Đây là 1 trong những nội dung quan trọng tại Công văn 9101/BGTVT-KCHT ngày 26/9/2019 vừa được Bộ GTVT gửi đến Văn phòng Chính phủ để trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh.
Tuyến đường liên xã nối các xã Đức Long, Đức Lập cắt ngang qua đường sắt có rất nhiều phương tiện qua lại nhưng không có rào chắn, nguy cơ cao xảy ra TNGT đường sắt.
Trước đó, cử tri Hà Tĩnh đã có kiến nghị: “Đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo Bộ GTVT sớm trình Chính phủ phê duyệt theo lộ trình xóa bỏ các lối đi tự mở được quy định tại Nghị định số 65/NĐ/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại qua đường sắt đối với 1 điểm đường ngang dân sinh tại lý trình Km356+250 và xây dựng 5 vị trí giao cắt cụ thể tại lý trình Km352+590; Km353+325; Km357+420; Km358+300 và Km358+490, thiết kế dạng cống chui dân sinh cho người và phương tiện đường bộ lưu thông qua đường sắt”.
Tại văn bản trả lời cử tri, Bộ GTVT cho biết, tuyến đường sắt Hà Nội – TP. HCM đi qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh dài 70,258 km (từ Km334+000 đến Km404+258), có 28 đường ngang, trong đó có 12 đường ngang có gác, 4 đường ngang cảnh báo tự động, lắp cần chắn tự động và 12 đường ngang biển báo.
Trong năm 2019, 12 đường ngang biển báo sẽ được nâng cấp thành đường ngang cảnh báo tự động, lắp cần chắn tự động để đảm bảo an toàn cho người dân qua lại.
Nhiều đoạn đường ngang dân sinh không có rào chắn, chỉ cần một chút sơ sẩy là dẫn đến TNGT đường sắt
Đối với 24 vị trí lối đi tự mở trên tuyến đường sắt tại địa phận xã Đức Hương và xã Đức Liên (huyện Vũ Quang), trong “Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt" dự kiến: xây dựng 3,61 km đường gom, 1 đường ngang và 4 hầm chui; 1 vị trí xây dựng đường ngang tại Km356+250, 3 vị trí xây dựng hầm chui tại Km353+325, Km357+420 và Km358+490.
Riêng 2 vị trí tại Km353+325, Km358+490 có nền đường sắt là nền đắp thấp, không phù hợp để xây dựng cống chui dân sinh, sẽ xây dựng đường gom để xóa bỏ lối đi tự mở.
Như vậy, các kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh đã được cập nhật trong “Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt”.
Sau khi đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và được bố trí kinh phí, việc xây dựng đường ngang, cống chui dân sinh và đường gom để xóa bỏ các lối đi tự mở trên tuyến đường sắt quốc gia sẽ được Bộ GTVT triển khai thực hiện.