Thiệt hại bước đầu do ảnh hưởng của mưa bão tại Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Tĩnh cho biết, do ảnh hưởng của mưa lớn và gió bão số 4, trên địa bàn đã có những thiệt hại đáng kể.

Toàn bộ tàu thuyền vào bờ neo đậu

Đến cuối ngày 19/9, toàn tỉnh có 3.651 phương tiện/10.666 lao động; tất cả các tàu thuyền đã vào bờ, đang neo đậu tại các bến bãi, âu trú bão.

Tổng số tàu đang neo đậu tại cảng Vũng Áng - Sơn Dương (KKT Vũng Áng) là 80 phương tiện/399 thuyền viên (tàu vận tải 11 tàu/145 thuyền viên, tàu thi công nạo vét: 61 tàu/208 thuyền viên, tàu lai dắt: 8 tàu/46 thuyền viên).

a1-2340.jpg
Trung tướng Hà Thọ Bình - Tư lệnh Quân khu 4 và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải kiểm tra công tác ứng phó với mưa bão tại cảng Cửa Sót (Lộc Hà) vào sáng 19/9.

Về sản xuất nông nghiệp, diện tích bưởi toàn tỉnh là 4.435ha với sản lượng ước đạt 37.000 tấn (bưởi Phúc Trạch khoảng 3.400ha, sản lượng ước đạt 30.400 tấn), đã thu hoạch 86,6% sản lượng; diện tích cam 7.420ha đang giai đoạn phát triển mạnh về trọng lượng và bước vào thời kỳ quả chín. Sở NN&PTNT, các địa phương đã chỉ đạo triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn.

Diện tích thủy sản đang nuôi khoảng 4.011 ha (nhuyễn thể: 422 ha), sản lượng chưa thu hoạch ước khoảng 4.354 tấn (nhuyễn thể: 1.300 tấn). Nuôi lồng bè đạt: 77.399m3 (238 hộ nuôi), trong đó: lồng, bè mặn lợ 61.701 m3; lồng nuôi ngọt 15.626 m3; sản lượng chưa thu hoạch khoảng khoảng 196 tấn. Các địa phương, đơn vị chỉ đạo, hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa lũ.

Nhiều địa phương sơ tán, di dời dân

Về tình hình di dời dân, tại huyện Cẩm Xuyên, đến trưa 19/9, đã tổ chức di dời 21 hộ với 55 nhân khẩu (xã Cẩm Lạc 13 hộ/19 nhân khẩu; xã Cẩm Duệ 8 hộ/36 nhân khẩu) nằm trong diện sạt lở đất đến nơi tránh trú an toàn.

Huyện Thạch Hà đã sơ tán 5 hộ dân/18 nhân khẩu ở thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn sát núi Nam Giới có nguy cơ sạt lỡ cao đến nơi an toàn.

Huyện Hương Khê đã tổ chức sơ tán hàng chục hộ dân với hàng trăm nhân khẩu thuộc các xã Hương Liên, Hương Lâm, Lộc Yên và Gia Phố; tổ chức ký cam kết đối 165 hộ (xã Hương Lâm 150 hộ, Gia Phố 9 hộ, Hương Giang 1 hộ, Hương Thủy 5 hộ) để thực hiện sơ tán khi cần thiết.

9-6380.jpg
Đến chiều 19/9, hàng chục hộ dân với hàng trăm nhân khẩu thuộc các xã Hương Liên, Hương Lâm, Lộc Yên và Gia Phố (Hương Khê) đã được di dời ra khỏi vùng nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập lụt.

Thiệt hại bước đầu

Tính đến chiều ngày 19/9, trên địa bàn các địa phương đã xảy ra dông, lốc xoáy gây ra một số thiệt hại.

Tại huyện Cẩm Xuyên: 36 công trình nhà ở, công trình phụ trợ bị tốc mái, 10 cột đèn đường, 50 cây bị gãy đổ (xã Cẩm Dương); 10 nhà ở bị tốc mái (xã Nam Phúc Thăng). Địa phương đã chỉ đạo, huy động lực lượng bộ đội biên phòng, lực lượng xung kích PCTT để khắc phục.

Không có tiêu đề.jpg
CBCS Đồn Biên phòng Thiên Cầm giúp bà con xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên) khắc phục hậu quả lốc xoáy xảy ra tối 17/9.

Tại huyện Kỳ Anh có 14 nhà dân bị tốc mái tại xã Kỳ Xuân. Chính quyền xã Kỳ Xuân đã kịp thời hỗ trợ lực lượng giúp nhân dân khắc phục thiệt hại; có 1 cầu tràn bị ngập (Cầu Xuân Tiến xã Kỳ Lạc), đã lập chắn cảnh báo không cho lưu thông qua cầu.

Tại thị xã Hồng Lĩnh: mưa lớn làm đổ tường rào Trường Tiểu học và Trường THCS Đậu Liêu, phường Đậu Liêu; ước tính thiệt hại 20 triệu đồng.

Tại huyện Can Lộc: có 5 nhà dân bị nước vào nhà; gió giật mạnh làm gãy 2 cột điện tại xã Quang Lộc, ngành điện lực đã tổ chức khắc phục để không gây ảnh hưởng trên địa bàn. Tại xã Sơn Lộc có 1 hộ bị gió giật hỏng mái nhà. Trên địa bàn huyện có gãy, đổ một số cây xanh tại Quang Lộc, thị trấn Nghèn, xã Sơn Lộc.

Tại thị xã Kỳ Anh: do ảnh hưởng của mưa, gió to làm gãy đổ 37 cây bóng mát tại các xã, phường: Hưng Trí, Kỳ Hà, Kỳ Ninh; hư hỏng các biển bảng tại TDP Trường Phú, phường Kỳ Thịnh. 2 nhà tại thôn Tam Hải 1, xã Kỳ Ninh bị tốc một số viên ngói lợp mái nhà...

Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đề nghị các sở, ngành, các địa phương tiếp tục bố trí trực ban 24/24h để nắm bắt tình hình mưa bão, tham mưu xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.

Toàn tỉnh có 348 hồ, đập; 316 km đê. Hiện chưa có sự cố đối với hệ thống hồ đập, đê điều. Tỉnh đã chỉ đạo triển khai công tác đảm bảo an toàn hồ đập, hệ thống đê điều, tổ chức tuần tra canh gác theo quy định. Tổ chức vận hành, điều tiết các hồ chứa theo đúng quy trình được duyệt, đảm bảo an toàn công trình, vùng hạ du. Tổ chức thường trực 24/24h tại các công trình tiêu, thoát lũ, nhất là các cống tiêu lớn để chủ động vận hành tiêu thoát nước chống ngập úng.

Mực nước, dung tích các hồ chứa đến 15h ngày 19/9/2024:

- Hồ Ngàn Trươi: 31,69/52m (W= 167,73/775,7 triệu m3), đạt 21,62% dung tích thiết kế.

- Hồ Kẻ Gỗ: 19,6/32,5m (W=72,20/345 triệu m3), đạt 20,9% dung tích thiết kế.

- Sông Rác: 14,8/23,2m (W=28,95/124,5 triệu m3), đạt 23,2% dung tích thiết kế.

- Thủy điện Hố Hô lúc 17h00: Mực nước: 62,3/70,0m; Qvề hồ là 246 m3/s; Q qua máy là 28 m3/s; Q xả tràn 78 m3/s.

- Thủy điện Hương Sơn lúc 17h00: Mực nước 801,65/804m; Qvề hồ là 11,7 m3/s; Q qua máy 8 m3/s; Q xả tràn: 0 m3/s.

Các hồ chứa còn lại dung tích mới chỉ đạt từ 30-40% dung tích thiết kế.

Gió mạnh trên vùng biển TX Kỳ Anh sáng nay (19/9). Video: Thu Trang

Chủ đề Thiên tai - bão lũ

Đọc thêm

Chăm lo con chữ cho trẻ em dân tộc Chứt

Chăm lo con chữ cho trẻ em dân tộc Chứt

Thời gian qua, sự nỗ lực của Bộ đội Biên phòng, cấp ủy chính quyền và các trường học đã giúp học sinh dân tộc Chứt (Hương Khê, Hà Tĩnh) hoà nhập và yên tâm học tập.
Vì sao phụ nữ nên sinh con trước 30 tuổi?

Vì sao phụ nữ nên sinh con trước 30 tuổi?

Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng ở Hà Tĩnh lựa chọn sinh con ở độ tuổi sau 35. Điều này có thể kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe cho cả mẹ và con cũng như giảm chất lượng dân số.
Rèn thói quen đọc sách cho con

Rèn thói quen đọc sách cho con

Hiểu rõ tác dụng của việc đọc sách, nhiều phụ huynh ở Hà Tĩnh đã rèn luyện thói quen này cho con và cùng con khám phá những điều mới mẻ, thú vị trong thế giới tri thức rộng lớn.