

Cây cầu kênh nằm giữa thôn Yên Bình (xã Cẩm Bình, TP Hà Tĩnh) và thôn 3 (xã Cẩm Quang, Cẩm Xuyên), trên tuyến đường ĐH.131 (nối từ xã Thạch Bình đến thị trấn Cẩm Xuyên) hiện là mối lo thường trực của người dân khi lưu thông qua đây. Theo ghi nhận, cây cầu này có bề ngang chỉ vừa đủ một chiếc ô tô hoặc xe tải nhỏ di chuyển, buộc xe theo hai chiều phải nhường đường nhau. Tình trạng xuống cấp cũng rất đáng báo động khi lan can cầu đã gãy đổ ở nhiều đoạn.
Đặc biệt, việc tuyến đường ĐH.131 được đầu tư mở rộng càng khiến cây cầu cũ kỹ, nhỏ hẹp trở nên lạc lõng và "lọt thỏm" hẳn so với mặt đường mới rộng rãi. Sự chênh lệch đột ngột về bề ngang tại đây tạo ra một điểm "thắt cổ chai" nguy hiểm. Người điều khiển phương tiện vốn đang di chuyển thoải mái trên làn đường mới dễ gặp tai nạn khi đột ngột qua cầu nhỏ hẹp. Việc xử lý tình huống, đặc biệt là khi gặp xe ngược chiều trên cầu hẹp vô cùng khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ va chạm.


Nỗi lo lắng và bất an hiện hữu rõ nét trong từng lời kể của người dân. Bà Nguyễn Thị Khiển (thôn 3, xã Cẩm Quang) chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng đưa cháu đi học qua đây. Cầu vừa bé, vừa yếu, di chuyển rất sợ. Đặc biệt vào những hôm trời mưa đường trơn trượt, tôi không dám ngồi trên xe máy mà phải xuống dắt bộ, vừa đi vừa sợ ngã xuống dòng kênh sâu bên dưới, vừa nơm nớp lo những chiếc xe khác đi tới bất ngờ không kịp tránh”.
Anh Trần Văn Nam (thôn Yên Bình, xã Cẩm Bình) chỉ ra thêm một "điểm mù" khác của cây cầu: “Cầu này được xây khá cao so với mặt đường hai bên nên tầm nhìn bị che khuất hoàn toàn. Nhiều lần tôi đi gần sát cầu mới phát hiện có xe ngược chiều lao tới. May mắn là tôi và những người khác đều di chuyển rất chậm và cẩn trọng, nên tai nạn nghiêm trọng chưa xảy ra. Tuy nhiên, nếu gặp người thiếu cẩn trọng hoặc chạy nhanh, hậu quả thật khó lường”.


Người dân địa phương cho biết, đã có nhiều vụ va chạm, chủ yếu vào ban đêm hoặc lúc trời mưa do tầm nhìn hạn chế. Đã có trường hợp ô tô đâm gãy lan can, suýt lao xuống kênh. Dù chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng về người, nhưng những sự cố này khiến người dân sống quanh khu vực thấp thỏm lo sợ mỗi khi phải đi qua cây cầu này.
Cây cầu được xây dựng từ năm 2010 với quy mô phù hợp với lưu lượng giao thông thời điểm đó và đóng vai trò quan trọng kết nối Cẩm Quang, Cẩm Bình (nay thuộc TP Hà Tĩnh) cũng như bắc qua tuyến đê thủy lợi dẫn nước từ hồ Kẻ Gỗ. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ, sự phát triển kinh tế - xã hội đã khiến mật độ phương tiện trên tuyến ĐH.131 tăng mạnh.
Cây cầu không được nâng cấp, lại chịu ảnh hưởng của thời tiết và tải trọng phương tiện hằng ngày, dẫn đến sự xuống cấp không thể tránh khỏi và hoàn toàn quá tải trước lưu lượng phương tiện ngày càng gia tăng.


Người dân địa phương đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị tại các buổi tiếp xúc cử tri. Bà Hoàng Thị Lan, một người dân sinh sống gần cầu cho biết: “Bà con chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị thực trạng xuống cấp của cây cầu tới các cấp. Chúng tôi rất mong các cấp quan tâm đầu tư, tạo thuận lợi cho bà con di chuyển, đáp ứng sự phát triển ngày càng cao của địa phương”.

Trong khi chờ đợi giải pháp dứt điểm, người dân vẫn hằng ngày phải đối mặt với những bất tiện và nỗi lo khi qua lại cây cầu kênh nhỏ hẹp này. Việc sớm có giải pháp dứt điểm, xây dựng một cây cầu mới kiên cố không chỉ là mong mỏi chính đáng của người dân về sự an toàn khi lưu thông hằng ngày, giúp bà con yên tâm di chuyển, mà còn là yếu tố then chốt để giải tỏa "điểm nghẽn" giao thông, thúc đẩy giao thương và tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội.