Với mỗi người, mỗi gia đình, lễ cưới là sự kiện trọng đại nhất trong cuộc đời. Theo thông lệ và quan niệm của người dân, đám cưới phải đầy đủ lễ nghi, cỗ bàn thịnh soạn, là dịp để quan viên hai họ, anh em, bạn bè xa gần được tụ họp, đoàn viên. Để người dân thay đổi tư duy, lựa chọn tổ chức đám cưới theo hướng gọn nhẹ, tiết kiệm là cả một quá trình dài nỗ lực của các cấp ngành, đoàn thể.
Xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) là một trong những địa phương đã xây dựng được mô hình đám cưới văn minh, tiến bộ trong nhiều năm nay. Là xã thuần nông, người dân còn mang nặng quan niệm truyền thống về lễ nghi, tập tục cưới xin nên nhiều năm trước, đám cưới trên địa bàn xã Cẩm Thành thường được người dân tổ chức quy mô lớn hơn, dựng rạp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; đầu tư thuê dàn âm thanh, ánh sáng công suất lớn; thời gian tổ chức kéo dài… gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của cộng đồng dân cư.
Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương đã triển khai mô hình “Việc cưới, việc tang văn minh, tiến bộ”. Công tác tuyên truyền được tăng cường đến toàn thể cán bộ, Nhân dân bằng nhiều hình thức như: thông qua hệ thống truyền thanh, trang thông tin điện tử xã, các trang mạng xã hội; lồng ghép trong các buổi họp thôn, hội nghị đối thoại với các tổ chức đoàn thể…
Chị Hà Thị Hồng Trang - công chức Văn hóa xã Cẩm Thành cho biết: “Từ việc triển khai mô hình điểm ở thôn Kênh, đến nay, 11 thôn trên địa bàn xã đã thực hiện nghiêm các quy định về việc cưới văn minh, tiến bộ. Theo đó, đám cưới được khuyến khích tổ chức tại nhà văn hóa cộng đồng thôn, tận dụng công năng của “Ngôi nhà trí tuệ’; lễ cưới tổ chức không quá một ngày với khách mời hạn chế; không dựng rạp lấn chiếm lòng lề đường; không sử dụng thuốc lá và hạn chế rượu, bia; sử dụng âm thanh lành mạnh, công suất phù hợp, không kéo dài sau 22h đêm…”.
Ông Biện Văn Tường (trú thôn Kênh) chia sẻ: “Dù cưới con trai duy nhất nhưng gia đình tôi cũng tổ chức gọn nhẹ, khách mời hạn chế, không phô trương. Với sự tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, người dân dần hình thành quan niệm mới và xây dựng được nếp sống văn minh khi tổ chức những việc trọng đại”.
Cùng với vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng tuyên truyền người dân từ bỏ những tập tục lạc hậu trong việc tang, thực hiện hình thức hỏa táng người quá cố, đặc biệt là với những địa phương hạn chế về quỹ đất.
Với sự chủ động, quyết liệt tuyên truyền, vận động và triển khai, thời gian qua, huyện Đức Thọ đã đạt nhiều kết quả khả quan trong xây dựng nếp sống văn hóa đối với việc tang. Huyện đã tập trung chỉ đạo 155/155 khu dân cư xây dựng hương ước, trong đó, đưa việc tổ chức đám tang theo nếp sống văn hóa mới, tăng cường tỷ lệ hỏa táng vào hương ước để các hộ gia đình thực hiện.
Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể linh hoạt trong công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để người dân thay đổi quan niệm, dần chấp nhận hình thức an táng văn minh, tiến bộ này.
Từ những nỗ lực đó, những năm gần đây, tỷ lệ hỏa táng trên địa bàn huyện Đức Thọ ngày càng tăng: Năm 2019, toàn huyện có 250/960 đám tang (đạt 26,04%); năm 2021 có 330/862 đám (đạt 38,3%); năm 2023 có 734/994 đám (đạt 74%); 9 tháng đầu năm 2024 có 586/755 đám (đạt 77,6%). Trong đó, một số địa phương đạt tỷ lệ trên 90% như thị trấn Đức Thọ, xã Tùng Ảnh…; số lượng người cao tuổi có tâm nguyện hoặc để lại di chúc sẽ hỏa táng sau khi qua đời ngày càng tăng.
Ông Hoàng Xuân Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho biết: “Để thay đổi tư duy, quan niệm của người dân về vấn đề hỏa táng là điều hết sức khó khăn nhưng bằng sự kiên trì, nỗ lực, Đức Thọ là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện chủ trương này. Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương, ban, ngành tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, người dân thực hiện hình thức hỏa táng người quá cố; đưa tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng thành một trong những tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng nếp sống văn minh tại các địa phương”.
Bên cạnh nỗ lực của chính quyền, ngành chức năng thì đội ngũ thầy cúng đóng vai trò hết sức quan trọng, để thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Nhận thức được điều này, TX Kỳ Anh đã có cách làm hết sức độc đáo, sáng tạo nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các thầy cúng trên địa bàn.
Những năm gần đây, Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã đã phối hợp Ban Quản lý Di tích đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu tổ chức các kỳ thi tuyển, sát hạch thầy cúng. Hàng trăm lượt thầy cúng hành nghề trên địa bàn đã tham gia hoạt động này.
Các thầy cúng sẽ thi 2 nội dung viết và thực hành. Đề thi tập trung vào các kiến thức chuyên môn; nội quy, quy chế, lịch sử di tích; kiến thức xã hội về các chủ trương của tỉnh, địa phương liên quan đến xây dựng nếp sống văn hóa… Các phần thi được chấm điểm minh bạch, thông báo kết quả công khai.
Bà Trần Thị Thìn - Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TX Kỳ Anh cho biết: “Việc tổ chức kỳ thi thường niên giúp đơn vị quản lý đánh giá chất lượng đội ngũ thầy giúp lễ, thầy cúng một cách toàn diện. Từ đó, có cơ sở phân loại, đào tạo, bồi dưỡng; đề ra các giải pháp hiệu quả trong quản lý, sàng lọc, tuyển chọn thầy lễ để phục vụ nhu cầu của người dân. Điều này góp phần quan trọng xây dựng nếp sống văn minh trong các lễ hội”.
Với những chủ trương đúng đắn và việc tuyên truyền tích cực của cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, tại nhiều địa phương, việc cưới, tang, lễ hội được người dân thực hành một cách văn minh, tiến bộ, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.