Theo thông báo Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 khóa XIII phát hành chiều 12/4, Hội nghị đã hoàn thành việc thảo luận và cho ý kiến về 2 nhóm vấn đề.
Một là tiếp tục sắp xếp, tinh gọn các cơ quan hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Hai là công tác chuẩn bị Đại hội XIV, bầu cử Quốc hội khóa XVI, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
Trong đó, trước khi thống nhất dự thảo Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV, Trung ương đã thảo luận, cân nhắc kỹ nhiều mặt, xác định phương hướng công tác nhân sự Trung ương khóa XIV bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện với các lĩnh vực công tác quan trọng sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trung ương đã cho ý kiến về giới thiệu nhân sự bổ sung quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV để Bộ Chính trị xem xét, quyết định quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026-2031.
Đề án phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 cũng được Trung ương cơ bản thống nhất.
Về tiếp tục sắp xếp, tinh gọn các cơ quan hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Trung ương thống nhất thông qua một số nội dung cụ thể.
Theo đó, Trung ương thống nhất chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1/7 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
Trung ương nhất trí số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố và giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.
Về tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp 5 tổ chức chính trị - xã hội, 30 tổ chức hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và các hội quần chúng khác về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động.
Về hệ thống tổ chức đảng ở địa phương, Trung ương thống nhất chủ trương lập tổ chức đảng ở địa phương tương ứng với hệ thống hành chính cấp tỉnh, cấp xã (sau sắp xếp).
Trung ương cũng đồng ý kết thúc hoạt động của đảng bộ cấp huyện (huyện, thị xã, thành phố, quận trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); Lập tổ chức đảng tương ứng với đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã theo đúng Điều lệ Đảng, quy định của Trung ương.
Bên cạnh đó, Trung ương thống nhất chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước liên quan đến các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; các quy định về chính quyền địa phương phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Việc này bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/6, có hiệu lực từ ngày 1/7 và cần quy định thời gian chuyển tiếp để bảo đảm hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình dự kiến sắp xếp, sáp nhập.
Về công tác cán bộ, Trung ương đồng ý để ông Nguyễn Văn Hiếu thôi giữ chức Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XIII; thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực.