12 loại sữa giả dùng 'vỏ bọc' thực phẩm dinh dưỡng như thế nào

12 loại sữa giả được nhà sản xuất gọi là thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng công thức và thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, song các chuyên gia cho rằng đánh tráo khái niệm để lừa người dùng.

"Ba loại sản phẩm này vốn khác biệt về thành phần, công dụng", bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, cho biết sau khi cơ quan điều tra công bố kết quả ban đầu 12 loại sữa bột giả do Công ty Rance Pharma và Hacofood Group sản xuất, đang tiếp tục xác minh 72 loại khác. Các sản phẩm này được gọi bằng nhiều tên khác nhau, gồm: thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng công thức và thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.

Cơ quan điều tra cáo buộc các loại sữa bột giả thực chất "cùng chung một nguyên liệu, công thức, quy trình sản xuất". Chỉ tiêu chất lượng một số chất chính đạt dưới 70% so với công bố. Các bị can chỉ đạo bổ sung hoặc thay thế một số nguyên liệu chính, thêm hương liệu, phụ gia nhằm lừa người tiêu dùng về công dụng của sản phẩm.

"Đây có thể coi là một dạng đánh tráo khái niệm, lừa người tiêu dùng", bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, nhận định.

Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 43/2014/TT-BYT, thực phẩm bổ sung (Supplemented Food) được định nghĩa là thực phẩm thông thường được bổ sung vi chất và các yếu tố có lợi cho sức khỏe như vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic, prebiotic và chất có hoạt tính sinh học khác. Việc công bố hàm lượng các chất này tính theo lượng dùng khuyến cáo hàng ngày cho người Việt Nam (RNI). Công bố chất lượng tức là nhà sản xuất ghi trên bao bì nhãn sản phẩm các thông tin như thành phần, tỷ lệ %, loại hàng hóa, công dụng, tác dụng, chống chỉ định (nếu có)...

Nếu hàm lượng dưới 10% RNI, doanh nghiệp sẽ không ghi công bố về chất đó lên nhãn sản phẩm. Hàm lượng tối đa của vitamin, khoáng chất có trong thực phẩm tính theo liều khuyên dùng hàng ngày của nhà sản xuất, không được vượt quá ngưỡng dung nạp tối đa của các vitamin và khoáng chất được quy định.

Sản phẩm dinh dưỡng công thức (Formula Nutritional Product) được định nghĩa là những sản phẩm được chế biến theo một công thức (formula) cụ thể, dựa trên các nghiên cứu khoa học về dinh dưỡng, nhằm cung cấp một chế độ ăn hoàn chỉnh hoặc thay thế một phần hay hoàn toàn bữa ăn cho một đối tượng cụ thể, theo bác sĩ Hoàng.

Đặc điểm chính của sản phẩm này là công thức khoa học: Thành phần dinh dưỡng (năng lượng, đạm, béo, vitamin, khoáng chất...) được tính toán kỹ lưỡng để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng đặc thù của đối tượng sử dụng, thường dùng cho người có nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt hoặc không thể ăn uống bình thường. Phổ biến nhất là sữa công thức cho trẻ nhỏ, dùng thay thế hoàn toàn hoặc một phần sữa mẹ cho trẻ dưới 12 tháng tuổi (infant formula) hoặc trẻ 1-3 tuổi (growing-up milk).

Nhìn chung, sản phẩm dinh dưỡng công thức cung cấp đầy đủ năng lượng, đa lượng, vi lượng theo công thức khoa học, thường là bột pha lỏng (như sữa), hoặc dung dịch uống, chặt chẽ về công thức, dinh dưỡng toàn diện.

Còn thực phẩm bổ sung chỉ đơn thuần là bổ sung vi chất, hoạt chất vào chế độ ăn, không thể thay thế bữa ăn, dành cho đa dạng nhóm người, trong đó có đối tượng cần bổ sung vi chất. Các thực phẩm này thường là viên nang, bột, lỏng (liều nhỏ), tập trung vào sự an toàn, thành phần bổ sung.

