Đôi bờ La Giang

Thiên nhiên, tạo hóa thật khéo sắp bày. Từ thượng nguồn 2 con sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố, dòng nước mát mải miết chảy về xuôi rồi hợp lưu tại bến Tam Soa mà hình thành nên dòng sông La thơ mộng. La giang tuy là con sông ngắn nhưng làn nước trong xanh, dòng chảy hiền hòa và có phong cảnh đẹp nhất xứ Nghệ. Những trầm tích về văn hóa, lịch sử trong quá khứ đang tạo đà, chắp cánh để những vùng quê đôi bờ La giang vững bước vươn lên trong chặng đường mới.

Sông La hình thành từ bao giờ không ai rõ. Chỉ biết rằng, từ thuở xa xưa đã có sông, có bến, có những bãi phù sa bồi đắp nên làng mạc và những cụm dân cư sinh sống đôi bờ. Gắn với sông La là những ngôi làng cổ như Tùng Ảnh, Trường Xuân, Trung Lễ, Phù Thạch… mãi cho đến tận hôm nay vẫn được nhiều tài liệu, sử sách ghi lại và khắc sâu trong tâm trí nhiều người.

Dòng La Giang đoạn qua địa bàn xã Trường Sơn (Đức Thọ)
Dòng La Giang đoạn qua địa bàn xã Trường Sơn (Đức Thọ)

Truyền rằng, suốt cả một dãy xóm làng ven tuyến đê La Giang ngày nay vốn xưa là bãi bồi của sông La. Dưới chân núi Tùng Lĩnh, bắt đầu từ Cửa Khe quần tụ một dãy gồm bàu Ngục, bàu Rong, bàu Pheo nối sát nhau kéo dài đến tận bàu Mối ở Yên Hội rồi chảy xuôi gặp hói Bượm ở Bùi Xá. Mặc dù chưa thể khẳng định được sông La ngày nay là nhánh chính hay nhánh phụ và đã tồn tại bao lâu, thế nhưng, sự hoán cải, chuyển đổi dòng chảy của con sông thì vẫn có căn cứ, bởi ở nhiều thôn xóm ven sông nếu đào sâu xuống lòng đất sẽ dễ dàng bắt gặp cát vàng, hoặc một số di vật cuối thời Trần, thời Lê. Hiện nay, ở Tùng Ảnh, nhân dân đang có tục thờ 2 anh em Đinh Lễ và Đinh Liệt - những võ tướng trụ cột của Lê Lợi làm thành hoàng. Thuở xưa, phía cuối dòng sông là chỗ cư trú của khách buôn phương Bắc, nhà cửa, thuyền bè tấp nập đông vui nên được gọi là phố Phù Thạch. Ngoài nghề trồng lúa nước, hoa màu, cư dân sinh sống ven sông La còn có nghề đóng thuyền, trồng dâu, nuôi tằm dệt lụa và đan nón lá. Trong lao động sản xuất, trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày, người dân đôi bờ La Giang đã kết tinh, chắt lọc những giá trị văn hóa để tạo dựng nên những điệu ví sông La đậm đà hồn cốt quê hương, sâu lắng ân tình xứ Nghệ. Điều đó minh chứng rằng dòng sông đã có từ rất lâu và gắn bó mật thiết với nhân dân qua nhiều thế hệ.

Mưu sinh bên dòng La

Mưu sinh bên dòng La

Trong quá khứ, khung cảnh ở La Giang khá sầm uất, trên bộ dưới thuyền và có cả những bãi mía, bờ dâu bời bời xanh tốt. Hôm nay, những dấu tích xưa vẫn còn lưu giữ lại. Tại làng nghề đóng thuyền Trường Sơn, ngày lại ngày, những tốp thợ vẫn đang cần mẫn đục đẽo, đóng mới hàng trăm chiếc thuyền gỗ phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Đặc biệt, trên dọc bến Đền, bến Văn Hội, bến Hầu Quân, thuyền bè vẫn ngược xuôi tấp nập, người người ở tứ xứ nô nức kéo về mua sắm, thưởng thức những đặc sản sông La. Nhiều người từng dặn lòng đến với Đức Thọ nhất thiết phải thưởng thức hương vị bún chợ Thượng, hến sông La, bánh gai làng Khoái. Bởi những sản vật đời thường đó không chỉ mang hương vị ngọt ngào của sông, hương hoa của đồng nội mà trong đó còn chứa đựng sự nồng ấm, thiết tha của những con người giàu lòng nhân nghĩa, thủy chung, một mực gắn bó với nghề truyền thống cha ông để lại. Việc gìn giữ làng nghề để ổn định cuộc sống, thu nhập cho nhân dân đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi để mỗi thôn xóm, vùng quê thực hiện tốt chủ trương xây dựng NTM.

