Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” hồi hương

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” của vua Minh Mạng được phía Pháp bàn giao cho đại diện phía Việt Nam, đang trên đường về nước.

Theo đại diện Cục Di sản văn hóa, thông tin thời gian chính xác cổ vật về đến Việt Nam cần được giữ kín vì lý do an ninh.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã chọn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (Bắc Ninh) hoàn tất các thủ tục tài chính về quyền lợi các bên liên quan đến ấn vàng, theo pháp luật Cộng hòa Pháp. Phía Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng sẽ lưu giữ, trưng bày ấn, đồng thời phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia bảo vệ, phát huy giá trị của bảo vật, theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Ông Nguyễn Thế Hồng, người sở hữu Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, chi 6,1 triệu Euro (hơn 153 tỷ đồng) mua ấn, dưới sự bảo trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Việt Nam.

Ông Hồng ký cam kết với Cục Di sản văn hóa sẽ chỉ chuyển giao bảo vật cho cơ quan Nhà nước khi không còn nhu cầu sở hữu, trưng bày ấn tại Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng. Chi phí chuyển giao bao gồm phí thuê luật sư đàm phán, phí mua ấn từ nhà đấu giá Millon, phí đưa ấn về nước.

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” hồi hương

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được trưng bày tại buổi lễ. Ảnh: Cục Di sản văn hóa

Sự kiện là kết quả của hơn một năm đàm phán, thực hiện các thủ tục pháp lý yêu cầu dừng đấu giá công khai ấn Hoàng đế chi bảo tại Paris, đồng thời thỏa thuận, thống nhất các yêu cầu về việc chuyển giao ấn vàng cho phía Việt Nam.

Chiều 16/11, buổi lễ chuyển giao ấn diễn ra tại Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp, trước sự chứng kiến của đoàn công tác liên ngành do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì cùng Bộ Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Công an.

Phía Việt Nam gồm Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh tổ chức UNESCO Lê Thị Hồng Vân, Cục trưởng Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền, đại diện Bộ Công an Việt Nam. Ngoài ra, đại diện Bộ Ngoại giao Pháp, đại diện UNESCO, cũng có mặt.

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” hồi hương

Một số đại biểu dự Lễ chuyển giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”. Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch - đứng thứ ba từ phải sang, bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Di sản Văn hóa (trái). Ảnh: Cục Di sản văn hóa

Hành trình hồi hương ấn vàng nhận sự quan tâm lớn của công chúng, sau khi nhà đấu giá Millon của Pháp chào bán ấn với mức 2-3 triệu euro (48 đến 72 tỷ đồng), hồi tháng 10/2022.

Sau quá trình xác minh, Cục Di sản Văn hóa khẳng định ấn vàng Hoàng đế chi bảo là thật. Các cơ quan chức năng mong muốn huy động mọi nguồn lực để đưa ấn về nước. Phương án khác được đưa ra là các cơ quan, tổ chức trong nước có thể quyên góp, tham gia đấu giá ấn, đưa về và hiến tặng cho bảo tàng.

Hãng Millon sau đó nhiều lần dời lịch đấu giá, tạo điều kiện cho phía Việt Nam có thêm thời gian thương lượng để mua lại.

Tháng 11/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo đàm phán thành công với hãng đấu giá Millon để chuyển giao ấn về Việt Nam, “trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu giữa hai bên và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Pháp”. Đại diện Bộ cho biết hồi hương ấn vàng không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, “chảy máu” ra nước ngoài, mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc.

Ông Nguyễn Thế Hồng - nhà sưu tập tư nhân ở Bắc Ninh - là người mua ấn vàng để bổ sung vào bộ sưu tập cá nhân.

Hiện vật được đặt tên Con dấu vàng quý hiếm Kim bảo tỷ của Hoàng đế Minh Mạng (1791-1841), cao 10,4 cm, nặng 10,78 kg, mặt hình vuông, kích thước 13,8x13,7 cm.

Mặt trên của ấn khắc hai dòng chữ: “Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo” (Được làm vào ngày 4/2, năm thứ 4 đời vua Minh Mạng, tức ngày 4/2/1823) và “Thập thành hoàng kim trọng nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân” (Làm bằng vàng, nặng 280 lạng, 9 chỉ, 2 phân, khoảng 10,7 kg). Đế ấn in dòng chữ “Hoàng đế chi bảo” (Báu vật của hoàng đế).

Theo cuốn Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ , ấn được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn như lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, sắc thư ban cho nước ngoài. Đại diện Cục khẳng định Hoàng đế chi bảo là ấn vàng lớn, đẹp, quý và quan trọng nhất của vương triều Nguyễn.

Bảo vật gắn với nhiều mốc lịch sử trọng đại. Chiều 30/8/1945, sau khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại trao ấn “Hoàng đế chi bảo” - được chọn trong số 200 ấn triện các loại được lưu giữ tại điện Cần Chánh và Ngự tiền văn phòng, cùng thanh bảo kiếm mà vua Khải Định (lên ngôi từ 1916 đến 1925) trao lại, cho chính quyền cách mạng tại Ngọ Môn.

Nhà sử học Trần Huy Liệu tiếp nhận bộ ấn kiếm, chuyển về Hà Nội trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945.

Tháng 12/1946, thực dân Pháp tái chiếm Hà Nội, hiện vật được đem giấu tại ngôi nhà ở làng Nghĩa Đô - vốn là xưởng in tiền của Việt Minh. Ngôi nhà bị phá hủy vào năm 1947. Ngày 28/2/1952, một tiểu đoàn của Pháp do Tiểu đoàn trưởng Toce Raymond chỉ huy, đào bới phần móng nhà để thu gạch vỡ, phát hiện hai chiếc hòm đựng bộ ấn kiếm.

Cùng năm, Pháp trao hai hiện vật cho cựu hoàng Bảo Đại, khi đó là Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam. Sự kiện diễn ra ngày 8/3/1952, được tạp chí Paris Match của Pháp ghi lại. Khi đó Bảo Đại đang ở Pháp, Đoan Huy hoàng thái hậu và bà Mộng Điệp - thứ phi của cựu hoàng - thay mặt ông tiếp nhận bộ ấn kiếm.

Năm 1953, do tình hình chiến tranh, Bảo Đại cử bà Mộng Điệp mang hai hiện vật cùng một số tư trang, giao cho hoàng hậu Nam Phương và cựu thái tử Bảo Long cất giữ.

Năm 1963, hoàng hậu Nam Phương qua đời, hiện vật được Bảo Long ký gửi trong một két sắt tại Union des Banques Européennes (Ngân hàng châu Âu). Trong tập hồi ký Le Dragon d’Annam(Con rồng An Nam, xuất bản năm 1980), bà Mộng Điệp cho biết cựu hoàng muốn dùng ấn đóng vào sách để làm tăng giá trị tác phẩm. Tuy nhiên, Bảo Long không cho mượn.

Bảo Đại kiện con trai ra tòa để đòi lại hiện vật. Tòa án tại Pháp sau đó tuyên Bảo Đại được sở hữu kim ấn, Bảo Long giữ bảo kiếm. Năm 1982, cựu hoàng kết hôn với bà Monique Baudot, người Pháp. Trước khi qua đời vào tháng 8/1997, ông để lại di chúc, trao quyền thừa kế toàn bộ tài sản của ông ở Pháp, bao gồm cả ấn cho vợ. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, năm ngoái những người thừa kế tài sản của bà mang đi đấu giá.

Theo VNE

Đọc thêm

Podcast tản văn: Thăm chùa

Podcast tản văn: Thăm chùa

Bỗng thấy lòng mình an đến lạ. Cánh đồng trong tôi đã bớt đi hoang vắng và bắt đầu gieo những mầm mới đầu tiên...
“Cày” phim - từ thú vui đến hệ lụy

“Cày” phim - từ thú vui đến hệ lụy

Việc “cày” phim xuyên đêm đã trở thành thói quen của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, đằng sau thú vui ấy là những hệ lụy khôn lường cho sức khỏe thể chất và tinh thần.
'Đội trưởng Mỹ' gây phấn khích

'Đội trưởng Mỹ' gây phấn khích

“Captain America: Brave New World” nhận nhiều phản hồi tích cực sau buổi chiếu sớm. Phim được kỳ vọng làm bùng nổ phòng vé toàn cầu sau những tuần đầu năm ảm đạm.
"Tuyết trắng màu hoa mận" trên cao nguyên Mộc Châu

"Tuyết trắng màu hoa mận" trên cao nguyên Mộc Châu

Những ngày đầu xuân mới, cao nguyên Mộc Châu khoác lên mình màu trắng tinh khôi của bạt ngàn hoa mận, báo hiệu mùa xuân về. Với hơn 3.200 ha mận trải rộng khắp các triền đồi, Mộc Châu trở thành vùng trồng mận hậu lớn nhất của cả nước. Trong dịp này, du khách từ khắp mọi miền tìm về để chiêm ngưỡng, ngắm nhìn và lưu lại những hình ảnh với hoa mận trắng muốt, tinh khôi.
Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Dọn quán bán hàng

Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Dọn quán bán hàng

Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Dọn quán bán hàng. Phối khí: NSƯT Mạnh Thắng. Đoàn nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Mùa xanh

Podcast truyện ngắn: Mùa xanh

Cầm chiếc bánh buộc lạt vuông vức do chính tay Thàn gói, đôi mắt mẹ bỗng chùng xuống, cảm giác nghẹn ngào cứ thế dâng lên. Bao lâu rồi nhà mới gói bánh chưng, hình như khoảnh khắc này mùa xuân mới về thật rồi đấy...
 Ngồi tựa song đào - Dân ca Quan họ Bắc Ninh

Ngồi tựa song đào - Dân ca Quan họ Bắc Ninh

Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Ngồi tựa song đào. Phối khí: NS Lưu Ngọc. Đoàn nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Bản tình ca Hoa Tiên

Bản tình ca Hoa Tiên

Những ngày đầu năm mới 2025, tác phẩm Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự (1743-1790) được tái bản nhằm chuẩn bị cho sự kiện tưởng niệm 235 năm Ngày mất của danh nhân - tháng 9/2025.
Con đường trở thành ca sĩ tỷ phú của Taylor Swift

Con đường trở thành ca sĩ tỷ phú của Taylor Swift

Năm 2024, Taylor Swift khép lại chuyến lưu diễn kéo dài gần 2 năm vòng quanh thế giới đạt doanh thu gần 2 tỷ USD. Đây là con số trong mơ với một nghệ sĩ biểu diễn trong thời kỳ kinh tế khó khăn.
Hát xoan Phú Thọ: Mó cá

Hát xoan Phú Thọ: Mó cá

Tiết mục hát xoan Phú Thọ "Mó cá" do các nghệ nhân dân gian phường xoan An Khái (Kim Đức, Phú Thọ) biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Tiết mục múa độc lập: Bên khung dệt

Tiết mục múa độc lập: Bên khung dệt

Tiết mục múa độc lập: Bên khung dệt. Biểu diễn: Tốp múa nữ. Đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Vui xuân ở Đình Hoa Vân Hải

Vui xuân ở Đình Hoa Vân Hải

Các hoạt động sôi nổi nhân dịp đầu xuân tại Đình Hoa Vân Hải (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) nhằm thắt chặt tình làng xóm, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua lao động sản xuất.