Khác biệt giữa sản phẩm dinh dưỡng công thức và thực phẩm bổ sung:

Sản phẩm dinh dưỡng công thức Thực phẩm bổ sung
Mục đích Thay thế bữa ăn (hoàn toàn hoặc một phần), cung cấp dinh dưỡng hoàn chỉnh cho đối tượng đặc biệt. Bổ sung vitamin và/hoặc khoáng chất (vi chất) vào chế độ ăn thông thường nhằm phòng ngừa hoặc khắc phục sự thiếu hụt, đảm bảo đủ vi chất dinh dưỡng.
Vai trò Có thể là nguồn dinh dưỡng chính hoặc duy nhất Chỉ là phần bổ sung, không thể thay thế bữa ăn
Thành phần Cung cấp đầy đủ năng lượng, đa lượng, vi lượng theo công thức khoa học. Cung cấp chủ yếu vi chất, hoạt chất cụ thể, không cung cấp năng lượng và các chất đa lượng đáng kể
Đối tượng sử dụng Người có nhu cầu ăn kiêng đặc biệt do tình trạng sinh lý (trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai/cho con bú) hoặc bệnh lý (người tiểu đường, không dung nạp gluten, dị ứng thực phẩm, người cần kiểm soát cân nặng...).
Đa dạng đối tượng, bao gồm người khỏe mạnh muốn bổ sung, người có nguy cơ thiếu hụt vi chất (phụ nữ mang thai, người già, trẻ em...), hoặc theo khuyến nghị của chuyên gia.
Dạng sản phẩm Thường là bột pha lỏng (như sữa), hoặc dung dịch uống. Thường là viên nang, bột, lỏng (liều nhỏ)
Quản lý Quy định riêng, chặt chẽ hơn thực phẩm thông thường, phải đáp ứng các tiêu chuẩn cho nhu cầu ăn đặc biệt đã công bố.
Quy định như thực phẩm bổ sung hoặc thực phẩm tăng cường vi chất. Tập trung vào tính an toàn, ghi nhãn thành phần, hàm lượng và liều dùng khuyến nghị.

Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt (Food for Special Dietary Uses), theo khoản 3 Điều 3 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, là dùng cho người ăn kiêng, người già và các đối tượng đặc biệt khác theo quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX). Đây là thực phẩm được chế biến hoặc phối trộn theo công thức đặc biệt, nhằm đáp ứng các yêu cầu về chế độ ăn đặc thù theo thể trạng hay theo tình trạng bệnh lý và các rối loạn cụ thể của người sử dụng.

Thành phần của thực phẩm này phải khác biệt rõ rệt với thành phần của những thực phẩm thông thường cùng bản chất, nếu có.

Một hộp sữa bị công an xác định là giả trong vụ án. Ảnh: VTV
Một hộp sữa bị công an xác định là giả trong vụ án. Ảnh: VTV

Theo cơ quan điều tra, các loại sữa bột giả của Hacofood Group và Rance Pharma được phân phối trên thị trường toàn quốc, chủ yếu dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Song các bị can khai tất cả thông tin, hàm lượng dinh dưỡng để sản xuất sữa bột đều không được kiểm tra và doanh nghiệp gần như không kiểm nghiệm thực tế toàn bộ dưỡng chất trong sữa.

Bác sĩ Mạnh cho rằng các chủng loại sản phẩm khác nhau như trên nhưng "chung công thức, nguyên liệu, không rõ dưỡng chất" gây nhiều tác hại sức khỏe người dùng.

Sữa giả không bảo đảm cung cấp đủ năng lượng, vitamin và khoáng chất đúng như thành phần ghi trên vỏ hộp sữa, sử dụng lâu dài nguy cơ cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng. Chưa kể, nhiều người dùng thay thế bữa ăn, đặc biệt ở trẻ nhỏ, ảnh hưởng đến các giai đoạn phát triển. Với trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ thiếu hụt dưỡng chất thiết yếu hoặc sống phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng từ sữa, hậu quả còn nghiêm trọng hơn.

