"Google" ngay lập tức
Nhờ Internet và các công cụ tìm kiếm như Google, mọi người có nguồn cung cấp thông tin gần như vô hạn trong tầm tay. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào các công cụ có sẵn như vậy có thể khiến trí nhớ bị giảm sút.
Ảnh: City Journal
Theo các chuyên gia, việc đầu tiên khi trả lời một câu hỏi hoặc một sự kiện cần ghi nhớ mà suy nghĩ đầu tiên là “tra Google”, rất có thể bạn đã phụ thuộc quá nhiều vào công cụ này. Theo thời gian, đầu óc của bạn không còn nhanh nhạy trong suy ngẫm và đưa ra các giải pháp - điều cần thiết cho tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và duy trì trí nhớ.
Để bỏ thói quen này, người dùng nên cố gắng tìm ra câu trả lời thông qua suy luận, hoặc dùng công cụ tìm kiếm nhưng tự ghi nhớ câu trả lời cho những lần sau.
Cầm điện thoại trong vô thức
Không ít người “tiện tay” cầm điện thoại, sau đó cuộn màn hình xem thông tin hoặc giải trí nhưng không thực sự để ý mình đang làm gì. Hành động này được đánh giá ngày càng khó thay đổi, một số thậm chí không nhận ra mình đã cầm smartphone cho đến khi nó ở trên tay.
Dù vậy, thói quen liên tục dùng smartphone có hại nhiều hơn có lợi, bởi chúng chiếm nhiều thời gian, khiến cơ thể không được nghỉ ngơi. Để giảm bớt, người dùng có thể đặt chúng ở một nơi, sau đó tập thể dục hoặc thực hiện hoạt động chân tay. Họ không cần phải ngừng “cai” điện thoại hoàn toàn, nhưng nên chọn cách sử dụng mà không cần cầm chúng lên, chẳng hạn nghe podcast, nghe nhạc.
FOMO trên mạng xã hội
Nỗi sợ bị bỏ lỡ, hoặc FOMO, đang ngày càng phổ biến trong thời đại kết nối. Khi tham gia mạng xã hội, người dùng hay có tâm lý sợ bỏ lỡ một vấn đề nào đó đang diễn ra. Kết quả là, họ thường xuyên truy cập mạng một cách cưỡng chế hoặc vô thức.
Một số khảo sát cho thấy việc FOMO liên tục có thể dẫn đến cảm giác lo lắng, tự ti và ghen tị với người khác, gây ảnh hưởng đến tâm lý và tác động đến cuộc sống thực tế, khiến sức khỏe tinh thần và năng suất công việc giảm sút.
Theo các chuyên gia, khi tham gia mạng xã hội, người dùng nên hạn chế sử dụng quá lâu, nên tắt thông báo trên smartphone, thậm chí có thể xóa tài khoản để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống.
Không tùy chỉnh thông báo
Thông báo là một trong những tính năng hữu ích trên smartphone, nhưng cũng gây gián đoạn cho người dùng. Một mặt, thông báo giúp cập nhật thông tin và sự kiện quan trọng. Mặt khác, những tiếng chuông từ chúng là yếu tố gây phân tâm, khiến người dùng không thể tập trung vào việc đang làm.
Để hạn chế bị thông báo làm phiền, người dùng nên tắt với các ứng dụng không quan trọng. Chẳng hạn, bạn có thể tắt tiếng thông báo cho các ứng dụng giải trí, mua sắm hoặc mạng xã hội tại nơi làm việc.
Tải xuống quá nhiều ứng dụng
Nhiều người có thói quen cài đặt nhiều ứng dụng lên thiết bị, giữ nguyên chúng thay vì xóa đi sau thời gian dài không sử dụng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thói quen này không tốt. Bên cạnh việc chiếm nhiều tài nguyên máy, người dùng còn có thể bị làm phiền và phân tâm bởi các thông báo khác nhau.