Từ các điểm đấu nối trái phép, hằng ngày, nhiều xe chở hàng, vật liệu xây dựng “vô tư” chạy thẳng ra đường gây mất an toàn cho người và phương tiện lưu thông
Quốc lộ 1A tuyến tránh TP Hà Tĩnh có chiều dài 16,4 km, hai bên có hàng trăm điểm đấu nối với đường dân sinh hay các nhà máy, kho hàng, dịch vụ ăn uống ra đường chính. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kho chứa hàng, nhà hàng được cấp đất sau khi hình thành đường tránh.
Có mặt trên tuyến đường này trong bất cứ thời điểm nào cũng dễ nhận thấy, lượng người và phương tiện lưu thông trên tuyến đường này rất lớn. Điều đáng nói là dọc hai bên tuyến đường, nhiều công trình, kho hàng, quán ăn… được đấu nối thẳng ra tuyến đường tránh. Từ các điểm đấu nối này, rất nhiều xe chở hàng, vật liệu xây dựng “vô tư” chạy thẳng ra đường gây mất an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua đây.
Nhiều doanh nghiệp tự ý tháo dỡ hộ lan, đấu nối trái phép vào đường tránh 1A đoạn qua TP Hà Tĩnh
“Hàng ngày đi qua đây, lúc nào tôi cũng thấy bất an bởi đoạn đường khá hẹp, phương tiện lưu thông dày đặc trong khi có quá nhiều điểm đấu nối thẳng ra đường. Đã có nhiều vụ tai nạn xẩy ra trên tuyến đường này do người, phương tiện bất ngờ đi ra từ các điểm đấu nối trái phép” – anh Dũng, lái xe tuyến Hương Sơn – Đà Nẵng cho biết.
Theo ông Nguyễn Thanh Hoài - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ II (Bộ Giao thông – Vận tải), đến thời điểm hiện nay, ngoài 7 điểm đấu nối đã được Bộ Giao thông vận tải quy hoạch, đơn vị chỉ thực hiện thủ tục cấp phép một điểm cho cửa hàng xăng dầu tại km 6+100 và cấp giấy phép tạm cho hai đơn vị khác. Các điểm đấu nối còn lại do doanh nghiệp, cá nhân tự ý mở đều vi phạm quy định.
Công ty TNHH Thủy Châu đấu nối trái phép vào QL 1 vừa bị Cục Đường bộ 2 xử phạt vi phạm hành chính 12 triệu đồng
Theo quy hoạch, các khu vực sản xuất tập trung dọc tuyến tránh TP Hà Tĩnh phải có đường gom. Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách còn khó khăn nên đến nay, chưa có điểm nào triển khai xây dựng đường gom. Đây chính là khó khăn đối với doanh nghiệp.
Ông Phan Xuân Châu – Giám đốc Công ty TNHH Thủy Châu cho biết, mặc dù biết việc đấu nối như thế này là trái phép, làm mất an toàn giao thông, tuy nhiên, hiện tại các vùng quy hoạch này chưa có đường gom nên chưa thể đi ra đường nếu không “liều mình” vi phạm...
Theo ông Châu, các doanh nghiệp ở đây đã đầu tư hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng vào xây dựng nhà máy, kho hàng. Vì vậy, không thể đóng cửa nhà máy để ngồi chờ nhà nước xây đường gom, mà phải có giải pháp cùng chung tay giữa doanh nghiệp và nhà nước đầu tư xây dựng đường gom.
“Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã nhiều lần kiến nghị đầu tư làm đường gom từ nguồn ngân sách hoặc xã hội hóa nhưng vẫn chưa được giải quyết. Nếu không làm đường gom sớm, doanh nghiệp “buộc” phải đấu nối trái phép, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh” - ông Hoàng Trung Thông, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh cho hay.
Không có đường gom, nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dọc QL 1 tuyến tránh TP Hà Tĩnh “bất đắc dĩ” đấu nối trái phép vào đường chính
Việc không có đường gom không chỉ gây khó khăn, hạn chế cho các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh mà các địa phương trên tuyến đường tránh cũng rất ảnh hưởng khi kêu gọi, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư.
“Việc huy động ngân sách xây dựng đường gom suốt cả tuyến trong 1 lúc là điều không thể. Vì vậy, đối với vùng quy hoạch sản xuất tập trung, tỉnh nên có chính sách đầu tư phân kỳ, làm dứt điểm từng đoạn. Đây cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện cho địa phương thu hút đầu tư” - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Thạch Hà Đồng Xuân Vân nêu giải pháp.
Huyện Thạch Hà đã có quy hoạch phân khu chức năng dọc 2 bên đường tránh, tuy nhiên do chưa có đường gom nên rất khó khăn trong việc thu hút đầu tư
Trong khi việc đầu tư xây dựng đường gom trên quốc lộ 1A tuyến tránh TP Hà Tĩnh từ vốn ngân sách đang còn nhiều khó khăn, các cấp, ngành cần sớm tìm giải pháp huy động xã hội hóa nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tạo điều kiện cho doanh nghiệp an tâm đầu tư sản xuất, đóng góp phát triển kinh tế địa phương.