Với những người cần dùng thực phẩm theo chế độ đặc biệt, như người ăn kiêng, người già hay đối tượng đặc biệt khác, thiếu hụt dinh dưỡng, ảnh hưởng hệ miễn dịch khi cơ thể không được bổ sung đủ chất, nguy cơ sinh bệnh tật. Sữa dùng nguyên liệu không rõ nguồn gốc và chất phụ gia không được kiểm soát dẫn đến nhiều rủi ro cho người dùng như dị ứng, ngộ độc cấp tính, rối loạn tiêu hóa. Về lâu dài, cơ thể tích lũy kim loại nặng, chất độc, ảnh hưởng nội tiết và phát triển thần kinh.

Với phụ nữ mang thai, thiếu hụt dinh dưỡng có thể khiến mẹ bầu mệt mỏi, chuột rút, đau mỏi cơ, tê bì chân tay, suy nhược. Các thành phần không phù hợp hoặc nhiễm khuẩn trong sữa giả có thể khiến thai phụ bị rối loạn tiêu hóa và giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng, thậm chí dị ứng, ngộ độc. Chất phụ gia độc hại, kim loại nặng, chất tạo màu hoặc chất bảo quản trong sữa vượt mức cho phép nguy cơ dẫn đến biến chứng thai kỳ.

vnexpress.net

Đọc thêm

Nhiều trụ nước cứu hỏa... có như không!

Nhiều trụ nước cứu hỏa... có như không!

Trụ nước cứu hỏa có vai trò cung cấp nguồn nước dập tắt đám cháy. Tuy nhiên, điều đáng báo động là nhiều trụ nước cứu hỏa trên địa bàn Hà Tĩnh mất tác dụng.
Bất an khi trạm điện đầu nguồn Sông Trí "tê liệt"

Bất an khi trạm điện đầu nguồn Sông Trí "tê liệt"

Trạm biến áp Thượng nguồn Sông Trí tại xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) gặp sự cố, hư hỏng từ năm 2023 nhưng đến nay chưa được khắc phục khiến những người làm công tác vận hành hồ chứa gặp nhiều khó khăn.
Khi chiến sĩ công an trở thành thầy giáo dạy bơi cho trẻ nhỏ

Khi chiến sĩ công an trở thành thầy giáo dạy bơi cho trẻ nhỏ

Nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn đuối nước, đồng thời nâng cao năng lực ứng phó, sơ cứu ban đầu đối với nạn nhân bị đuối nước, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức hàng trăm lớp học bơi miễn phí cho thanh, thiếu niên.
Khởi tố 40 bị can liên quan đến vụ án xảy ra tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương

Khởi tố 40 bị can liên quan đến vụ án xảy ra tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương

Chiều 23/6, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn với 40 đối tượng, trong vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma túy, Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương TP Hà Nội và tỉnh Thanh Hóa.
Hà Tĩnh siết chặt việc vận chuyển cát trên sông

Hà Tĩnh siết chặt việc vận chuyển cát trên sông

Trước tình trạng khai thác và vận chuyển cát, sỏi trên sông có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn mất an toàn giao thông đường thủy nội địa, thời gian qua Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Tĩnh đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Lật thuyền thúng, 1 ngư dân tử vong

Lật thuyền thúng, 1 ngư dân tử vong

Khi đang vào bờ thì chiếc thuyền thúng của 2 ngư dân ở phường Kỳ Nam (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị sóng lớn đánh lật úp khiến một người tử vong.
Học sinh làm thêm dịp hè - "con dao 2 lưỡi"?

Học sinh làm thêm dịp hè - "con dao 2 lưỡi"?

Làm thêm dịp hè giúp các em học sinh Hà Tĩnh có thu nhập, tích lũy kinh nghiệm. Tuy nhiên, đằng sau những lợi ích ấy, việc làm thêm cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, nhất là khi các em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật.