Hai bè nuôi cá nước ngọt của ông Đào Công Xuyên và Phan Anh Tuấn được tiếp cận chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của thị xã Kỳ Anh
Hồ Sông Trí đoạn qua xã Kỳ Hoa với lợi thế nguồn nước sạch, ổn định đang được người dân địa phương khai thác tiềm năng, xây dựng các mô hình sản xuất. Năm 2017, được xã vận động và hỗ trợ tiếp cận chính sách phát triển sản xuất của TX Kỳ Anh, 2 ông Đào Công Xuyên và Phan Anh Tuấn tiên phong xây dựng 2 mô hình nuôi cá lồng bè.
Quy mô mỗi hộ 12 lồng với diện tích mặt nước 500m2, mỗi năm một hộ thu hàng chục tấn cá, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Cá hồng Mỹ đang vào kỳ thu hoạch với giá bán 60 ngàn đồng/kg
Dịp này đang là thời kỳ các bè nuôi thu hoạch lứa cá thả nuôi từ đầu năm. Ông Đào Công Xuyên cho biết, ông thả nuôi 3 loại thì cá leo có giá bán cao nhất (100 ngàn/kg), cá chép và hồng Mỹ giá 60 ngàn đồng/kg. Dự kiến đợt này bán khoảng 2 tấn cá, thu trên 100 triệu đồng.
“Điều yên tâm nhất là dòng sông có nước từ thượng nguồn sông Trí về nên rất sạch, thuận lợi cho sự phát triển của các loại cá nước ngọt. Bên cạnh đó, nhờ ở gần khu kinh tế Vũng Áng nên thị trường tiêu thụ khá rộng lớn. Đây là cơ sở để gia đình tôi tiếp tục mở rộng quy mô nuôi trong thời gian tới”- ông Xuyên chia sẻ
Hầu như ngày nào gia đình ông Xuyên cũng có sản phẩm bán ra thị trường.
Nhiều hộ dân khác cũng đang tận dụng lợi thế dòng sông, vừa tham gia đánh bắt thủy sản, vừa phát triển đàn vịt, cho thu nhập khá. Vợ chồng anh Đào Văn Thành (thôn 2) nuôi vịt đẻ gần 1 năm nay, trung bình mỗi đêm cho 300 trứng. Với giá nhập 2.500 đồng/trứng như hiện nay, vợ chồng trẻ đang tích góp để tiếp tục phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp có thu nhập cao hơn.
Mô hình nuôi vịt đẻ của gia đình anh Thành ở thôn 2
Lợi thế đất vườn rộng đang giúp người dân Kỳ Hoa phát triển khá đa dạng các mô hình trồng rau, cây ăn quả, chăn nuôi lợn quy mô vừa và nhỏ, chăn nuôi gà. 2 năm gần đây, thị trường nuôi lợn khó khăn nên người dân chuyển hướng nuôi gà nhiều hơn và đạt được hiệu quả kinh tế khá ổn định. Hiện xã có 9 hộ nuôi gà theo tổ hợp tác, với quy mô từ 100-500 con; 1 hộ nuôi gà mía thương phẩm quy mô 5.000 con/lứa.
Mô hình nuôi gà 5.000 con/lứa của anh Thiều Quang Đường ở thôn Hoa Đông
Chủ mô hình nuôi gà thương phẩm lớn nhất ở Kỳ Hoa là anh Thiều Quang Đường - người đã đi học nghề chăn nuôi thú y và quyết định lập nghiệp bằng kiến thức chuyên môn của mình. Năm 2014, anh khởi động mô hình với quy mô 1.000 con. Sau khi đã làm chủ kỹ thuật và có thị trường tiêu thụ ổn định, đầu năm 2018 anh phát triển lên 5.000 con/lứa. Hiện đàn gà đã nuôi được 2 tháng, dự kiến sau 4 tháng sẽ xuất bán cho công ty.
Anh Đường dự kiến hỗ trợ khoảng 15 mô hình chăn nuôi gà có đầu ra ổn định
Anh Đường cho biết: "Sản phẩm của gia đình tôi đã tìm được các đơn vị liên kết tiêu thụ khá ổn định ở các tỉnh miền Bắc. Ngoài ra, thị trường Kỳ Anh hiện cũng rất thuận lợi cho chăn nuôi gà. Với các đầu mối đã kết nối được, tôi có thể hỗ trợ phát triển thêm 15 hộ nuôi có liên kết tiêu thụ ổn định trên địa bàn xã”.
Được biết, Kỳ Hoa là một trong những địa phương đi đầu của thị xã Kỳ Anh về phát triển các mô hình kinh tế trong xây dựng NTM. Hiện tại, xã có 32 mô hình đạt hiệu quả kinh tế khá cao, trong đó có 2 mô hình đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm.
Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Hoa Đào Quốc Trị cho biết, hiện nay, chính sách của xã đang hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà và trồng cây ăn quả. Địa phương đang tiếp tục đánh giá hiệu quả chính sách để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người dân phát triển thêm các mô hình kinh tế phù hợp nhằm tranh thủ tối đa lợi thế thị trường tiêu thụ từ KKT Vũng Áng.