Niềm vui trước ngày đặc xá

Những ngày gần đây, nhiều phạm nhân ở trại giam Xuân Hà (thuộc Tổng cục 8- Bộ Công an) đang sống trong cảm giác háo hức chờ đợi khoảnh khắc hạnh phúc khi được làm người tự do. Trong những đêm dài thao thức đếm thời gian chờ đợi ngày về, không ít người đã có kế hoạch tổ chức cuộc sống mới cho mình ngay sau khi tái hòa nhập cộng đồng...

Hoàn tất công tác chuẩn bị

Tính đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho lễ Công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước nhân dịp Quốc khánh 2-9 ở trại giam Xuân Hà đã hoàn tất. Theo thống kê sơ bộ ban đầu, năm nay trại có 118 trường hợp đủ tiêu chuẩn được đề nghị Hội đồng đặc xá Trung ương xem xét đặc xá. Các loại tội danh có tỷ lệ được đề nghị đặc xá cao là cố ý gây thương tích, cướp tài sản không sử dụng vũ khí và mua bán trái phép chất ma túy nhưng không nghiện ngập.

Giám thị Trại giam Xuân Hà và phạm nhân xem niêm yết công khai chủ trương, tiêu chuẩn đặc xá của Nhà nước
Giám thị Trại giam Xuân Hà và phạm nhân xem niêm yết công khai chủ trương, tiêu chuẩn đặc xá của Nhà nước

Đại tá Lê Phi Liên – Giám thị trại Xuân Hà cho biết: “ Đối tượng được đề nghị xét đặc xá phải có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như: Chấp hành tốt quy chế, nội quy của Trại, tích cực học tập, lao động; trong quá trình chấp hành hình phạt tù được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên, khi được đặc xá không làm ảnh hưởng đến ANTT và TTATXH; đã chấp hành hình phạt tù ít nhất 1/3 hoặc 1/4 thời gian chấp hành án phạt tù”.

Để làm tốt công tác đặc xá năm nay, ngoài việc huy động đông đảo CBCS tham gia các hoạt động liên quan, thì quá trình bình xét, thẩm định, niêm yết cũng diễn ra công khai, minh bạch với tinh thần quyết không để sót, không để lọt, đảm bảo sự công bằng... nên tất cả các phạm nhân, bao gồm những người được đề nghị đặc xá và những người chưa được đặc xá, đều rất hài lòng với cách làm của Ban giám thị.

Trước ngày công bố quyết định đặc xá, đơn vị cũng đã tiến hành tổ chức lớp học nhằm giáo dục cho phạm nhân nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu sắc những kiến thức cơ bản về quyền lợi và nghĩa vụ của người chấp hành xong hình phạt tù, Luật đặc xá và các kỹ năng sống khác sau khi tái hòa nhập cộng đồng.

Rưng rưng trước ngày trở về!

Biết mình có tên trong danh sách được đặc xá lần này phạm nhân Trần Văn Huy (sinh năm 1976, quê Lộc Hà) đã vui sướng đến trào nước mắt. Phạm tội giết người năm 25 tuổi, bị kết án 20 năm tù, tương lai dường như đã khép lại với Huy. Những chuỗi ngày day dứt, ân hận vì tội lỗi của mình, tình yêu thương của người mẹ, sự quan tâm của đội ngũ cán bộ quán giáo đã trở thành động lực để Huy phấn đấu trong quá trình sửa chữa sai lầm.

Phạm nhân trại giam Xuân Hà trong giờ lao động
Phạm nhân trại giam Xuân Hà trong giờ lao động

Sinh ra ở miền quê nghèo, gia đình tuy có đông anh chị em nhưng lớn lên mỗi người cũng lập nghiệp một phương. Bố mất sớm nên quê nhà giờ chỉ còn mẹ già tảo tần lam lũ. Hồi đó Huy cũng theo bạn bè đi làm phụ hồ ở Lào để đỡ bớt gánh nặng cho mẹ già, thế nhưng trong một cuộc vui cùng bè bạn, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ với một người trong nhóm, sự bồng bột của tuổi trẻ cùng với sự đưa lối của ma men đã biến Huy trở thành tội phạm giết người.

