Sản phẩm lưu niệm Hà Tĩnh chưa hấp dẫn du khách

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, di tích lịch sử tầm cỡ, chùa chiền miếu mạo linh thiêng… để kéo chân du khách xa gần, nhưng, ngành du lịch chưa tạo được điểm nhấn trong sản phẩm lưu niệm.

Những mặt hàng khá quen thuộc từ nhiều năm nay ở Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc
Những mặt hàng khá quen thuộc từ nhiều năm nay ở Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc

Hàng lưu niệm là một trong những yếu tố góp phần tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, giữ chân du khách, khuyến khích tiêu dùng và quảng bá hình ảnh du lịch. Khi món quà lưu niệm ai đó trao tặng đến tay bạn bè, người thân chính là hình thức gián tiếp giới thiệu về hình ảnh văn hóa, con người vùng đất họ đặt chân đến. Mỗi sản phẩm không chỉ là dấu ấn, mà còn khơi gợi trí tò mò, mời gọi du khách tới thăm.

Mùa du lịch đã bắt đầu nhưng thị trường quà tặng lưu niệm ở Hà Tĩnh vẫn còn đơn điệu, chưa để lại dấu ấn mạnh mẽ. Dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm nay, du khách đến với Hà Tĩnh khá đông, nhất là các tỉnh miền Bắc như: Ninh Bình, Hà Nội, Thái Bình..., nhưng sau những ngày nghỉ dưỡng, tham quan, du khách dường như khó lòng tìm được món đồ lưu niệm ý nghĩa.

Chị Bùi Quỳnh Hoa (Quận Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết: “Cách đây 3 năm, tôi đến khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và kỳ nghỉ lễ năm nay lại về đây. Tôi muốn chọn cho người thân, bạn bè ít quà lưu niệm nhưng nhìn qua chẳng có gì mới mẻ, hấp dẫn lắm vì những mũ tai bèo, áo thanh niên xung phong, thơ về Ngã ba… lần trước vào đây đã mua rồi, còn túi xách, kẹp tóc thì đâu cũng có”.

Không chỉ ở Ngã ba Đồng Lộc mà ở các khu di tích Hà Huy Tập, Trần Phú, Nguyễn Du… cũng trong tình trạng đó. Khu lưu niệm Đại thi hào nổi tiếng nhưng cũng chỉ trở đi trở lại vài ba cuốn truyện Kiều, nậm rượu, đĩa đá...

Hàng lưu niệm tại Khu di tích Nguyễn Du khá đơn điệu
Hàng lưu niệm tại Khu di tích Nguyễn Du khá đơn điệu

Có mặt ở Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) ngày 30/4, lượng khách về đây khá đông nhưng ở bãi biển xinh đẹp này vẫn chưa có gian hàng với những món quà thực sự giữ chân du khách. Vài ba quầy bán mũ nón, quần áo trẻ em in dòng chữ Thiên Cầm nhưng hầu hết có xuất xứ Trung Quốc nên du khách cũng chẳng mặn mà… Còn tại đền chợ Củi (Nghi Xuân), đền Bà Hải (Kỳ Anh), chùa Hương tích (Can Lộc)… cũng bày bán không ít hàng lưu niệm nhưng chưa tạo được hiệu ứng tốt đẹp.

Đối với du lịch Hà Tĩnh, sự “thiếu thốn” dễ nhận thấy là các sản phẩm lưu niệm mang dấu ấn văn hóa đặc trưng các vùng miền nói riêng, cũng như văn hóa xứ Nghệ nói chung. Du lịch Hà Tĩnh chưa xem đây là yếu tố cấu thành nên sức hấp dẫn của thắng cảnh, các điểm du lịch chưa quan tâm, ưu tiên đầu tư các quầy hàng bán đồ lưu niệm và chất lượng thẩm mỹ các mặt hàng. Phần khác, làng nghề của Hà Tĩnh đã mai một dần, chưa có sản phẩm độc đáo mang giá trị văn hóa bản địa để trưng bày.

Ông Hồ Bách Khoa – Trưởng BQL Khu di tích Nguyễn Du cho biết: “Đối với du lịch, sản phẩm lưu niệm là điểm nhấn kéo chân du khách. Mong muốn, thời gian tới, ngành du lịch tỉnh nhà sẽ tạo ra những sản phẩm đạt trình độ thẩm mỹ nhất định, chứa đựng nét văn hóa bản địa của đất và người Hà Tĩnh – cái mà du khách không thể mua được ở nơi nào. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng cần sự đa dạng về mẫu mã, kích cỡ, giá cả hợp lí , dễ vận chuyển trong quá trình du lịch”.

Để “hút” khách, ngành du lịch Hà Tĩnh cần có chiến lược xây dựng sản phẩm lưu niệm, bởi nó chính là “gia vị” riêng của mảnh đất địa linh nhân kiệt này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast