Cựu binh Hà Tĩnh tự hào kể chuyện Chiến thắng Điện Biên Phủ

(Baohatinh.vn) - “Nhớ về những ngày tháng chiến đấu, tôi luôn cảm thấy tự hào khi được góp chút công sức nhỏ bé cùng đồng đội và Nhân dân làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”- cựu binh Bùi Văn Dào (94 tuổi, ở xã Hồng Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh) bày tỏ.

Video: Cựu binh Bùi Văn Dào kể chuyện Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ông Bùi Văn Dào sinh năm 1928, tại xã Hồng Lộc, Lộc Hà trong một gia đình nông dân. Lớn lên trong cảnh lầm than, nô lệ dưới ách thống trị của thực dân Pháp và chế độ phong kiến bù nhìn thời bấy giờ, ông Dào hiểu rõ giá trị to lớn của sự độc lập, tự do mà Cách mạng tháng Tám 1945 mang lại cho người dân nước Việt.

Cuối năm 1949, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ, biên chế vào Tiểu đoàn 80, Trung đoàn Bộ binh 36, Đại đoàn 308 (nay là Sư đoàn 308 Quân Tiên phong, Quân đoàn 1) trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch ở vùng Tây Bắc.

Cựu binh Hà Tĩnh tự hào kể chuyện Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cựu chiến binh Bùi Văn Dào

Ông Dào kể: “Hôm đó, tôi vừa cưới vợ được 1 tháng, hai vợ chồng đang lên núi đốn củi thì nghe tiếng tù và thổi liên hồi từ phía làng vọng lên. Biết có đợt tuyển quân mới, suốt cả buổi sáng, lòng tôi chộn rộn không yên, thi thoảng lại cứ nhìn về phía làng. Đoán biết được suy nghĩ của chồng, vợ tôi nói: “Anh muốn đi bộ đội thì cứ đi, em sẽ thay anh chăm sóc gia đình.”

Ngay buổi trưa, sau khi về nhà, tôi liền đến nơi tuyển quân đăng ký. May mắn tôi trúng tuyển, cùng đi đợt đó còn có các anh ở cùng xã: Hồ Văn Toản (thôn Thượng Phú), Phan Văn Thỏa (thôn Biên Sơn nay là Trung Sơn) và anh Phan Trọng Dữ (thôn Yến Giang)”.

Sau khi nhập ngũ, ông Bùi Văn Dào cùng đơn vị hành quân ra vùng Tây Bắc huấn luyện và tham gia chiến đấu. Đại đoàn 308 của ông liên tục tham gia các chiến dịch lớn, như: Biên giới Thu Đông (1950), Hòa Bình (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953) và đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ với chiến thắng lịch sử ngày 7/5/1954.

Cựu binh Hà Tĩnh tự hào kể chuyện Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ông Bùi Văn Dào và vợ là bà Hồ Thị Thừng đều đã ngoài 90 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn.

“Thời đó, bộ đội ta phải chiến đấu trong tình trạng thiếu thốn lương thực, vũ khí, thuốc men. Có những chiến dịch như Thượng Lào, phải hành quân hàng tháng trời, có lúc phải đào sắn hoang, rau rừng... để ăn nhưng chúng tôi luôn chiến đấu ngoan cường, bền bỉ.

Trong suốt quá trình tham gia kháng chiến chống Pháp, tôi nhớ nhất là Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đó có 2 kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi, một là lần khi đang cùng đơn vị đào giao thông hào siết chặt vòng vây cứ điểm đồi A1 thì bị trúng bom của địch bị đất vùi lấp suýt chết; hai là lúc đánh vào Mường Thanh, chứng kiến giây phút lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân ta tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy địch vào chiều 7/5/1954. Lúc đó, trong niềm vui hân hoan chiến thắng, tôi vẫn còn kịp thấy vẻ mặt thất vọng của tướng giặc Đờ Cát-xtơ-ri (De Castries) giữa tiếng hò reo của quân ta” - ông Bùi Văn Dào kể lại.

Cựu binh Hà Tĩnh tự hào kể chuyện Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tướng Đờ Cát-xtơ-ri đầu hàng trong chiều 7/5/1954. Ảnh: Tư liệu

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp bền bỉ suốt 9 năm ròng (1945-1954) của đồng bào và chiến sỹ cả nước. Tháng 10/1954, ông Dào cùng đơn vị trở về tiếp quản Hà Nội trong niềm hân hoan chào đón của đồng bào Thủ đô.

Ông Dào nhớ lại: “Những giây phút tiến vào một trong 5 cửa ô của Thủ đô, chúng tôi vô cùng hạnh phúc. Nhân dân đứng chật 2 bên đường, người cầm cờ, người cầm hoa reo hò, vẫy chào bộ đội trở về”.

Cựu binh Hà Tĩnh tự hào kể chuyện Chiến thắng Điện Biên Phủ

Các em thiếu nhi thôn Trường An say sưa lắng nghe cựu binh Bùi Văn Dào kể chuyện về Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Sau khi cùng đơn vị tiếp quản Thủ đô Hà Nội, ông Bùi Văn Dào được tham gia các lớp học tập chính trị và huấn luyện đội ngũ, thực hiện các cuộc duyệt binh...

Ngày 1/11/1955, Chính phủ và Trung ương Đảng trở về Hà Nội. Bác Hồ gặp lại đồng bào ở Quảng trường Ba Đình, nơi 9 năm về trước, Người đã đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử. Một cuộc duyệt binh mừng chiến thắng lớn đầu tiên được tổ chức ở Thủ đô Hà Nội. Tham gia duyệt binh cùng đơn vị, ông Dào may mắn và tự hào khi lần đầu tiên được nhìn thấy Bác Hồ cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng trên đoàn xe diễu hành vào quảng trường Ba Đình.

Tháng 7/1957, ông Dào ra quân. Suốt 8 năm ròng, vợ ông là bà Hồ Thị Thừng (SN 1930) một lòng thay chồng chăm sóc bố mẹ già. 2 năm sau khi trở về từ chiến trường, ông Dào và vợ vui mừng đón con trai đầu lòng, sau đó họ sinh thêm 3 người con nữa.

Từ chiến trường trở về địa phương, ông Dào tiếp tục lao động sản xuất và tham gia công tác xã hội với nhiều vai trò, như: Đội trưởng đội sản xuất thôn, cán bộ HTX sản xuất nông nghiệp Hồng Sơn...

Cựu binh Hà Tĩnh tự hào kể chuyện Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ông Bùi Văn Dào là người cao tuổi, CCB gương mẫu đi đầu trong việc vận động con cháu và người dân tích cực xây dựng NTM. Trong ảnh từ trái qua phải: Ông Diệp Thuận - Bí thư Chi bộ thôn Trường An, ông Bùi Văn Dào và ông Bùi Văn Ngọc - Chi hội trưởng Chi hội CCB.

Đến nay dù đã 94 tuổi nhưng ông Bùi Văn Dào vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Ông vẫn thường xuyên tham gia sinh hoạt trong Hội CCB, Hội Người cao tuổi của xã. Những ngày này, khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 68 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2022), các em thiếu nhi thôn Trường An lại háo hức nghe ông Dào kể lại lịch sử Điện Biên qua những trận đánh hào hùng mà ông và đồng đội đã từng tham gia.

Ông Bùi Văn Dào là một hội viên Hội CCB gương mẫu trong lối sống, một bậc cao niên luôn tích cực động viên con cháu tham gia xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, thông qua những câu chuyện lịch sử về Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông đã truyền nhiệt huyết, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ địa phương.

Ông Bùi Văn Ngọc - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Trường An

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Thăm nhà thờ liệt sĩ Lý Tự Trọng

Thăm nhà thờ liệt sĩ Lý Tự Trọng

Nhà thờ liệt sĩ Lý Tự Trọng ở xã Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh) là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Ý chí tự lực, tự cường của đồng chí Lý Tự Trọng

Ý chí tự lực, tự cường của đồng chí Lý Tự Trọng

Phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là nội dung quan trọng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, Người đã truyền thụ tinh thần tự học, sự chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện của cách mạng đến với toàn Đảng, toàn dân và trực tiếp đến những người học trò của mình, trong đó có đồng chí Lý Tự Trọng.