Gần 13 năm "bóc lịch" trong trại giam là khoảng thời gian dài nhưng quý giá để Huy sám hối những tội lỗi của mình. Huy cho biết: “Hiện tại tôi đang đếm từng giờ để chờ đón thời khắc được tự do, được về bên mẹ, sống trong ngôi nhà đơn sơ và ăn những bữa cơm ấm cúng do chính tay mẹ nấu. Về tương lai, tôi cũng chưa thể tưởng tượng được mình sẽ làm gì để mưu sinh vì thời gian ở tù quá lâu, nhưng nếu có thể, tôi sẽ lại tiếp tục công việc thợ hồ để kiếm thêm thu nhập cho mẹ đỡ vất vả”.

Cùng tâm trạng đó, phạm nhân Phan Thanh Long ở Đức Thọ cũng không giấu nổi sự háo hức đợi chờ. Đã từng là một công nhân có 14 năm công tác trong ngành điện, với công việc Long là người chăm chỉ, với gia đình là người chồng, người cha có trách nhiệm, yêu vợ thương con. Thế nhưng, cũng chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ, Long đã vô tình cướp đi mạng sống của một người đồng nghiệp. Bản án 6 năm tù là cái giá mà Long phải trả cho những lỗi lầm của mình; nhưng điều day dứt đối với phạm nhân này là nỗi ám ảnh của phút giây kinh hoàng hơn 3 năm về trước, là những day dứt khi chưa làm tròn trách nhiệm của một người con với bố mẹ, người trụ cột của vợ con. Long tâm sự: “Việc làm đầu tiên của tôi trước khi được về với cộng đồng là đến mộ phần thắp hương tạ lỗi cùng bố. Sau khi tôi bị bắt một thời gian ngắn, phần bị bệnh nặng, phần bị sốc nên bố tôi đã từ trần, là con trưởng mà tôi không thể một lần thắp hương cho bố kể từ ngày mất. Tôi cũng sẽ sống thật tốt để tạ lỗi với mẹ và vợ con, đặc biệt là vợ tôi, người đã động viên tôi trong những tháng ngày cải tạo, thay tôi chăm sóc gia đình”.

Chuẩn bị cho ngày tái hòa nhập cộng đồng lập nghiệp
Chuẩn bị cho ngày tái hòa nhập cộng đồng lập nghiệp

Trong những phạm nhân mà chúng tôi gặp mặt trước ngày đặc xá, ấn tượng nhất có lẽ là niềm vui, niềm hạnh phúc của phạm nhân Phan Văn Huấn (sinh năm 1980, ở Hương Sơn). Chỉ vì hành động “nghĩa hiệp” như một số phim võ thuật, trong một lần giúp bạn giải quyết mâu thuẫn với một người khác mà Huấn đã vô tình thành kẻ giết người. Mức án 9 năm tù là cái giá phải trả cho những phút giây nông nổi của người lái xe cho lâm trường khai thác gỗ Hương Sơn, đám cưới đang đến ngày cận kề cuối cùng cũng bị hủy bỏ.

Trong những ngày vướng vòng lao lý, Huấn đã được sự động viên tinh thần của gia đình, đặc biệt là tình yêu chung thủy và sâu đậm của người con gái miền sơn cước đã như liều thuốc bổ giúp Huấn lấy lại tinh thần quyết tâm cải tạo thật tốt. Không giấu nổi niềm vui Huấn cho biết: “Việc lớn trước mắt của em sau khi ra tù là cưới vợ. Tội nghiệp cô ấy đã hy sinh thời con gái để chờ đợi em trong suốt 5 năm qua. Em sẽ sống thật tốt để xứng đáng với chính sách khoan hồng của nhà nước, với tình cảm của những người thân và gia đình dành cho em và sẽ cố gắng trở thành người có ích cho xã hội”.

Mỗi người một nẻo đường phạm tội, một bản án khác nhau nhưng trong những ngày này họ đều có chung một niềm vui lớn một sự thấp thỏm chờ mong giờ phút được tự do. Những tháng ngày cải tạo, cách ly với cuộc sống bên ngoài cùng với sự giúp đỡ của những cán bộ quản giáo đã giúp họ nhận biết được lầm lỗi của mình để sửa sai. Và giờ đây sự nhân đạo của nhà nước thể hiện qua việc đặc xá, cùng với vòng tay ấm áp của những người thân sẽ giúp họ xóa bỏ mặc cảm, tự tin khi tái hòa nhập cộng đồng./.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast