Chia sẻ với Zing , bà Mai Hoa, Tổng giám đốc Galaxy, cho biết mỗi ngày đều theo dõi tin tức thời sự trong nước cũng như diễn biến tình hình dịch bệnh. Bà cho rằng quyết định mở rạp ở thời điểm nào hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh.
“Chúng tôi cùng các cụm rạp khác đã ký đơn đề nghị cơ quan chức năng xem xét, mở rạp ở TP.HCM, Hà Nội để cứu vãn doanh nghiệp, ngành phim nhiều lần nhưng bây giờ vẫn chưa có thông báo chính thức. Các cụm rạp vẫn sống trong thấp thỏm, chờ đợi”, bà Hoa nói.
Rạp mở nhưng không có khách
Hiện tại, đơn vị này chỉ mở một số rạp ở Huế và Đà Nẵng với công suất hạn chế. Mỗi rạp mở chỉ chiếu các suất giờ vàng. Tổng giám đốc Galaxy nêu rõ: “Không thể mở tất cả các khung giờ được vì không có khách. Vì vậy, càng mở nhiều, chi phí điện nước càng cao. Do ít rạp, các nhà phát hành không đồng ý ra mắt phim mới. Và không có phim mới hay bom tấn thì không thể kéo khán giả đến rạp”.
1990 thông báo ra rạp vào dịp Tết 2022, tuy nhiên hiện đây vẫn chỉ là dự định của nhà phát hành. Đây cũng không phải là phim được chuẩn bị cho dịp Tết.
Theo bà Mai Hoa, doanh thu của Galaxy trong năm 2020 đã bị ảnh hưởng của dịch, giảm 50-60% so với năm 2019. Nhưng đến năm 2021, doanh thu này giảm hơn 80%. “Nếu tình hình này kéo dài đến Tết 2022, nghĩa là rạp phim chỉ hoạt động được 3 tháng đầu năm. Doanh thu năm 2021 có thể chỉ đạt 15% so với năm trước”, bà cho hay.
BHD có tổng cộng 51 cụm rạp trên cả nước nhưng hiện tại, họ chỉ mở được một rạp tại Huế. Và tất nhiên với tình hình dịch bệnh cũng như không có phim mới, doanh thu từ cụm rạp này rất khiêm tốn. Không những thế việc mở cửa ít còn khiến đơn vị này bị thua lỗ.
Tương tự, CGV có một số cụm rạp ở các tỉnh miền Bắc. Tất cả đều hoạt động cầm chừng nhờ các phim cũ.
Nhận định về tình hình các cụm rạp hiện tại, bà Mai Hoa cho rằng khó khăn chồng chất là điều khó tránh khỏi. Bà tin rằng cụm rạp nhỏ hay lớn cũng đối diện với phá sản nếu không được mở cửa. Đại diện Galaxy cho hay năm 2020 doanh thu giảm sâu vì dịch nên tiền tích lũy của các cụm rạp khó có thể gồng gánh lâu dài. Theo bà, tất cả đang cố gắng trụ với tinh thần “đến đâu biết tới đó”.
Rạp phim an toàn cho việc phòng dịch
Doanh thu giảm, thua lỗ hàng chục tỷ đồng là chuyện không còn mới giới các nhà rạp khi dịch bùng phát. Hiện tại, trong hoàn cảnh chờ đợi mở cửa trở lại, các đơn vị này cắt giảm nhiều chi phí liên quan đến lương nhân viên, mặt bằng.
Vài tháng trước, Galaxy cố gắng giữ đầy đủ nhân viên, chỉ giảm lương nhưng hiện tại, họ phải cắt giảm nhân sự một số vị trí. Đó cũng là cách giảm tối đa thua lỗ của CGV, Lotte và BHD.
Cảnh trong phim Lật mặt 4. Ảnh: CGV.
Chia sẻ về kịch bản chuẩn bị cho các tháng cuối năm và dịp Tết 2022, đại diện Galaxy nói: “Chúng tôi đã lường đến tình huống xấu nhất - không thể mở cửa rạp vào dịp Tết. Điều này có nghĩa đây có thể là năm đầu tiên không có phim Tết”.
Tuy vậy, hiện tại, họ vẫn chuẩn bị đầy đủ tốt nhất, sẵn sàng cho việc mở rạp như nguồn phim, điều kiện về vaccine, nhân viên, an toàn giãn cách, phương án sống chung với Covid-19.
“Không chỉ có phim nước ngoài, một số phim Việt như Thanh Sói, 1990 đều có kế hoạch tung ra vào dịp Tết. Thiên thần hộ mệnh của anh Victor Vũ cũng sẵn sàng ra rạp bất cứ lúc nào. Vấn đề với chúng tôi là thời điểm mở cửa mà thôi”, đại diện Galaxy nói.
Bà Mai Hoa cho rằng rạp là nơi thực hiện giãn cách dễ hơn các ngành khác bởi khách thường ngồi cách ghế, không nói chuyện. Bà dẫn chứng: “Nhìn ra các nước trên thế giới như Hàn Quốc, họ đã xác định tinh thần sống chung với dịch từ trước. Hiện tại, đất nước này dịch được ban bố ở mức độ 4, hơn 2.000 ca mỗi ngày nhưng họ vẫn cho mở rạp, công suất 70%. Nhiều nước khác cũng mở rạp và áp dụng quy định về công suất chiếu”.
Đại diện của nhà xuất BHD bày tỏ sự lo lắng khi rạp phim mở vào dịp Tết doanh thu cũng khó khả quan vì nhiều trẻ em chưa được tiêm vaccine. Đơn vị này cho biết họ hiện tập trung cho các dự án phim cho năm 2022 và chờ đợi thông báo từ cơ quan chức năng.