Bộ đội Tên lửa sẵn sàng chiến đấu tiêu diệt “pháo đài bay” B-52 của không quân Mỹ, cuối năm 1972. Ảnh tư liệu
Tầm nhìn chiến lược
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, với tư duy biện chứng, nhãn quan chính trị sắc sảo, tầm nhìn chiến lược của một thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh là chủ nhân của nhiều dự báo chính xác, nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Ngay từ năm 1962, tức là trước 10 năm, Người đã dự đoán một cách khá rõ ràng, chắc chắn: Mỹ sẽ dùng máy bay B-52 đánh vào Hà Nội.
Phi công Trung đoàn 923 thảo luận phương án chiến đấu. Ảnh tư liệu
Cách đây hơn nửa thế kỷ, B-52 là loại máy bay ném bom chiến lược hạng nặng, tầm xa, do hãng Boeing sản xuất vào năm 1954, được các nhà quân sự Mỹ hết sức ca ngợi, tin dùng, coi nó là “Pháo đài bay bất khả đối phó”. Với tầm nhìn chiến lược của một lãnh tụ về chiến tranh và kẻ thù mà dân tộc mình sẽ phải đương đầu, ngay từ năm 1962, khi đồng chí Phùng Thế Tài được trao trọng trách Tư lệnh Bộ đội phòng không, Bác đã hỏi: “Chú đã biết gì về B-25 chưa?”. Không chỉ một lần, mà sau đó nhiều lần, Người đã đề cập tới vấn đề này và yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân phải “Chuẩn bị đánh B-52”.
Cụ thể hơn, tháng 10/1967, khi tướng Phùng Thế Tài được bổ nhiệm chức vụ quan trọng là Phó Tổng Tham mưu trưởng, đặc trách cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Bác Hồ đã gọi ông đến báo cáo tình hình. Lần này, Bác nhắc lại: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị...”. Người khẳng định rõ: “Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Dân quân Đông Anh (Hà Nội) trực canh máy bay trên ngọn cây. Ảnh tư liệu
Chuẩn bị tốt mọi mặt, đánh là thắng
Hòng tìm lối thoát danh dự khi chiến dịch ném bom miền Bắc Việt Nam kéo dài vẫn không đạt như mong muốn, ngày 22/10/1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra. Quyết định này là con bài đầy toan tính về mặt chiến lược của Ních-xơn trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ. Đó là, nếu phía Việt Nam không chấp nhận những điều kiện Mỹ đưa ra trên bàn đàm phán ở Paris thì Mỹ sẽ ném bom trở lại miền Bắc với quy mô lớn hơn, rộng hơn.
Đúng như ta đã dự tính, sau khi cuộc đàm phán 4 bên bị bế tắc, không có lợi trong các điều kiện thương lượng cho phía Mỹ, Ních-xơn lập tức gửi tối hậu thư cho chính phủ ta “gia hạn” trong 72 tiếng đồng hồ, Bắc Việt Nam phải “nghiêm túc đàm phán trở lại” để tránh một cuộc ném bom lớn. Nắm chắc âm mưu của kẻ thù, Bác Hồ, Trung ương Đảng giao cho Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt, quyết tâm đánh thắng không quân Mỹ và B-52 bất cứ lúc nào.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt phương án đánh B-52 tại Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân năm 1972. Ảnh tư liệu
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp làm việc với Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, tư lệnh các binh chủng ra-đa, tên lửa, xác định phương án bảo vệ Thủ đô. Cục Tình báo, Viện Kỹ thuật quân sự, Cục Quân lực, Bộ Tư lệnh Thông tin và Liên lạc phối hợp với chuyên gia Liên Xô khai thác, cung cấp thông tin, tư liệu liên quan đến máy bay B-52, giải quyết các vấn đề về trinh sát kỹ thuật, vô tuyến, thông tin liên lạc, phục vụ chiến đấu.
Các lực lượng vũ trang được triển khai tập huấn đánh B-52 trên 5 hướng chúng bay vào Hà Nội, xây dựng thế trận phòng không 3 thứ quân vững chắc, liên hoàn, linh hoạt, rộng khắp, nhiều tầng, nhiều hướng, hạn chế tối đa thiệt hại do bom đạn không quân Mỹ gây ra. Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân điều 14 tiểu đoàn tên lửa tầm cao S-75 Dvina, 50 máy bay tiêm kích MIG và một hệ thống pháo phòng không các loại cùng 1.428 khẩu pháo, súng máy phòng không của dân quân, tự vệ; 54.000 cán bộ, chiến sỹ và dân quân tự vệ chiến đấu, phục vụ chiến đấu được huy động vào chiến dịch, tạo thành một lưới thép mạnh mẽ, dày đặc bảo vệ bầu trời Hà Nội và các vùng phụ cận.
Đặc biệt, việc ta bí mật điều 2 tiểu đoàn tên lửa phòng không 71, 72 của cụm phòng không Hải Phòng về hỗ trợ bảo vệ vòng ngoài Hà Nội đã khiến kẻ địch không kịp trở tay, bị động đối phó và chịu thất bại nặng nề khi đột nhập vùng trời Hà Nội.
Đúng như nhận định của ta, đêm 18/12/1972, đế quốc Mỹ mở chiến dịch tập kích đường không với lực lượng hàng trăm máy bay ném bom chiến lược B-52 cùng rất nhiều máy bay chiến thuật bảo vệ, nhiều sân bay, tàu chiến tối tân, hiện đại, phối hợp tác chiến đánh vào Thủ đô Hà Nội. Quân và dân chúng ta đã hoàn toàn chủ động đối phó, không bị bất ngờ, chiến đấu anh dũng, ngoan cường, giành thắng lợi vẻ vang. Ngay đêm đó, chúng ta đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ, trong đó có 3 chiếc B-52, một chiếc F111, bắt sống nhiều giặc lái.
Trong cuộc chiến 12 ngày đêm cuối năm 1972 được mệnh danh là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” đó, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc nước ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ (trong đó có 34 “pháo đài bay B-52”, 5 F111) bảo vệ an toàn mục tiêu quan trọng, hạn chế thiệt hại về người và của cải.
Các sĩ quan phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam cùng các chuyên gia Liên Xô kiểm tra xác một chiếc máy bay B-52 bị bắn rơi tại Hà Nội. Ảnh tư liệu
Chiến thắng vĩ đại 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng lịch sử đầy tự hào không chỉ của lực lượng phòng không - không quân mà còn là của thế trận chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bởi quân và dân ta đã nắm chắc tình hình, chuẩn bị chủ động về mọi mặt, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của 3 thứ quân, anh dũng, mưu trí chiến đấu, đập tan sức mạnh không lực Hoa Kỳ, đánh bại cuộc tập kích đường không quy mô lớn chưa từng có, chủ yếu bằng B-52.
Thắng lợi to lớn đó đã góp phần quan trọng buộc nhà cầm quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận trở lại bàn đàm phán, tiến tới phải ký Hiệp định Paris, cam kết “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”.