Ký ức một thời hoa lửa
Gặp cụ Cảnh vào một ngày đầu tháng 5 đầy nắng, tại ngôi nhà nhỏ ấm cúng ở tổ 7, thị trấn Thạch Hà, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và ngưỡng mộ trước phong thái nhanh nhẹn, khỏe khoắn cùng sự minh mẫn của cụ ở tuổi 92.
Nếp nhăn thời gian hằn trên khuôn mặt, nhưng khi nhắc về quá khứ hào hùng, đôi mắt người cựu thanh niên xung phong (TNXP) Nguyễn Trí Cảnh lại sáng ngời, như chắp cánh đưa chúng tôi trở về với ký ức những ngày tháng tham gia phục vụ chiến dịch, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. Cụ vẫn nhớ như in từng chặng đường hành quân, từng nhiệm vụ gian lao nhưng đầy ý nghĩa.

Cụ Cảnh bồi hồi kể: “Năm 1952, khi mới 19 tuổi, vừa cưới vợ chưa đầy một năm, tôi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, gia nhập đoàn TNXP. Đoàn chúng tôi do đồng chí Vũ Kỳ phụ trách công tác tổ chức, đã hành quân ra Bắc. Để đến được trận địa phục vụ chiến dịch, chúng tôi phải vượt qua muôn vàn gian nan, xẻ núi, băng rừng, đi bộ ròng rã hàng trăm cây số để ra đến Bắc Kạn - một trong những điểm tập kết và mở đường chiến lược quan trọng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thời gian đầu, nhiệm vụ chính của tôi và đồng đội là sửa chữa, mở mới những cung đường, đảm bảo giao thông thông suốt, giữ vững mạch máu liên lạc và vận tải cho mặt trận. Làm việc trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt: địa hình hiểm trở, núi cao, vực sâu, bom đạn địch luôn rình rập, nhưng không khó khăn, gian khổ nào làm sờn lòng được “tinh thần thép” của những người TNXP.

Với ý chí quyết tâm cao độ, chúng tôi thay nhau bám đường, làm việc không kể ngày đêm, chỉ với một mục tiêu duy nhất: giữ vững tuyến đường, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho việc vận chuyển vũ khí, lương thực chi viện kịp thời cho mặt trận. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ mở đường, chúng tôi còn được giao thêm nhiều công việc khác như chặt cây làm cột điện, tham gia dẫn giải tù binh và bất cứ công việc gì phục vụ chiến dịch đều sẵn sàng nhận lời”.
Những ngày cuối cùng trước khi chiến dịch toàn thắng, quân Pháp tại Điện Biên Phủ vẫn điên cuồng phản công, đánh phá hết sức ác liệt hòng gỡ gạc tình thế. Khoảnh khắc nghe tin quân ta đã hoàn toàn làm chủ chiến trường, giành thắng lợi vang dội vào chiều 7/5/1954, đó là giây phút thiêng liêng ăn sâu vào ký ức của người cựu TNXP Nguyễn Trí Cảnh.

Cụ Cảnh nhớ lại: "Khi đang trên đường làm nhiệm vụ, tôi cùng các anh chị em TNXP khác nghe tin báo về từ đài kiểm soát: “Điện Biên Phủ đã hoàn toàn giải phóng! Quân ta đã toàn thắng!” Cả đoàn như nghẹn lại, rồi vỡ òa trong niềm vui khôn tả.
Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, nước mắt cứ thế tuôn chảy vì sung sướng, vì tự hào. Khoảnh khắc ấy, mọi mệt mỏi, gian khổ dường như tan biến hết, chỉ còn niềm hân hoan chiến thắng và tình yêu Tổ quốc dâng trào. Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" đã ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam một mốc son chói lọi, là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của lòng yêu nước, sự quả cảm, tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất và ý chí quyết tâm vượt qua muôn vàn gian khó, hy sinh của toàn quân, toàn dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ".


Sau chiến thắng, cụ Cảnh tiếp tục làm nhiệm vụ TNXP, tham gia vào công cuộc dựng xây, khôi phục vùng giải phóng ở Thái Nguyên, trong đó có việc làm nhà, ổn định đời sống cho Nhân dân. Và trong giai đoạn này, cụ cùng nhiều đồng đội đã có cơ hội vô cùng quý giá được gặp Bác Hồ.
Cụ Cảnh kể lại: "Vào ngày 15/9/1954, chỉ ít tháng sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác Hồ đã về thăm và nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân do Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh tổ chức tại xã Tiến Bộ (nay thuộc xã La Bằng, huyện Đại Từ), Thái Nguyên. Mục đích của hội nghị là quán triệt tình hình, nhiệm vụ mới sau chiến tranh, chuẩn bị cho công cuộc hòa bình và đặc biệt là phổ biến những nhiệm vụ trước mắt của quân đội trong việc tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Tại đây, Bác đã trao đổi, căn dặn cán bộ Bộ Tổng Tham mưu và toàn thể cán bộ, chiến sĩ những điều cần làm. Tôi cùng nhiều TNXP khác có mặt trong buổi nói chuyện hôm ấy, thật sự xúc động khi được nhìn thấy Bác, nghe giọng nói ấm áp của Bác".

"Khoảnh khắc Bác trò chuyện không lâu, nhưng mỗi lời Bác nói ra đều thấm thía và khắc sâu. Tôi vẫn nhớ như in lời Bác dặn chúng tôi, những người lính, người cán bộ cách mạng: “Làm bộ đội Cụ Hồ là phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với dân; phải có kỷ luật nghiêm minh; phải giữ gìn phẩm chất, đạo đức cách mạng, không được tự mãn, kiêu căng trước thắng lợi; và quan trọng nhất là phải luôn gắn bó mật thiết, một lòng một dạ phục vụ Nhân dân”. Lời dặn ấy theo tôi suốt cuộc đời, là kim chỉ nam cho mọi hành động” - cụ Cảnh bộc bạch.
Tấm gương sáng “soi đường, chỉ lối”
Giai đoạn sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong những năm 1955 - 1957, cụ Nguyễn Trí Cảnh tiếp tục cống hiến sức trẻ qua nhiều nhiệm vụ quan trọng khác trên khắp miền Bắc, như bảo vệ thi công đường sắt ở Lạng Sơn, kiểm tra hàng hóa tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội) và bảo vệ đoàn chuyên gia Liên Xô. Đến năm 1957, người cựu TNXP Nguyễn Trí Cảnh hoàn thành nhiệm vụ, trở về địa phương bắt đầu cuộc sống đời thường.

Phát huy phẩm chất kiên cường, bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, người TNXP trở về từ chiến trường cùng vợ tảo tần sinh thành và nuôi dạy 10 người con khôn lớn, trưởng thành. Cho đến hôm nay, đại gia đình cụ Cảnh đã có hơn 120 người con, cháu, chắt - một "gia tài" vô giá mà cụ có được.
Tất cả các thành viên đều là những công dân có ích cho xã hội, nhiều người thành đạt trên các lĩnh vực khác nhau, sống mẫu mực, hiếu thảo, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của gia đình và quê hương. Có được cơ ngơi về con cháu hiếu thảo, giỏi giang như ngày hôm nay chính là minh chứng cho sự giáo dục, làm gương mẫu mực của cụ Cảnh.

Hơn 70 năm trôi qua nhưng những kỷ niệm, ký ức về những ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn luôn là những dấu ấn sâu sắc, không thể phai mờ trong cuộc đời cụ. Hàng ngày, bên ấm trà nóng hay trong những bữa cơm sum vầy, cụ vẫn kiên nhẫn kể cho con cháu, chắt nghe về một thời chiến đấu gian khổ, về những bài học xương máu từ chiến trường, về những lời căn dặn thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu, đặc biệt là về lòng biết ơn sâu sắc các thế hệ đi trước, lòng yêu nước nồng nàn và niềm tự hào dân tộc.

Bà Phan Thị Thủy (giáo viên Trường Tiểu học Thạch Long, Thạch Hà) - con dâu cụ Cảnh chia sẻ: “Cha Cảnh thực sự là một tấm gương sáng ngời về nghị lực sống, về đạo đức cách mạng cho tất cả con cháu trong gia đình noi theo, học tập. Cha là người đã truyền ngọn lửa về tinh thần yêu nước, tinh thần của thế hệ Điện Biên Phủ cho thế hệ chúng tôi.
Trong cuộc sống thường nhật, chúng tôi vẫn thường được ông kể những câu chuyện sinh động, chân thực về những năm tháng tham gia trên chiến trường, về những gian khổ, hy sinh, để chúng tôi hiểu thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc, về giá trị của độc lập, tự do ngày hôm nay. Đặc biệt, ông rất thích kể những mẩu chuyện ý nghĩa về Bác Hồ, về lần hiếm hoi được gặp Bác.
Dù là những người con lớn lên trong thời kỳ đất nước đã hoàn toàn hòa bình, thống nhất, nhưng qua những câu chuyện kể hàng ngày của cha, thế hệ chúng tôi luôn biết ơn sâu sắc và càng thêm tự hào về công lao của các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh không tiếc máu xương để giành lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho Tổ quốc”.

Đến nay, dù đã ở tuổi 92, cụ Cảnh vẫn giữ nếp sống khoa học và tinh thần lạc quan đáng ngưỡng mộ. Mỗi sáng, cụ vẫn đạp xe dạo quanh khu phố nhỏ, ghé quán cà phê quen, tự tay nấu nướng những bữa cơm đạm bạc và luôn giữ nếp nhà gọn gàng, tươm tất.
Được nghe câu chuyện về người cựu TNXP Nguyễn Trí Cảnh, chúng tôi hiểu thêm rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là mốc son chói lọi trong sử vàng dân tộc, mà còn sống mãi trong ký ức, trong tâm hồn và khí chất của những người con ưu tú đã làm nên lịch sử. Hơn 70 năm đã trôi qua, bom đạn đã lùi xa, nhưng bản lĩnh kiên cường, ý chí "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt" và tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" của một thời hoa lửa vẫn vẹn nguyên trong phong thái và nụ cười hiền hậu của cụ ở tuổi 92. Cuộc đời bình dị mà cao đẹp của cụ Cảnh là minh chứng sống động cho sự tiếp nối của tinh thần Điện Biên Phủ trong thời bình, là lời nhắc nhở sâu sắc đến thế hệ hôm nay về cội nguồn dân tộc và trách nhiệm của mỗi người trong việc gìn giữ, xây đắp tương lai đất nước trên nền tảng độc lập, tự do, hạnh phúc đã được đánh đổi bằng xương máu của các thế hệ đi trước.