Cung điện Westminster, London, Anh: Điện Westminster là một biểu tượng cho kiến trúc Phục hưng Gothic, nằm ở bờ bắc sông Thames. Công trình có diện tích 3,24 ha rộng lớn, bao gồm 1.100 phòng, 100 cầu thang và 4,8 km lối đi. Cung điện được xây dựng lại sau một trận hỏa hoạn phá hủy các tòa nhà thời Trung cổ ban đầu vào năm 1834. Nơi đây là một trong những điểm tham quan được chụp ảnh nhiều nhất của London. Ảnh: Michal Bednarek.
Tòa nhà Quốc hội Papua New Guinea, Port Moresby, Papua New Guinea: Được khánh thành vào năm 1984, thiết kế của tòa nhà Quốc hội Papua New Guinea mang phong cách Haus Tambaran (một kiểu nhà thờ cúng tổ tiên truyền thống ở địa phương). Ở lối vào của tòa nhà là bức tranh khảm rực rỡ, mô tả mọi khía cạnh của cuộc sống ở Papua New Guinea. Ảnh: Design Pics Inc.
Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, Trung Quốc: Đại lễ đường Nhân dân nằm ở đầu phía tây của quảng trường Thiên An Môn, được hoàn thành vào năm 1959 để kỷ niệm 10 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Căn phòng tiêu biểu của tòa nhà là "Đại Thính phòng", một không gian hội họp với trần nhà được bao phủ bởi dải ngân hà đèn và một viên hồng ngọc lớn như ngôi sao ở chính giữa. Ảnh: Shutterstock.
Tòa nhà Reichstag, Berlin, Đức: Hoàn thành vào năm 1894, tòa nhà Reichstag mang kiến trúc thời Phục hưng mới, vừa là nhân chứng thầm lặng vừa tham gia tích cực vào lịch sử đầy biến động của thành phố. Công trình nằm ở vị trí trung tâm nghệ thuật và chính trị của nước Đức. Điểm đặc biệt trong thiết kế tòa nhà là mái vòm bằng kính biểu tượng. Ảnh: Alekk Pires.
Quốc hội Bangladesh, Dhaka, Bangladesh: Quốc hội Bangladesh có diện tích hơn 80 ha, thường được người dân địa phương gọi là Jatiya Sangsad Bhaban. Việc xây dựng tòa nhà Quốc hội bắt đầu vào năm 1964 khi đất nước Bangladesh vẫn còn là một phần của Pakistan. Cuối cùng, công trình đã được hoàn thành để chào mừng quốc gia độc lập vào năm 1982. Kiến trúc sư Louis Khan đã thiết kế tòa nhà để phản ánh văn hóa và truyền thống của người Bengal. Điểm nổi bật trong thiết kế là các mái hiên lõm sâu và những ô cửa lớn đón ánh sáng. Ảnh: Vaskar Sam.
Tòa nhà Quốc hội Áo, Vienna, Áo: Tòa nhà Quốc hội Áo được xây dựng vào năm 1833 với ngoại thất chịu ảnh hưởng của công trình Zappeion ở Athens (Hy Lạp). Trong đó, đài phun nước Athena ở lối vào được xây dựng bổ sung vào năm 1902 và nhanh chóng trở thành điểm thu hút khách du lịch hàng đầu ở Vienna. Ảnh: RossHelen.
Điện Capitol, Washington DC, Mỹ: Điện Capitol đã trở thành ngọn hải đăng cho nền dân chủ Mỹ kể từ sự kiện Quốc hội họp lần đầu tiên tại đây vào năm 1800. Tòa nhà Quốc hội Mỹ được thiết kế vào năm 1792 bởi William Thornton, một bác sĩ không được đào tạo bài bản về kiến trúc. Viên đá nền được đặt bởi George Washington vào năm 1793 và mái vòm của tòa nhà được coi là một kiệt tác của người Mỹ. Công trình nổi tiếng này vẫn là một trong những tòa nhà mang tính biểu tượng nhất của quốc gia. Ảnh: Jon Bilous.
The Beehive (Văn phòng Chính phủ liên bang New Zealand), Wellington, New Zealand: The Beehive chắc chắn là một trong những tòa nhà chính phủ độc đáo nhất trên thế giới. Hình dạng của tòa nhà gợi nhớ đến những tổ ong với ý nghĩa khắc họa hình ảnh cơ quan lập pháp New Zealand đang làm việc bận rộn bên trong. Ảnh: Nova Photo Works.
Tòa nhà Quốc hội Nhật Bản, Tokyo, Nhật Bản: Tòa nhà Quốc hội Nhật Bản là một công trình kiến trúc trang nhã với mái hình kim tự tháp đặc biệt. Tòa nhà tọa lạc trên đồi Kasumigaseki, mất tới 17 năm để hoàn thành với hơn 2,5 triệu người tham gia xây dựng. Khu vực sảnh trung tâm được trang trí các bức tượng bằng đồng của những người sáng lập Nhật Bản, cửa sổ kính màu thanh lịch và tranh tường rực rỡ về bốn mùa. Ảnh: Sean Pavone.
Tòa nhà Quốc hội Hungary, Budapest, Hungary: Nằm bên bờ sông Danube, Tòa nhà Quốc hội Hungary là một công trình đồ sộ với bên ngoài gồm 365 tòa tháp kiểu Gothic và diện tích sàn rộng 18.000 m2, mang nét sang trọng thuần túy kiểu Baroque. Kiến trúc sư Imre Steindl khẳng định Tòa nhà Quốc hội được xây dựng bởi những người thợ thủ công địa phương, sử dụng vật liệu của Hungary. Ảnh: Givaga.