>> Hội thảo quốc tế kỉ niệm 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du
PGS.TS Phạm Văn Đức - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức hội thảo; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thiện; PGS.TS Vũ Thanh - Phó Viện trưởng Viện Văn học; PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn - Phó Viện trưởng Viện Văn học điều hành phiên bế mạc hội thảo.
Với 25 tham luận trình bày tại hội thảo trên tổng số hơn 100 tham luận gửi đến tham dự, các nhà nghiên cứu đi sâu phân tích những khía cạnh thiên tài văn học của Nguyễn Du, đặc biệt là trong kiệt tác Truyện Kiều.
Với tham luận “Tình hình nghiên cứu, giảng dạy Truyện Kiều tại Liên bang Nga và việc dịch Truyện Kiều ra tiếng Nga”, TS. Nguyễn Huy Hoàng – cộng tác viên khoa học, Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva (Liên bang Nga) cho biết: Truyện Kiều là một trong những tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam được nghiên cứu, lược dịch và đưa vào giảng dạy ở khoa Tiếng Việt và bộ môn văn học Phương Đông trong các trường đại học ở Liên Xô trước đây và ở Nga hiện nay.
TS. Nguyễn Huy Hoàng phát biểu tại hội thảo |
Tham luận thông tin về việc nghiên cứu, giảng dạy Truyện Kiều tại các Viện Phương Đông, Viện Các nước Á - Phi MGU, Trung tâm Việt Nam học, Trường Đại học Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Tổng hợp S.Peterburg, Trường Đại học Tổng hợp Vladivoxtok; đồng thời giới thiệu phần dịch Truyện Kiều của dịch giả Arkađi Steinberg và V.P.Larin.
TS. Nguyễn Huy Hoàng cũng điểm qua những tác phẩm và những công trình nghiên cứu, dịch thuật tiêu biểu về văn học Việt Nam như: Lịch sử Văn học thế giới (Nxb Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, năm 1988), Văn học cổ điển các nước Đông Nam Á (Nxb Văn học Moskva, năm 1972). TS. Nguyễn Huy Hoàng cho rằng, vì Nguyễn Du sử dụng ngôn ngữ rất điêu luyện nên quá trình dịch gặp rất nhiều khó khăn, có những câu thơ rất hay về nhịp điệu nhưng không thể chuyển ngữ sang tiếng Nga vì hai ngôn ngữ có những điểm khác nhau.
Dịch giả trẻ Jan Komárek trình bày tham luận tại hội thảo |
Dịch giả trẻ Jan Komárek (Đại học Charles, Praha, Cộng hòa Séc) trình bày tham luận khá thú vị có nhan đề “Truyện Kiều tại Séc”. Dịch giả Jan Komárek cho rằng, Truyện Kiều đã được dịch sang nhiều thứ tiếng, trong khi đó từ lâu ở Séc đã có chuyên ngành Việt Nam học, người Việt tại Séc đã được công nhận là một dân tộc thiểu số, nhưng gần như không mấy ai biết gì về văn học Việt Nam nói chung cũng như Truyện Kiều nói riêng. Dịnh giả bày tỏ: “Tôi muốn kiệt tác Truyện Kiều của Việt Nam có một đời sống nữa tại đất nước của chúng tôi để mở rộng các chuyển dịch văn hóa.”
Các nhà nghiên cứu cũng trao đổi sôi nổi các nội dung như: tình cảm của Nguyễn Du trong thơ chữ Hán, vấn đề song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam từ trường hợp Nguyễn Du, có những bài thơ chữ Hán trong Bắc hành tạp lục không phải sáng tác trong thời gian Nguyễn Du đi sứ, Nguyễn Du có đi qua Hàng Châu và làm thơ ở đó không?
PGS.TS Lã Nhâm Thìn trình bày tham luận "Nguyễn Du và hiện tượng song ngữ trong văn học Trung đại Việt Nam" |
Các nhà nghiên cứu như Phạm Xuân Nguyên, GS. Mai Quốc Liên bày tỏ những băn khoăn xung quanh các bản dịch Truyện Kiều ra các thứ tiếng khác như: chất lượng các bản dịch, việc chuyển ngữ ra ngôn ngữ nước ngoài đối với các từ ngữ được Nguyễn Du trau chuốt, dịch tên nhân vật trong Truyện Kiều...
GS. Kawaguchi Kenichi (ĐH Ngoại ngữ Tokyo, Nhật Bản) phân tích văn bản đối chiếu trong tham luận “Truyện Kiều từ góc độ văn học so sánh Đông Á và phân tích Kim Vân Kiều Truyện”. |
Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS. TS Vũ Thanh - Phó Viện trưởng Viện Văn học đánh giá khái quát những kết quả đạt được của hội thảo; khẳng định hội thảo mở ra giai đoạn mới trong việc tìm hiểu, nghiên cứu, dịch thuật về Nguyễn Du không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, đưa tình cảm của Nguyễn Du đến gần hơn với nhân loại.
Với sự hội tụ của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, dịch giả, hội thảo đã thực sự tạo nên không khí học thuật sôi nổi và tình cảm quốc tế chân thành.