
Trung tâm Thương mại Tây Sơn.
Trung tâm Thương mại Tây Sơn (thị trấn Tây Sơn) có diện tích gần 10.000m2 với gần 300 hộ kinh doanh, buôn bán khá sôi động. Tuy nhiên, nằm ở địa bàn xã miền núi, nhiệt độ vào mùa nắng nóng tăng cao nên nguy cơ xảy ra cháy nổ luôn rình rập.
Để đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ trong mùa nắng nóng, cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng đã phối hợp với ban quản lý trung tâm sớm triển khai các biện pháp PCCC, tuyên truyền đến bà con tiểu thương nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ tại quầy hàng của mình.
Ông Trần Văn Thắng - Chủ tịch UBND thị trấn Tây Sơn kiêm Trưởng BQL Trung tâm Thương mại Tây Sơn cho biết: "Trong số 300 gian hàng của trung tâm có hơn 30 hộ kinh doanh quần áo, giày dép, chăn ga, thực phẩm khô, vàng mã... Đây là những mặt hàng dễ cháy và nguy cơ xảy ra hỏa hoạn lớn từ khu vực này. Do đó, BQL đã chỉ đạo các tổ, đội kiểm tra tất cả các hệ thống bảo vệ tại chợ, đặc biệt là hệ thống PCCC; thường xuyên duy tu, bảo dưỡng hệ thống điện chiếu sáng nhằm đảm bảo công tác phòng ngừa cháy nổ ở mức tốt nhất. Đồng thời, chỉ đạo đội bảo vệ tổ chức các đoàn tuyên truyền về nguy cơ cháy nổ, các giải pháp phòng chống khi xảy ra cháy nổ đến các tiểu thương".

Bà Hoàng Thị Tuyết - tiểu thương kinh doanh quần áo cho hay: “Còn nhớ, ngày 20/4/2023, ở khu vực ngoài đình xảy ra cháy khiến 6 ki-ốt kinh doanh hàng ăn uống, cắt tóc, gội đầu bị thiêu rụi, thiệt hại lên đến 350 triệu đồng. Từ đó, chúng tôi luôn cảnh giác và tuân thủ mọi quy định về phòng chống cháy nổ mà chính quyền địa phương và BQL trung tâm khuyến cáo. Trong khu vực đình chợ, chúng tôi không thắp hương, không đốt vàng mã; trước khi ra về cẩn thận kiểm tra lại các thiết bị điện”.

Mặc dù nhiều năm lại nay chưa từng xảy ra hỏa hoạn nhưng đội ngũ Ban Quản lý Chợ Phố Châu rất cảnh giác với công tác PCCC bởi chợ án ngữ tại trung tâm thị trấn Phố Châu, bao quanh là cộng đồng dân cư, nếu xảy ra cháy nổ thiệt hại sẽ rất lớn. Hơn nữa chợ phố Châu có số lượng hộ kinh doanh khá lớn với 350 hộ (100 hộ trong đình, còn lại là khu vực ngoài đình), trong đó có nhiều hộ kinh doanh những mặt hàng dễ cháy nên nguy cơ tiềm ẩn cao. Vì vậy, trước mùa nắng nóng, kịch bản PCCC đã được Ban Quản lý Chợ lập trình sẵn.
Theo ông Phan Xuân Thành - Trưởng ban Quản lý Chợ Phố Châu, bên cạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, phát tờ rơi, yêu cầu 100% tiểu thương ký cam kết không vi phạm; thường xuyên duy tu bảo dưỡng thiết bị chữa cháy, lực lượng chuyên trách công tác chữa cháy gồm 24 người thường xuyên thay phiên nhau tuần tra kiểm soát nếu phát hiện sự cố sẽ xử lý kịp thời nhằm ngăn ngừa những nguy cơ gây cháy có thể xảy ra.

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH (Công an Hà Tĩnh) hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy mini cho tiểu thương tại chợ Nầm, xã Châu Bình.
Chợ Nầm (xã Châu Bình) hiện có 48 hộ kinh doanh, cả trong và ngoài đình chợ. Vị trí xung yếu của chợ nằm lọt thỏm giữa khu dân cư, xung quanh là những hộ kinh doanh nhiều mặt hàng khác, nếu xảy ra hỏa hoạn, công tác ứng cứu sẽ gặp khá nhiều khó khăn.
Trước mùa nắng nóng năm nay, chính quyền xã Châu Bình đã ban hành các văn bản chỉ đạo về nâng cao công tác phòng chống cháy nổ tại chợ; trực tiếp giao công an xã kiểm tra, hướng dẫn công tác PCCC cho các địa điểm kinh doanh, nguy cơ cháy nổ cao. Đồng thời, giao ban quản lý chợ bố trí lực lượng trực 24/24h, tổ chức thực hiện nghiêm kỷ cương, trật tự trong khu vực chợ và quanh chợ, không để các tiểu thương bày bán hàng hóa lấn chiếm lối đi chung, tạo thông thoáng khu vực chợ...
Theo ông Trần Quốc Lưu - Giám đốc HTX Môi trường và thương mại tổng hợp Sơn Châu (đơn vị quản lý chợ Nầm), ban quản lý có 5 người, đều đã tham gia các lớp tập huấn và được cấp chứng chỉ về công tác chữa cháy. Ngoài các nhiệm vụ chung, các thành viên thường xuyên tuyên truyền cho bà con tiểu thương chấp hành nghiêm túc các quy định về PCCC. Chợ cũng đã xây dựng bể nước dung tích 15m3, hệ thống đường thông thoáng và các thiết bị chữa cháy đồng bộ, chủ động ứng phó với sự cố ngoài ý muốn xảy ra.

“Tiểu thương chúng tôi thường xuyên được nhắc nhở về phòng ngừa cháy nổ và hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy một cách hiệu quả, an toàn nhất. Bên cạnh đó, bà con đều chủ động phối hợp, nâng cao ý thức để phòng ngừa cháy nổ nhằm đảm bảo an toàn cho gian hàng của mình, của chợ và cộng đồng dân cư xung quanh” - chị Nguyễn Thị Hồng kinh doanh hàng mã tại chợ Nầm cho biết.

Trên địa bàn Hương Sơn hiện có 1 trung tâm thương mại là Trung tâm Thương mại thị trấn Tây Sơn và 9 chợ, gồm: Chợ Phố Châu (thị trấn Phố Châu), chợ Hà Tân (xã Sơn Tây), chợ Rạp (xã Sơn Trung), chợ Đình (xã Kim Hoa), chợ Nầm (xã Châu Bình), chợ Gôi (xã An Hòa Thịnh), chợ Choi (xã Tân Mỹ Hà), chợ Chùa (xã Sơn Tiến), chợ Mới (xã Mỹ Long). Vào mùa nắng nóng, các ban quản lý đã chủ động xây dựng các giải pháp, kịch bản để đảm bảo an toàn PCCC&CHCN, giúp bà con tiểu thương yên tâm kinh doanh, buôn bán.
Trước mùa nắng nóng, huyện Hương Sơn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thường xuyên nhắc nhở các địa phương, đơn vị liên quan, đặc biệt là các ban quản lý chợ trên địa bàn tập trung cao cho công tác PCCC. Lực lượng chức năng của huyện cũng thường xuyên kiểm tra tại các khu chợ để phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, hạn chế nhằm ngăn ngừa những vụ việc về cháy nổ ngoài ý muốn có thể xảy ra.