trí thức đã quyết định trở lại Việt Nam góp phần xây dựng đất nước...
Không chỉ là hành trình trở về của những trí thức yêu nước, Hiệp định Paris còn đánh dấu thời khắc lịch sử, mở ra những khát vọng đoàn tụ cho hàng triệu người con đất Việt. Đó là cuộc đoàn tụ của 904 nữ tù binh ở Lộc Ninh (2 ngày sau) càng cảm động khi là sự gặp lại của nhiều nữ tù binh với con vì họ sinh con trong tù.
Hiệp định Paris mở ra hàng trăm cuộc đoàn tụ cho các tù binh năm ấy. Cuộc trao trả tù binh ở Thạch Hãn vô cùng cảm động khi cựu tù bơi qua sông để về với người dân, trong sắc cờ đỏ và cờ xanh-đỏ.
Nhân vật lịch sử, bà Tư Nguyệt (người sinh con trong tù, đặt tên con là Dũng Sỹ, 15 tháng gửi con ra cho đồng bào nuôi, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, bà được trao trả, tìm lại và gặp được con) và nữ tù cùng phòng - người đã giúp bà chăm sóc con trong thời gian em bé ở trong tù, đầy xúc động sau bao năm chưa gặp lại đã diễn ra tại chương trình.
Cũng tại Hội nghị Paris, “dấu ấn ngoại giao Việt Nam” được thể hiện rõ nét. Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) và tại Bỉ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam - trong thời gian tham gia đàm phán Hiệp định, bà đã tham gia phiên dịch tiếng Anh trong một số cuộc tiếp xúc không chính thức cho Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, đã nhận định về các bài học kinh nghiệm, ý nghĩa của Hiệp định Paris đối với chiến thắng Mùa xuân 1975, cũng như vị thế của ngoại giao Việt Nam sau khi Hiệp định Paris được ký kết...
Chương 3 “Vươn lên Việt Nam” đã đưa khán giả đến những dấu ấn nổi bật của đất nước ta sau khi Hiệp định Paris được ký kết, miền Bắc căn bản được hòa bình. Lần đầu tiên dự thi, Việt Nam đã thành công mang về nhiều giải thưởng trong nhiều lĩnh vực. Hiệp định Paris cũng mở đường cho nghệ thuật Việt Nam “cất cánh”.
Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (đạo diễn Hải Ninh) đã đoạt giải thưởng của Hội đồng Hòa bình Liên Xô tại Liên hoan phim Quốc tế Moscow 1973. Hai năm 1973-1974, công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế ở miền Bắc tiến hành khẩn trương, nền kinh tế có bước phát triển tốt. Hàng loạt nước đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Năm 1973, tàu biển trọng tải lớn bắt đầu vào được cảng Hải Phòng, tiếp đó là cảng Hòn Gai, Cẩm Phả, Bến Thủy, Sông Gianh, Nhật Lệ..., mở ra bước phát triển mới. Trong hoàn cảnh miền Bắc vừa phải đương đầu với hàng triệu tấn bom đạn của đế quốc Mỹ, vừa không ngừng cung cấp sức người, sức của cùng đồng bào miền Nam đánh giặc, cứu nước, đồng thời gánh vác nghĩa vụ quốc tế, những thành tựu đã đạt được là những kỳ tích không thể tưởng tượng.
Vượt lên trên mọi ý nghĩa thông thường, Hội nghị Paris và Hiệp định Paris là niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý, củng cố niềm tin của nhân dân các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa. Hội nghị Paris và Hiệp định đã mang lại nhiều bài học lớn cho Việt Nam trong quan hệ đối ngoại, khẳng định vị thế trong khu vực và thế giới. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã chia sẻ những bài học lớn để lại từ Hiệp định Paris.
Vượt lên trên mọi ý nghĩa thông thường, Hội nghị Paris và Hiệp định Paris là niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới, củng cố niềm tin của nhân dân các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa. “Cảm hứng Việt Nam” đã đến với nhiều người ở Pháp, Cuba, Ấn Độ, Hungary, Ba Lan... cùng lan tỏa tình yêu hòa bình.
“Những bài học lớn từ Hiệp định Paris và Việt Nam: 50 năm nhìn lại” đã khẳng định: Hoạt động đối ngoại và các thành tựu kinh tế - xã hội ngày càng khẳng định rõ bản lĩnh, bản sắc của Việt Nam với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp ngày càng nhiều vào hòa bình, hợp tác, phát triển không chỉ trong khu vực ASEAN mà còn cả trên thế giới.
50 năm đã qua, “Hiệp định Paris - Khát vọng hòa bình” là dịp để nhìn lại những tháng ngày oanh liệt, hào hùng của dân tộc, đoàn kết chung khát vọng vì toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, nâng cao vị thế đất nước , góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội trên thế giới.