Dòng máu Việt

(Baohatinh.vn) - Những ngày này, xem truyền hình và các trang báo mạng, thấy cảnh người Việt Nam ở các quốc gia trên thế giới biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, tôi rưng rưng xúc động. Thì ra, trong cuộc mưu sinh, người Việt mình phải phiêu bạt khắp bốn phương trời nhưng trong thẳm sâu trái tim họ, dòng máu Việt vẫn mạnh mẽ chảy, lúc âm thầm, lúc dữ dội.

Chung sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam

Và những ngày này, dòng máu ấy sục sôi trong huyết quản, thúc giục bước chân họ từ các miền xa xôi quần tụ về thủ đô Vác-xa-va (Ba Lan), Luân Đôn (Anh), Oa-sinh-tơn (Mỹ), Béc-lin (Đức), Luôngprabang (Lào)... và nhiều thành phố khác trên khắp thế giới.

Tại London, Anh Quốc trưa ngày 18/5, hơn 300 người Việt Nam ở thủ đô London, Anh Anh đã xuống đường tuần hành trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc.
Tại London, Anh Quốc trưa ngày 18/5, hơn 300 người Việt Nam ở thủ đô London, Anh Anh đã xuống đường tuần hành trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc.

Bên cạnh mít tinh, biểu tình một cách trật tự và đúng pháp luật trước các đại sứ quán, lãnh sự quán Trung Quốc, các sinh viên Việt kiều ở Mỹ còn viết thư tay vận động người nước sở tại và các nước khác lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Cũng như những lần quê hương bị thiên tai lũ lụt, hai chữ “đồng bào” thật thấm thía và sâu sắc vô cùng.

Truyền thống của dân tộc Việt Nam là vậy, chim có bầy, có tổ, cây có cội rễ, sông có nguồn. Dù đi đâu, làm gì thì dòng máu Việt Nam, Tổ quốc quê hương vẫn vô cùng thiêng liêng và ấm áp. Khi quê hương bình yên và phát triển, dù chưa đóng góp được gì, những người Việt Nam chân chính vẫn vô cùng mừng vui và phấn khởi. Còn khi Tổ quốc bị xâm lăng, biển đảo quê hương dậy sóng thì những người con Việt khắp thế giới cảm thấy quặn thắt, lo âu, trăn trở. Họ bồn chồn lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên như có kẻ trộm đang vào nhà mình.

Bà Nguyễn Thị Hương ở TP Mors, Liêng bang Đức dù tuổi cao nhưng hàng ngày vẫn mở ti vi, tìm chương trình VTV 4 Truyền hình Việt Nam để theo dõi tình hình biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa.

Chị Lê Thị Hải Hà ở thành phố Jose, bang California (Mỹ) mong ngóng từng ngày tình hình yên ổn, Trung Quốc rút giàn khoan HD-981 khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Chị tâm sự: “Vì cuộc sống và tương lai con cái, tôi phải ra đi nhưng luôn hướng về Tổ quốc, quê hương. Nơi đó có nửa phần đời của tôi, có cha mẹ, anh em, bạn bè, trái tim tôi luôn thổn thức về Việt Nam. Tôi mong muốn tình hình biển Đông sớm ổn định, Trung Quốc sớm rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam”.

Hiện nay có khoảng 4,5 triệu người Việt đang sinh sống trên 103 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cũng có người thành đạt, giàu có, cũng có người chỉ sống cuộc đời bình thường với nỗi lo cơm áo hàng ngày, có người hàng năm đều về thăm quê hương, cũng có người cả đời chưa một lần trở lại. Một số lượng khá đông đảo thanh, thiếu niên sinh ra ở nước ngoài chỉ biết đến quê hương qua lời ông bà, cha mẹ và phim ảnh. Có những em biết nói tiếng Việt, có em không nói được. Nhưng tất cả đều có chung một điểm: không bao giờ quay lưng, ngoảnh mặt với đất nước. Bằng cách này hay cách khác, họ thể hiện tình yêu Tổ quốc, sự gắn bó máu thịt của những con Lạc, cháu Hồng với đất nước, quê hương.

Sự phản ứng mạnh mẽ của người Việt khắp thế giới đã góp phần làm cho bạn bè ủng hộ Việt Nam. Một lần nữa, chúng ta lại thấm thía sâu sắc hơn lời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài ngày 20/5 vừa qua: người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast