Người thương binh mù làm kinh tế giỏi

Đó là thương binh Phạm Xuân Ánh ở xứ đạo Tân Thành, xã Nhân Lộc, huyện Can Lộc. Hơn hai mươi năm lăn lộn để phát triển kinh tế gia đình và xây dựng quê hương cũng là chừng ấy năm anh lặng lẽ tìm cho mình một hướng đi đúng đắn trong bóng tối khi đôi mát chỉ còn 2/10 do di chứng của chiến tranh....

Phạm Xuân Ánh luôn là người thương binh "tàn nhưng không phế"
Phạm Xuân Ánh luôn là người thương binh "tàn nhưng không phế"

Năm 1986, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Phạm Xuân Ánh viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Được biên chế vào C9, D3 thuộc E 247, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tuyên. Anh đã cùng đồng đội lập nên nhiều chiến công vẻ vang. Trong một trận đánh bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, anh bị thương nặng phải rời xa đồng đội, rời chiến hào. Đó là trận đánh ngày 3 tháng 9 năm 1987, tại mặt trận phía Bắc.

Ngày trở về, thương tật trên 80%, đôi mắt chỉ còn nhìn thấy 2/10 ánh sáng, bố mẹ già cả, gia đình lại nghèo …nhừn với bản lĩnh kiên cường của người lính cùng sự giúp đỡ của bà con lối xóm, Phạm Xuân Ánh không trông chờ vào đồng tiền trợ cấp mà xoay xở đủ việc, làm nhiều nghề. Người dân giáo xứ Tân Thành vẫn còn nhớ hồi đó, nghe nói đến nghề gì ở địa phương có lợi, có đồng ra đồng vào, anh đều làm. Cảm phục trước quyết tâm của anh, nên đã gom góp được hơn 1 triệu đồng để giúp anh làm vốn ban đầu.

Như những hạt gạo trải qua bao đau đớn để ánh lên màu trắng ngần tinh khiết, Phamj Xuân Ánh đã vượt qua bao thử thách để vươn lên và tỏa sáng phẩm chất anh "bộ đội cụ Hồ"
Như những hạt gạo trải qua bao đau đớn để ánh lên màu trắng ngần tinh khiết, Phamj Xuân Ánh đã vượt qua bao thử thách để vươn lên và tỏa sáng phẩm chất anh "bộ đội cụ Hồ"

Năm 1991, một mình Phạm Xuân Ánh vào khai phá gần 20 hecta đất rừng đã bỏ hoang từ lâu để phát triển kinh tế. Ngày lại ngày, người ta thấy anh vác cuốc băng đồi khai phá vùng đất mới. Không ít người ái ngại cho anh.

Đầu năm 1994 anh lập gia đình, vợ anh là chị Nguyễn Thị Cảnh, người con gái làng bên. Hạnh phúc đối với họ là sự ra đời của đứa con trai đầu lòng. Thế nhưng, niềm vui lại xen lẫn nỗi lo khi hai mắt anh đã hoàn toàn mù hẳn.

Những ngày ấy gian nan, cơ cực giữa mảnh đất hoang vu nhiều lúc tưởng chừng làm anh gục ngã. Nhưng càng khó khăn, bản lĩnh người lính lại càng giục giã thôi thúc anh. Anh vẫn động viên người vợ thủy chung của mình “Chỉ cần vẫn còn sức khỏe, 4 bàn tay và 2 con mắt thì khổ mấy cũng vượt qua được”.

Phạm Xuân Ánh và những quả ngọt sau bao mùa giông bão
Phạm Xuân Ánh và những quả ngọt sau bao mùa giông bão

Thế là chỉ với 1 triệu đồng nghĩa tình của đồng đội, anh đã cùng vợ mắc võng, dựng lều tạm giữa khu đồi hoang để gây dựng kinh tế. Sau một thời gian tìm hiểu nhiều mô hình cải tạo đất, anh quyết định trồng rừng tràm, vì nhận thấy cây tràm phù hợp với đất đồi, không tốn công chăm sóc lại cho hiệu quả kinh tế cao. Với phương châm, lấy ngắn nuôi dài, những loại cây cho hiệu quả kinh tế được anh đưa vào trồng. Anh vừa chăn nuôi trâu, bò, vừa vỡ đất rừng chỉ bằng đôi bàn tay và ánh sáng từ niềm tin cuộc sống.

“Có nhiều lúc tôi thấy chán nản, nhất là sau khi dự án nuôi bò thất bại. Nhưng tôi nghĩ, mình là một người lính may mắn được trở về sau chiến tranh nên càng không thể bỏ cuộc”. Anh Phạm Xuân Ánh nói.

Khi đã tích lũy được ít vốn, anh mua máy xay về phục vụ bà con trên địa bàn để kiếm thêm thu nhập. Hết trang trại lại về với nghề xay xát, người ta thấy anh không lúc nào ngơi tay. Âm thanh của tiếng máy trong anh có sự náo nức, hối hả của cuộc sống mà không nhìn thấy .

Vui bên những đứa con ngoan
Vui bên những đứa con ngoan

Là một hội viên tích cực của hội cựu chiến binh xã, anh đã cùng với ban thường trực hội từng bước đưa phong trào đi lên. Công tác chăm lo cho đời sống của hội viên theo đó cũng không ngừng được đẩy mạnh. Từ chỗ hơn nửa hội viên có đời sống khó khăn đến nay có đến 70% gia đình hội viên thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Người ta luôn thấy đôi bàn tay của anh không ngơi nghỉ. Những lúc rảnh rỗi thì anh lại sửa sang lại nhà cửa, đỡ đần vợ, con công việc gia đình. Mặc dù không qua trường lớp đào tạo nhưng bằng kinh nghiệm của mình, anh có thể sửa được nhiều loại máy nổ và làm nhiều việc khác, mà nhiều người sáng mắt không làm được... Thao tác chậm hơn những người thợ bình thường khác, song bù lại, anh tỉ mỉ, cẩn thận và “bắt đúng bệnh”. Mọi máy móc trong nhà và của bà con hàng xóm hỏng hóc đều nhờ vào đôi bàn tay khéo léo của anh.

“Quả là một người thương binh đầy nghị lực. Mặc dù bị mù nhưng anh vẫn làm được những việc mà nhiều người sáng mắt không làm được, đặc biệt là anh làm kinh tế rất giỏi. Được biết mô hình trồng rừng của anh đang được hội cựu chiến binh xã học tập để nhân rộng mô hình cho các hội viên. Tôi rất tự hào trong giáo xứ có một con chiên như vậy”. Cha xứ Đậu Quang Hải, Quản xứ Tân Thành, Chủ tịch ủy ban đoàn kết công giáo tỉnh cho biết.

Vùng đồi trọc 20 hecta giờ đây đã được phủ kín một màu xanh bạt ngàn. Phạm Xuân Ánh không nhìn thấy được màu xanh đang hồi sinh trên vùng đất mới nhưng trong anh là cả một vầng sáng của niềm tin. Một rừng cây một đời người. Bây giờ anh có thể cảm nhận được thành quả lao động của mình sau bao nhiêu năm kiếm tìm trong bóng tối.

Khi đôi tay thay cả cặp mắt cũng là lúc những phẩm chất anh hùng của người lính trong anh tỏa sáng. Với nhiều người, câu chuyện của cuộc đời anh là một sự nỗ lực lớn lao. Còn Phạm Xuân Ánh chỉ đơn giản coi đó là một điều hết sức bình thường của người thương binh, giáo dân sống tốt đời đẹp đạo.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast