Khổ lo vé xe về quê ăn Tết!

(Baohatinh.vn) - Lo một chiếc vé xe về quê ăn Tết là câu chuyện quá cũ nhưng vẫn lặp đi lặp lại vào mỗi dịp cuối năm…

Đứng từ 3h sáng mới mua được vé…

Thực tế người dân làm ăn xa đã bắt đầu “lùng sục” vé tàu, xe từ vài tháng trước. Đầu tiên là nghe ngóng tình hình rồi đến việc “tăm” trên các trang online của hãng vận tải hành khách để đặt chỗ. Anh Nguyễn Thành Tâm, quê ở Hương Sơn đã làm việc tại Hà Nội 6 năm nay, ấy thế mà cứ mỗi lần nghĩ đến chuyện chuẩn bị đón xe về quê ăn tết là “nổi da gà”.

Chen chúc mua vé xe về quê ăn Tết. Ảnh: Thanh Niên Online
Chen chúc mua vé xe về quê ăn Tết. Ảnh: Thanh Niên Online

Anh Tâm chia sẻ: “Đi làm đến 27- 28 tết mới được nghỉ, tôi phải chen lấn từ chuyến xe buýt từ nội thành ra bến Nước Ngầm rồi lại tiếp tục bị “nhồi dưa” từ Hà Nội về đến Hà Tĩnh. Từ khi có chuyến xe Văn Minh chạy thẳng Hà Nội - Hà Tĩnh, những chuyến về nhà đỡ vất vả hơn vì phong cách làm việc của hãng rất văn minh, lịch sự, chạy đúng số lượng người, đúng tuyến”.

Thế nhưng, để có chiếc “vé vàng” đó, trước ngày về gần một tháng, anh Tâm phải chấp nhận đứng giữa cái rét thấu da miền Bắc xếp hàng từ 3h sáng, chen chúc lấy số thứ tự rồi lại chờ đợi đến lượt gọi tên. Ấy mà theo anh, “số” anh vẫn còn may khi số thứ tự đứng tốp đầu (số 7), chứ có anh bạn ra muộn hơn một chút mà lên đến số 767, đành phải chuyển sang đi tàu!. “Vé tết từ Hà Nội về của hãng này chỉ bán mỗi một ngày, cũng đành chịu khó thôi chứ như năm ngoái, không mua được vé Văn Minh, nhảy xe ngoài về đến nhà… chỉ còn một chiếc giày”.

Chen chúc nhau mà có vé về quê đã đỡ, có những người còn đành phải ngậm ngùi ăn tết xa quê vì lỡ chuyến vé cuối năm. Trường hợp của em Nguyễn Thị Trinh, quê Cẩm Xuyên là một trong những trường hợp như thế. Không đỗ đại học, em quyết định vào miền Nam kiếm sống để đỡ phần nào cho bố mẹ, một năm làm việc quần quật ở một nhà máy chế biến gỗ ở Bình Dương, kể cả tăng ca, tăng giờ thì tháng lương cũng chỉ vẻn vẹn 4 triệu đồng, trừ ăn uống, gửi về quê cho bố mẹ, chút giành dụm còn lại giỏi lắm cũng chỉ đủ cái vé xe về tết. Qua điện thoại, em cho biết: “Vào đây làm việc, gần như em không nghỉ ngày nào, chỉ biết chăm chăm làm việc để có tiền về tết. Thế nhưng, muốn có vé xe chất lượng cao thì phải đặt trước cả tháng, công nhân như bọn em làm gì có tiền sẵn. Bây giờ, trong bến hầu như đã hết vé về Hà Tĩnh rồi, chỉ có cách bắt xe dọc đường thôi. Không có cách nào khác, em đành ở lại ăn tết ở nhà bà con”.

Tăng chuyến, tăng “lốt” phục vụ thượng đế…

Nhà xe Hiếu Viện (TP Hà Tĩnh) thường chỉ phục vụ 15 chuyến/tháng, xuất bến Hà Tĩnh và Miền Đông (TP Hồ Chí Minh) vào các ngày chẵn âm lịch. Còn ngày Tết, nhà xe buộc phải tăng chuyến gấp đôi ngày bình thường mới đáp ứng được nhu cầu của khách. Bà Nguyễn Thị Tuyết, nhân viên bán vé cho biết: “Khách bắt đầu đặt vé từ đầu tháng 12 âm lịch, cao điểm nhất vẫn là từ ngày 20- 29 âm lịch. Đến nay, nhà xe đã “kín” vé cho đến ngày mùng 6 tháng Giêng, dù nhu cầu tăng cao thì chúng tôi vẫn nghiêm túc chạy đúng tuyến, đúng số lượng người, chứ không “nhét” khách hay bắt khách dọc đường”.

Gần như việc tăng chuyến, tăng xe là chiến lược chung của các nhà xe phục vụ Tết. Thông báo này thường được các nhà xe đăng tải trên các trang web riêng của công ty và bắt đầu “mở cửa” đặt vé trướcTết âm lịch cả tháng.

Các nhà xe tăng cuyến gấp đôi ngày thường vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân. Ảnh: laodong.com.vn
Các nhà xe tăng cuyến gấp đôi ngày thường vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân. Ảnh: laodong.com.vn

Người Hà Tĩnh làm ăn, học tập xa quê chủ yếu tập trung ở hai trung tâm thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn. Người làm ăn xa thường truyền nhau kinh nghiệm đi xe khách rằng “ngày thường đứng đường, tết vào bến”, đi xe “dù” bị ép giá, ép khách rồi còn chẳng biết tính mạng trôi về đâu trên những chuyến xe bão táp ấy. Đó là lý do, khu vực “sốt” vé vào những ngày cao điểm thường chỉ xảy ra ở những hãng vận tải có thương hiệu, uy tín như: Mai Linh, Hoàng Long, Hiếu Viện, Văn Minh… Kể cả thời gian cao điểm, những chuyến xe này vẫn chạy đúng lộ trình, đúng “lốt”, trong khi nhu cầu đi lại ngày tết tăng lên gấp đôi, gấp ba thì chuyện “cháy” vé cũng là điều bình thường.

Ông Nguyễn Xuân Bảo, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở GTVT) cho biết: “Để phục vụ đủ nhu cầu, buộc phải cho các hãng vận tải tăng chuyến, tăng “lốt” nhưng tất cả quy trình này đều phải đăng ký qua Sở. Hiện nay, tuyến Hà Nội thì mỗi nhà xe có thể phục vụ 2 chuyến/ngày, còn tuyến Sài Gòn thì có thể khuyến khích các DN có đủ điều kiện về phương tiện, người lái để “tăng bo” vào những ngày cuối cùng của năm. Về nguyên tắc chiều rộng, Bộ GTVT đã quy định cho tăng mức giá sàn không quá 60% để hợp lý giá một chiều, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Nơm nớp nỗi lo “sang khách”…

Thời điểm này, hầu hết các hãng vận tải đã “chốt” khách từ nay đến mùng 10 tháng Giêng. Dù có đắt gấp rưỡi ngày thường thì có được tấm vé chất lượng đã là hạnh phúc rồi. Để hạn chế việc “mệnh ai nấy chạy”, Sở GTVT đã giao cụ thể cho từng doanh nghiệp vận tải phải kiểm tra phương tiện, đăng ký “lốt” và mở giám sát hành trình (hộp đen) trước khi xuất bến.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: “Thực tế, vì nhu cầu đi lại quá cao và hành khách lại có tâm lý muốn được việc nên chấp nhận vô điều kiện, kể cả việc nhồi nhét khách và thỏa thuận giá không qua bến xe của nhà xe. Vấn đề này vô hình trung đã bắt tay với hành vi vi phạm pháp luật và mất an toàn giao thông”.

Các nhà quản lý không ngần ngại bày tỏ sự căng thẳng đối với việc “sang khách” đối với nhà xe vi phạm quá tải hoặc sự cố xảy ra: “Vấn đề này cơ quan chức năng hoàn toàn bị động, lúc cao điểm hoặc giữa đêm khuya không thể điều động được xe “tăng bo”. Nỗi lo này kéo dài từ những ngày áp tết đến ra tết vì các tuyến lưu thông qua địa bàn không chỉ có những hãng xe trong tỉnh. Muốn quản lý triệt để xe khách, cần có sự xâu nối đồng bộ giữa các tỉnh, còn bây giờ trong lúc bí bách nhất chúng tôi đành sử dụng phương án điều động xe buýt, đảm bảo không lỡ kế hoạch của người dân”, ông Thắng cho biết thêm.

Đã mấy năm nay, Sở GTVT phải chuẩn bị khoản tiền mặt sẵn lúc cấp bách, không có cách nào khác đành cho nhà xe “ứng tạm” để giải quyết “sang xe” cho hành khách. Phương án này phần nào “gỡ rối” cho cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp nhưng dẫu gì đây vẫn là kiểu “thả gà ra đuổi” và không bền vững.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast