Ảnh minh họa từ internet |
Thấy nhiều người tranh cãi chạy xe số sàn nên đạp côn hay phanh trước trong bài viết "Những sai lầm khi lái xe số sàn" nay mình xin chia sẻ những kiến thức cơ bản và kinh nghiệm lái xe số sàn :
Thay đổi số đúng quy trình
- Từ số 1 ta đi lần lượt 2-3-4-5. Tránh vào số theo kiểu bỏ qua bước sẽ khiến xe không đủ lực kéo, gây mất an toàn và hại động cơ. Đối với các bạn thi sát hạch lái xe nếu vào số bỏ qua trình tự số sẽ bị trừ điểm.
- Tập thói quen kéo cần số dừng lại tại điểm trung gian (tức là số N) rồi mới kéo sang số tiếp. Mục đích là tạo cảm giác sang số chính xác, tránh kéo nhầm số 3 sang số 5...
- Vận tốc nào thì đi số đó, số 1 đi chậm 0-15 km/h, số 2 từ 15-25 km/h. Số 3 : 25-35 km/h. Số 4 : 40-55 km/h....
Muốn sang các số lớn hơn cần phải cho xe chạy nhanh hơn để lấy đà, khi xe chạy chậm lại cần phải về số thấp tương ứng với tốc độ để đảm bảo lực kéo.
Nếu đi chậm mà để số lớn thì xe sẽ bị rung lên khi tăng ga, lúc đó ta cần chuyển về số thấp ngay.
Khi xe dừng lại nếu muốn đi tiếp thì phải về số 1.
- Ở xe số sàn thì số lùi là số mạnh nhất, mạnh hơn cả số 1.
- Khi xe đang chạy thì không thể vào số lùi, trên xe số tự động cũng vậy.
Sử dụng chân côn và ga
- Từ lúc xe đứng yên số 1 thì nhả chân côn rất chậm, khi xe bắt đầu lăn bánh thì nhả thêm chút nữa, có thể đệm nhẹ ga để xe lăn đi nhanh hơn mà không sợ chết máy. Nếu muốn nhả côn nhanh (cần chạy gấp) ở số 1 thì phải đệm ga lấy "đà" trước rồi mới nhả côn.
Từ số 2 trở đi có thể nhả chân côn nhanh hơn mà không sợ chết máy.
- Côn ra ga vào: Tức là khi nhả chân côn phải đệm thêm ga, thường là nhả chân côn trước, khi thấy bắt đầu tiếp nối thì đệm ga đều.
- Khi ngắt côn phải đạp nhanh, dứt khoát hết độ sâu của chân côn.
- Khi đang chạy ở vận tốc trung bình - cao mà phải về số thấp hơn để lấy lực kéo. Ví dụ như lên dốc, cầu thì sử dụng kỹ thuật vù ga. Tức là đạp côn để về số thấp hơn nhưng chưa vội nhả chân côn, mà nên đệm nhẹ ga để đồng tốc máy - bánh răng bị động sau đó mới nhả côn. Vù ga giúp xe về số mà không bị giật đồng thời đảm bảo độ bền bỉ của máy.
Sử dụng chân côn và thắng
- Khi đi chậm như xe đạp mà cắt côn thì xe sẽ đi chậm hơn đến khi dừng lại. Trường hợp này côn trước, phanh sau. Ngoại trừ phanh gấp có thể đạp phanh mà khỏi cần cắt côn.
- Xe đi trung bình hoặc nhanh mà cắt côn thì xe sẽ chạy nhanh hơn sau đó mới chậm dần. Trường hợp này ta lên rà chân phanh vài lần cho xe chậm hơn (không phải đạp phanh) rồi mới cắt côn.
Việc đạp phanh trước khi cắt côn giúp an toàn hơn, để đảm bảo xe không bị chết máy thì lực đạp phanh phải phù hợp với quán tính. Nếu xe đi chậm mà đạp phanh mạnh thì sẽ chết máy. Ta nên rà phanh nhẹ nhàng đến khi có được vận tốc an toàn rồi mới cắt côn. Việc này còn phụ thuốc vào tình huống trước mặt, nếu là tình huống khẩn cấp thì không nên cắt côn.
Lên xuống dốc
Đối với dốc cao và dài thì chạy lấy đà, khi xe bắt đầu lên dốc thì về số và sử dụng kỹ thuật vù ga để đồng tốc. Tốt nhất là đi chậm và về số thấp ngay từ chân dốc.
- Lên dốc số nào thì xuống dốc số đó, tránh tăng số hay về N, hoặc đạp côn khi xuống dốc sẽ khiến xe trôi nhanh hơn, mất độ bám đường. Lúc đó sử dụng phanh có thể bị cháy phanh và mất kiểm soát, đặc biệt là ở những con đèo. Xuống dốc với số thấp giúp tận dụng lực ghì của động cơ, giảm tải cho phanh.
- Khi dừng ở dốc lâu cần kéo phanh tay để khỏi phải đạp phanh chân.
Khởi hành ngang dốc
Nhiều trường dạy lái xe yêu cầu kéo phanh tay sau đó ga lên, nhả côn từ từ và hạ phanh tay cho xe đi tiếp. Tuy nhiên cách này thực tế ít người sử dụng, đặc biệt khi bị kẹt xe có thể khiến xe bị chồm lên đâm vào xe trước. Cách hay dùng đó là "Vê côn", chỉ cần đạp chân phanh, nhả dần dần chân côn lên đến khi thấy xe và vô-lăng rung lên thì giữ nguyên chân côn, sau đó nhả nhẹ chân phanh.
Nếu xe lăn bánh thì nhả thật chậm và đều chân phanh và côn. Nếu nhả hết chân phanh mà xe vẫn đứng im tại chỗ thì chứng tỏ lực kéo của xe và lực trôi xuống dốc cân bằng nhau. Bạn chỉ cần đệm nhẹ ga, nhả chân côn lên là xe đi tiếp.
Không được nhả chân côn và phanh ra nhanh vì sẽ khiến xe chết máy. Kỹ thuật vê côn này cần tập nhiều để quen cảm nhận chân côn, ga, phanh.
Vào cua
- Vào cua ở ngã 4 vuông góc với vận tốc khoảng 50 km/h trở xuống có thể đạp côn trước, chân phải để vào chân phanh để rà phanh cho chậm lại và chuẩn bị nếu có tình huống khẩn cấp. Khi thoát ra khỏi cua mà xe bị giảm tốc độ nhiều thì nên về số, còn xe vẫn chạy nhanh thì chỉ cần tăng ga chạy tiếp.
- Nếu vào cua ở ngã 4 với vận tốc chậm thì không cần đạp côn.
- Vào cua ở đường cong thì không nên đạp côn, nhất là ở vận tốc lớn sẽ khiến xe mất độ bám đường.
- Không nên về số trước khi ôm cua, chỉ đến khi cua xong thấy xe bị chậm lại nhiều mới về số.
- Khi vào cua không nên đệm thêm ga trừ khi xe chạy chậm.
- Khi vào cua chân phải nên để vào chân phanh đề phòng tình huống nguy hiểm và tránh bối rối đạp nhầm chân ga.
Phanh tay
Phanh tay chỉ có tác dụng hiệu quả khi xe đi dưới 35 km/h. Phanh tay chỉ có tác dụng với 2 bánh sau. Khi đi nhanh thì phanh tay chỉ là phương án trợ giúp nếu phanh chân bị mất. Ngoài ra kéo phanh tay với lực mạnh khi đi nhanh có thể khiến xe bị trượt bánh sau (giống các tay đua thường kéo phanh tay để drift xe qua chỗ cua). Vì vậy cần phải sử dụng phanh tay đúng cách.
Khi dừng ở chỗ dốc hoặc dừng lâu phải kéo phanh tay tránh để xe trôi dốc.
Chúc các bạn lái xe an toàn.