Người xưa có câu “Đất nghèo nuôi chí lớn”. Dù rằng, vùng đất ven bờ La Giang không nghèo về kinh tế nhưng chí lớn thì hiếm có nơi nào sánh được. Trải qua bao năm tháng đất nước ta đắm chìm trong đêm trường nô lệ, nhiều người con của vùng đất La Giang đã nhất tề đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm. Đó là nghĩa sĩ Nguyễn Biểu hết lòng phò vua, giúp nước, là cụ Phan Đình Phùng dựng cờ khởi nghĩa trong phong trào Cần vương, là đồng chí Trần Phú - người cộng sản kiên trung, vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng và nhiều danh nhân, nhà khoa học, nhiều bậc hiền tài mà tên tuổi, công trạng được sử sách ghi danh nêu gương cho muôn hậu thế. Dòng nước mát sông La không bao giờ vơi cạn mà như là nguồn sữa ngọt để nuôi dưỡng bao thế hệ khôn lớn, trưởng thành. Chính tâm hồn, cốt cách và khát vọng phi thường của người dân đã làm nên một Đức Thọ nổi tiếng về truyền thống văn hóa, truyền thống hiếu học, trọng dụng nhân tài. Thế hệ đi sau tiếp nối thế hệ đi trước, người dân đôi bờ La Giang đang góp công sức, trí tuệ để xây dựng quê hương giàu về kinh tế, mạnh về chính trị và vững vàng hơn trong thế trận quốc phòng.

"Mái mô, chân em còn vương bụi phấn?..."

"Mái mô, chân em còn vương bụi phấn?..."

Hôm nay, dòng sông La không còn cảnh đò giang cách trở. Công trình cầu Linh Cảm, cầu Thọ Tường đã vững chãi bắc qua sông, nối nhịp bờ vui để các cộng đồng cư dân cùng nhau vươn mình lớn dậy. Cuộc sống mới với nhiều gam màu tươi sáng đang hiện hữu từng ngày và cả trên những gương mặt rạng ngời của nhân dân. Tuyến đê La Giang với chiều dài gần 20 km đang được đầu tư nâng cấp, rồi kè chắn sóng dọc bờ sông La cũng đã được đầu tư xây dựng. Hệ thống cống Đức Xá, Trung Lương và nhiều công trình hạ tầng thiết yếu khác cũng đã góp phần quan trọng trong việc chống lũ, điều tiết nước để người dân yên tâm định cư, tạo dựng cuộc sống lâu dài bền vững. Điểm bứt phá ngoạn mục ở đôi bờ La Giang là trong mấy năm gần đây, mùa mưa không còn cảnh nước ngập trắng đồng, mùa nắng không còn những thửa ruộng khô nứt nẻ. Thay vào đó là khắp làng trên xóm dưới, người người phấn khởi gặt hái những vụ mùa bội thu, với năng suất, sản lượng vượt trội. Còn trên dọc triền sông, những cư dân làng chài cũng vui mừng khôn xiết bởi những năm qua họ đã đón nhận những tình cảm, sự đùm bọc cưu mang từ nhiều phía. Khi đã có vốn liếng trong tay, ngư dân không chỉ đơn thuần buông câu, thả lưới mà còn đóng lồng bè nuôi cá trên sông. Từ những mô hình nuôi cá lồng đã mở ra hướng đi mới cho ngư dân, tạo việc làm và thu nhập cũng ổn định hơn nhiều so với trước. Cũng từ đó, nghiệp lênh đênh trên sông nước, buông mái chèo cầu may đắp đuổi qua ngày đã gần như lùi vào dĩ vãng.

Sông La ngày về qua/ Nước xanh như xưa ấy... Trải qua bao lần sóng dập, gió dồi, dòng sông La đã phải quặn lòng mới giữ nguyên được hình hài vốn có. Nhìn làn nước mát trong xanh, đôi bờ lúa ngô biêng biếc, nhìn những nhà mái ngói đỏ tươi rồi vẳng tai nghe tiếng chuông nơi giáo đường Yên Phú - Liên Minh, không gian, đất trời và lòng người nơi đây như quyện hòa làm một để hối thúc mỗi chúng ta hãy nhớ về La giang, hãy ghé thăm Tam Soa - Tùng Lĩnh dù chỉ một lần.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast