Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 khai mạc sáng 21/5 tại Hà Nội, dự kiến kéo dài trong 20 ngày.
Theo thông lệ, Quốc hội dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng luật và hoạt động giám sát tối cao (60% thời lượng). Cụ thể, Quốc hội sẽ dành 12 ngày xem xét, thông qua 8 dự án luật, trong đó có Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi)...
Các dự án luật khác được cho ý kiến gồm Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục...
Hội trường Diên Hồng là nơi diễn ra các phiên họp toàn thể của Quốc hội. Ảnh: PV |
Ba điểm mới
Trước hết, kỳ họp lần này tăng thêm các phiên phát thanh, truyền hình trực tiếp với 15 phiên toàn thể chiếm 40% tổng thời lượng kỳ họp. Trong đó, nhiều nội dung đang được cử tri và nhân dân cả nước dõi theo như: Giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)…
Thứ hai là phiên chất vấn áp dụng phương thức 1 - 3. Đại biểu nêu nội dung chất vấn trong 1 phút, thành viên Chính phủ trả lời chất vấn trong 3 phút. Cứ sau 3 người hỏi thì người được chất vấn sẽ trả lời.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận xét cải tiến này sẽ giúp phiên chất vấn sôi động hơn vì số lượng đại biểu được hỏi nhiều hơn, nội dung hỏi chắt lọc hơn. Còn thành viên Chính phủ phải trả lời thẳng vào vấn đề, không vòng vo. Thay đổi này cũng tránh tình trạng trùng lặp nội dung chất vấn, tăng thời gian tranh luận các vấn đề.
Đổi mới thứ ba là bên cạnh các nghị quyết chuyên đề, Quốc hội sẽ ban hành một nghị quyết chung để “gom” các vấn đề phát sinh đã được Quốc hội xem xét hoặc có quan điểm chính thức nhưng không nằm trong nghị trình... Hình thức này sẽ tiếp tục áp dụng ở các kỳ họp tới.
Giám sát lời hứa của Bộ trưởng
Tại phiên họp cuối năm và giữa kỳ, Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện lời hứa, lời cam kết của thành viên Chính phủ. Sau đó, Quốc hội sẽ có nghị quyết về nội dung này.
"Chế tài nặng nhất là bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu Bộ trưởng, trưởng ngành nào đạt dưới 50% thì loại ngay, anh không còn ngồi ghế bộ trưởng nữa, anh phải từ chức", ông Phúc nói và cho biết, kỳ này Thủ tướng có thể đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu khi thấy Phó thủ tướng trả lời chưa đạt.