Đô thị hóa, người Kỳ Anh không bỏ quên “bờ xôi ruộng mật”

(Baohatinh.vn) - Nhường đất cho các dự án lớn, bắt nhịp cùng tiến trình đô thị hóa ở KKT Vũng Áng, tuy nhiên, nhiều người dân phường Kỳ Phương (TX Kỳ Anh) vẫn chọn nghề nông, bám "bờ xôi ruộng mật", xây dựng các mô hình sản xuất.

Đô thị hóa, người Kỳ Anh không bỏ quên “bờ xôi ruộng mật”

2 sào rau hàng hóa giúp chị Thơm có thu nhập hàng ngày

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Hiếu, chị Phạm Thị Thơm trước đây làm nghề biển. Năm 2010 tái định cư lên thôn Hồng Hải, anh chị quyết định dồn toàn bộ vốn liếng khai phá 1 ha đất ven đồi đã bỏ hoang nhiều năm để xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp.

“Thuận lợi lớn nhất ở thời điểm đó là chính quyền các cấp ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Hầu như tất cả các đối tượng vật nuôi của chúng tôi ở thời điểm đó đều được hưởng lợi từ chính sách, như: chăn nuôi bò, lợn, xây dựng tổ hợp tác nuôi thỏ, sản xuất nấm...”- anh Hiếu cho biết.

Nhờ mở mang sản xuất, đa dạng sản phẩm nên mặc dù những năm sau đó, giá cả nhiều nông sản "xuống dốc" nhưng mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh Hiếu vẫn từng bước vượt qua. Hiện nay, sau sự sàng lọc của thị trường, anh chị còn lại 3 sản phẩm chính là bò (16 con), lợn (hơn 200 lợn thương phẩm xuất chuồng mỗi năm) và hàng trăm con gia cầm/lứa.

Đô thị hóa, người Kỳ Anh không bỏ quên “bờ xôi ruộng mật”

Từ nuôi lợn siêu nạc, anh Hiếu chuyển dần sang nuôi lợn mán mang lại giá trị kinh tế cao hơn

Ngoài ra, tận dụng nguồn phân chuồng dồi dào, anh chị còn trồng hàng trăm gốc cam, bưởi và dành 2 sào đất chuyên trồng các loại rau ngắn ngày. Chưa kể các nguồn thu lớn, hầu như ngày nào chị Thơm cũng có sản phẩm rau, gia cầm bán ra thị trường. Mỗi năm gia đình thu lãi trên 150 triệu đồng.

Chị Thơm chia sẻ, khi lên vùng tái định cư, nhiều người lo ngại gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Nhưng thực tế khó hay dễ đều do ở con người, người nào biết tính toán, chăm chỉ thì sẽ có cuộc sống khấm khá vì thị trường tiêu thụ kể từ khi có các dự án hoạt động trên địa bàn thuận lợi hơn trước rất nhiều.

Đô thị hóa, người Kỳ Anh không bỏ quên “bờ xôi ruộng mật”

Vườn cây ăn quả đang được vợ chồng anh Toản, chị Hoa trồng đa dạng các loại cây

Cùng sự lựa chọn như gia đình anh Hiếu, vợ chồng anh Trịnh Quốc Toản, Nguyễn Thị Hoa, sau khi rời thôn sản xuất ngư nghiệp (Hồng Hải 2) lên tái định cư ở TDP Hồng Hải, anh Toản quyết định gắn bó với nghề nông. Mua được hơn 1 ha đất khá bằng phẳng, vợ chồng anh đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn quy mô 170 con/lứa. Ngoài ra, còn tận dụng diện tích đồi núi rộng lớn, thả 15 con bò nái; nuôi gà thả vườn 300 con/lứa. Sau một thời gian gặp khó khăn trong tiêu thụ, đến nay, anh Toản đã liên kết nuôi lợn thương phẩm cho đầu ra khá ổn định với Công ty Tâm Lộc (Cẩm Xuyên). Đến nay, từ các nguồn thu, mỗi năm gia đình anh Toản có lợi nhuận hơn 150 triệu đồng.

Đô thị hóa, người Kỳ Anh không bỏ quên “bờ xôi ruộng mật”

Hàng cây mít giống Thái Lan được anh Toản trồng dọc bờ rào khu vườn

Hiện nay, anh Toản đang dần phủ kín khu vườn rộng hơn 1 ha bằng nhiều loại cây ăn quả. Được biết, bước đầu mới chỉ có ổi, chanh cho thu nhập, nhưng chỉ ít năm nữa vườn cây ăn quả sẽ có sản phẩm quanh năm. Điểm lợi thế đó là thị trường tiêu thụ các sản phẩm hoa quả ở KKT Vũng Áng khá thuận lợi.

“Ở tuổi tôi nếu đi làm lao động chân tay cho các nhà thầu, doanh nghiệp trong khu kinh tế, mỗi ngày thu nhập 300-400 ngàn là không khó. Tuy nhiên, tôi lại muốn tạo dựng một mô hình sản xuất để có nghề cầm tay ổn định, lâu dài", anh Toản chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Kỳ Phương Lê Ngọc Sơn, sau khi bà con di dời GPMB, yêu cầu giải quyết việc làm cho người dân được địa phương đặt lên hàng đầu. Phường đã khảo sát lực lượng lao động trong và ngoài độ tuổi để có định hướng, hỗ trợ phù hợp. Ngoài việc đặt vấn đề với các DN trên địa bàn tạo điều kiện tuyển dụng lao động trẻ, phường khuyến khích, hỗ trợ các lao động trung niên trở lên phát triển các mô hình sản xuất.

Đô thị hóa, người Kỳ Anh không bỏ quên “bờ xôi ruộng mật”

Các mô hình nuôi gà phát triển khá nhanh trong thời gian qua (Trong ảnh: Lãnh đạo phường Kỳ Phương kiểm tra mô hình chăn nuôi gà của anh Lê Xuân Cường)

Tranh thủ tối đa các chính sách hỗ trợ từ tỉnh, thị xã đến phường, từ năm 2014, phường Kỳ Phương đã xây dựng 78 mô hình. Sau những thử thách của thị trường những năm qua, hiện còn gần 50 mô hình đứng vững, hoạt động có hiệu quả, chủ yếu là ở các lĩnh vực: trồng cây ăn quả, rau, chăn nuôi trâu bò, lợn thương phẩm, gà... Kỳ Phương đang tiến hành đánh giá lại hiệu quả phát triển sản xuất để tiếp tục có sự định hướng, hỗ trợ phù hợp, giúp người dân tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, thị trường để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống ở vùng tái định cư.

Chủ đề Nông dân khởi nghiệp

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast