Học sinh Hà Tĩnh điều khiển xe máy điện: Hiểm họa khó lường...

(Baohatinh.vn) - Dễ sử dụng và không cần bằng lái nên xe máy điện được nhiều học sinh ở Hà Tĩnh sử dụng. Tuy nhiên, việc học sinh điều khiển xe máy điện đang đặt ra nhiều vấn đề nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Học sinh Hà Tĩnh điều khiển xe máy điện: Hiểm họa khó lường...

Xe đạp điện, xe máy điện là loại phương tiện được các em học sinh ưa dùng.

Chị Nguyễn Thị Thu (SN 1985, xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) vẫn còn “rùng mình” khi nhớ lại vụ va chạm giao thông cách đây 10 ngày liên quan tới xe máy điện mà chị là nạn nhân.

Theo lời chị Thu, sau khi tan làm, chị tới trường đón con gái 5 tuổi rồi trở về nhà. Khi tới con đường bê tông dẫn vào thôn, từ trong ngõ hẻm, 2 nam sinh điều khiển xe máy điện bất ngờ lao ra. Dù đã chủ động giảm tốc độ khi tới khúc giao nhau với ngõ hẻm nhưng do khoảng cách gần, xe máy của 2 mẹ con chị vẫn va phải phương tiện của 2 học sinh khiến 4 người cùng ngã xuống đường. May mắn là 4 người chỉ bị xây xước nhẹ sau vụ va chạm.

“Tới ngã ba mà 2 em học sinh đó vẫn chạy nhanh, xe lại không hề có tiếng động, không bóp còi nên tôi không nghĩ là có xe đi ra. May mà tôi đã giảm tốc độ không thì chưa biết chuyện gì xảy ra”, chị Thu chia sẻ.

Học sinh Hà Tĩnh điều khiển xe máy điện: Hiểm họa khó lường...

Một vụ va chạm giữa 2 xe máy điện do học sinh điều khiển tại nút giao ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (TP Hà Tĩnh).

Anh Nguyễn Trường An (SN 1981, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà) làm việc cho một công ty ở TP Hà Tĩnh. Quãng đường từ nhà tới chỗ làm, anh phải di chuyển qua khá nhiều trường học. Đây cũng chính là đoạn đường anh ngại nhất bởi không chỉ có lượng người tham gia giao thông đông mà còn có nhiều học sinh khi đi xe đạp điện, xe máy điện không chấp hành các quy định về an toàn giao thông (ATGT).

“Mỗi lần đi làm, tôi gặp không ít các học sinh đi xe máy điện nhưng chở ba, không đội mũ bảo hiểm hay dùng tay kéo một bạn đi xe đạp hay vượt đèn đỏ khiến cho tôi và người đi đường rất lo sợ...”, anh An cho hay.

Học sinh Hà Tĩnh điều khiển xe máy điện: Hiểm họa khó lường...

Bản thân các em học sinh cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT.

Những năm gần đây, xe máy điện là phương tiện phổ biến mà các gia đình trang bị cho con em mình để thuận tiện trong việc đi học. Loại phương tiện này khá nhỏ gọn, không cần bằng lái và khá dễ điều khiển nên ngày càng được các em học sinh ưa thích. Dạo quanh các trường học từ nông thôn cho tới thành thị, không khó để bắt gặp các em học sinh đi xe máy điện.

Không phủ nhận lợi ích của loại phương tiện này đối với học sinh khi giúp các em dễ dàng di chuyển tới trường, nhất là lúc thời tiết không thuận lợi. Khi sắm cho học sinh xe máy điện thì phụ huynh cũng sẽ không phải tốn thêm thời gian chở các em đi học.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu hết các phụ huynh khi mua xe cho con em mình thường chỉ hướng dẫn các thao tác cơ bản khi điều khiển xe, còn việc trang bị kiến thức về giao thông, xử lý tình huống cho các em thì ít đề cập tới.

Học sinh Hà Tĩnh điều khiển xe máy điện: Hiểm họa khó lường...

Đội CSGT - Trật tự Công an TP Hà Tĩnh giáo dục pháp luật cho học sinh trường Cao đẳng nghề Việt Đức vi phạm Luật Giao thông.

Đại úy Nguyễn Thành Chung - Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Đức Thọ cho hay: "Theo quy định, học sinh THCS có độ tuổi từ 11 tuổi – 14 tuổi và học sinh THPT dưới 16 tuổi sẽ không được dùng xe máy điện để lưu thông trên đường. Thế nhưng, các bậc phụ huynh gần như không quan tâm tới quy định này và vẫn sắm cho con mình phương tiện này khi các em chưa đủ tuổi điều khiển.

Các em học sinh đang ở độ tuổi mới lớn nên khi tham gia giao thông, nhất là nam sinh, thường thích “thể hiện” nên ý thức chấp hành pháp luật về ATGT chưa cao, dẫn tới các vi phạm. Hiện nay, vẫn còn một bộ phận học sinh điều khiển xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, vượt ẩu, dàn hàng ngang trên đường, đi ngược chiều, đeo tai nghe...".

Học sinh Hà Tĩnh điều khiển xe máy điện: Hiểm họa khó lường...

Tình trạng học sinh điều khiển xe máy điện dàn hàng ngang, lấn làn vẫn còn diễn ra.

Điều đáng lo ngại không kém là lúc di chuyển trên đường thì xe đạp điện, xe máy điện gần như không có tiếng động, trong khi tốc độ tối đa có thể lên tới 40 - 50 km/h, thậm chí lớn hơn.

Đặc biệt về chiều tối hoặc ban đêm, không ít xe máy điện đã hỏng còi, đèn nhưng các em vẫn điều khiển, gặp những tình huống như vậy, nếu không chú ý quan sát và xử lý kịp thời thì có thể xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) bất cứ khi nào. Thực tế cho thấy, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra khá nhiều vụ TNGT liên quan tới xe máy điện của học sinh.

Học sinh Hà Tĩnh điều khiển xe máy điện: Hiểm họa khó lường...

Đội CSGT - Trật tự Công an TP Hà Tĩnh xử lý học sinh điều khiển xe máy điện vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Để ngăn ngừa tai nạn giao thông từ xe máy điện, hạn chế vi phạm Luật Giao thông đường bộ từ học sinh, trong những năm qua, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Công an tỉnh và Công an các địa phương tổ chức tuyên truyền pháp luật ATGT đến các em. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng toàn tỉnh cũng thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý tình trạng học sinh vi phạm quy định về giao thông.

Học sinh Hà Tĩnh điều khiển xe máy điện: Hiểm họa khó lường...

Đội CSGT Công an huyện Đức Thọ phát hiện, ngăn chặn vụ 34 học sinh ở các địa phương tụ tập, nhóm họp về việc “độ” xe máy điện vào tháng 7/2021.

“Từ đầu năm tới nay, đơn vị đã xử lý 520 trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Các lỗi chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm, điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi... Mỗi lần xử lý, chúng tôi đều thông báo tới nhà trường và mời phụ huynh, học sinh ký cam kết không tái phạm”, Thiếu tá Phan Viết Hùng - Phó Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự Công an TP Hà Tĩnh cho hay.

Học sinh Hà Tĩnh điều khiển xe máy điện: Hiểm họa khó lường...

Một bộ phận học sinh vẫn chưa có ý thức trong quá trình điều khiển xe đạp điện, xe máy điện tham gia giao thông.

Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Văn Tân nhìn nhận: “Nhu cầu sử dụng các phương tiện đi học của học sinh là chính đáng nhưng các bậc cha mẹ nên cân nhắc kỹ loại phương tiện nào phù hợp với lứa tuổi của con mình để đảm bảo đúng quy đinh.

Đặc biệt, khi mua sắm phương tiện cho con cần trang bị đầy đủ kiến thức và xây dựng ý thức về ATGT cho các em học sinh trước khi cho phép sử dụng phương tiện. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần chấp hành tốt các quy định về giao thông để trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo”, ông Nguyễn Văn Tân cho hay.

Học sinh Hà Tĩnh điều khiển xe máy điện: Hiểm họa khó lường...

Chủ đề An toàn giao thông

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast