Mùa cói

(Baohatinh.vn) - “Con cò ăn bên kia hói, con cói ăn bên kia sông”, tự thuở nào, săn chim cói đã trở thành thói quen của những người dân vùng ven biển. Cứ độ lập thu, nhất là vào tháng 8 âm lịch, từng đàn cói mỏi cánh dừng chân trên những bãi ngang.

Niềm vui của người...

Dọc con đường cát gồ ghề, hun hút dẫn sâu ra biển, hiếm hoi lắm mới bắt gặp một phiên chợ cói vào ngày nắng gắt. Người trải bạt, người đưa lồng sắt nào cò, nào cói ra chào khách. Những chú chim cói gầy xác xơ được bán với giá 15 ngàn đồng/con. May mắn vớ được con béo, chắc thịt, người bán mới chớp cơ hội nâng giá. Cói mua về được chế biến đủ món: chiên, rang lá quýt, nấu khế… Những ngày nắng, cói di cư vào đất liền thường là cói gầy, yếu hay bay lạc đàn. Cũng bởi vậy, sau một hồi cò kè trả giá, từng cặp cói mới được “sang tên đổi chủ”. Phải hôm mưa bão, cói ngả rợp trời, ấy mới là thời điểm bội thu của người dân.

Mùa cói ảnh 1

Đơm cói không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn là niềm vui đối với nhiều người

Trên những bãi ruộng gần bờ biển thường xuất hiện một bãi cò, cói trắng phau hàng trăm con. Nhưng chỉ rất ít trong số đó là cò, cói thật. Cói giả dùng làm mồi nhử sau khi đã được lột xác, chỉ giữ lại phần vỏ. Thoạt nhìn, đến cả dân trong nghề còn lầm tưởng. Riêng cói mồi sống bị bịt mắt, được bố trí trên những bãi “giò” bằng cách luồn sợi dây cước vào dưới lông đuôi. Khi phát hiện đàn cói mới, thợ săn giật dây để cói mồi máy cánh “dụ” đồng loại xuống.

“Giò” là những thanh tre dài chừng 30-40 cm được vót nhọn từ tháng 3; đến tháng 6 phơi khô, cất kỹ. Chờ tháng 7 âm lịch, cánh đi đơm mới mua “nhạ” về làm. Săn cói bằng giò là lựa chọn của những thợ săn “nghèo” bởi chỉ với mấy cây tre cật, cân nhựa chuyên dụng, vài cuộn dây cước và mấy con mồi là đã có thể hành nghề.

Đưa bàn tay chai sạn vuốt vội mái tóc bạc màu sương gió, ông Trần Viết Thực (xóm 10, Thạch Khê, Thạch Hà) là thợ săn cói lâu năm, trầm ngâm: “Tôi gắn bó với đồng cò, đồng cói hơn 40 năm nay. Muốn săn được cói phải nhằm lúc trời mưa to. Bởi vậy, những hôm mưa xối xả, tôi vẫn đạp xe đi kiếm đầm đẹp để đánh. Ngày nhiều có khi lên tới hàng trăm con, không bắt kịp. Nhưng có hôm phải về tay trắng”.

Cứ tầm 2h sáng đến 16h chiều, những cánh đồng lại rộn rã, người già, trẻ nhỏ đua nhau đi đánh cói. Dù chỉ giải quyết công việc cho người dân lúc nông nhàn, nhưng thu nhập từ săn cói đạt 6-7 triệu đồng/tháng. Đơm cói không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn là niềm vui đối với nhiều người.

… Nỗi đau của cói

Việc đánh bắt quá mức đã dẫn đến hậu quả nặng nề. Cói - loài chim thân thuộc đối với cuộc sống của những vùng quê đang dần bị tận diệt. Giờ đây, trên những đồng cói trắng phau, hiếm hoi lắm mới có chú chim xấu số quằn quại bởi dính nhạ và cả những gương mặt tắt dần nụ cười của cánh đi đơm.

Mùa cói ảnh 2

Loài chim này đang dần bị tận diệt

Mùa mưa bão, cói di cư về đất liền tìm nơi trú ngụ. Nhưng loại chim hiền lành chẳng thể ngờ, “tử huyệt” đã được thợ săn chuẩn bị từ trước. Những cánh đồng lúa xanh mướt, êm ả dần vắng bóng con cò, con cói. Thay vào đó, cói xuất hiện ngày càng nhiều trên những bàn nhậu. Rặng cây xanh tốt không còn là nơi trú nắng, trú mưa cho người nông dân sau buổi lao động vất vả, cực nhọc mà trở thành nơi núp bóng ngụy trang cho cánh thợ săn.

Không biết có phải loài chim linh cảm được mối nguy hại trước mắt nên lủi cánh về phương xa. Còn những kẻ săn mồi vẫn luôn chờ chực, ngóng trông từng đàn cói. Một con, hai con sập bẫy, cánh đi săn hò reo trong niềm hân hoan nhưng lẫn trong niềm vui ấy là nỗi đau của những chú chim tội nghiệp.

Trên con đường dọc miền biển, chiếc xe đạp chở đầy một lồng sắt cò, cói; trên ghi-đông, những chú chim bị trói chéo cánh, chân dốc ngược treo lủng lẳng... Lẫn trong đất đá, cỏ cây, còn có đám lông tả tơi, rơi rụng. Cảnh tượng ấy khiến tôi chạnh lòng…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast