“Lúc khó khăn nhất, tôi lại nhớ những ngày chiến đấu gian khổ bên đồng đội để nỗ lực vượt qua”

(Baohatinh.vn) - 20 năm tham gia chiến đấu khắp các chiến trường đánh Mỹ, hơn 30 năm làm công tác địa phương, ông Nguyễn Song Hào - Bí thư Chi bộ thôn Đồng Phú, xã Kỳ Đồng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) luôn tự hào vì đã cống hiến cho quê hương, đất nước trên nhiều mặt trận.

Bao nhiêu bức thư gửi đi cũng không theo kịp những chuyến hành quân thần tốc

Video: Bà Nguyễn Thị Thanh Lế kể về những ngày là hậu phương.

“Năm 1974, tranh thủ trên đường ra nhận quân ở Thanh Hóa, ông ấy xin 7 ngày phép tranh thủ để ghé về quê cưới vợ. Sau đó 2 năm, ông biền biệt khắp các chiến trường miền Nam mà không hề có tin tức về nhà. Bao nhiêu bức thư gia đình gửi đi cũng không theo kịp những chuyến hành quân thần tốc của đơn vị.

Bởi vậy, đến ngày chiến thắng, được về thăm nhà, ông ấy mới biết mình đã có một cậu con trai. Còn 2 đứa con: 1 trai, 1 gái sau đó cũng là kết quả của những lần về phép trên đường công tác. Thời trai trẻ của ông cứ thế theo đơn vị từ Nam ra Bắc, sau ngày hòa bình, đơn vị của ông lại đóng ở tận Bắc Giang. Năm 1987, khi tôi bị ốm, sức khỏe yếu, ông phải xin ra quân về quê” - bà Nguyễn Thị Thanh Lế, vợ ông Hào kể lại.

“Lúc khó khăn nhất, tôi lại nhớ những ngày chiến đấu gian khổ bên đồng đội để nỗ lực vượt qua”

Vợ chồng ông Nguyễn Song Hào cũng ôn lại những kỷ niệm chiến trường.

Ông Nguyễn Song Hào sinh năm 1947, trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bố ông là đảng viên, từng tham gia hoạt động cách mạng. Học giỏi từ nhỏ và năng nổ tham gia các hoạt động nhà trường, năm 19 tuổi, ông đã làm Đội trưởng Đội sản xuất HTX Nông nghiệp Phú Hà, xã Kỳ Phú (khi thành lập xã Kỳ Đồng thì HTX thuộc xã Kỳ Đồng).

“Lúc khó khăn nhất, tôi lại nhớ những ngày chiến đấu gian khổ bên đồng đội để nỗ lực vượt qua”

Những kỷ vật gối đầu giường những năm tháng trong quân ngũ được ông Hào gìn giữ.

Đầu năm 1967, ông Hào nhập ngũ, là người con trai thứ 2 trong gia đình lên đường đánh Mỹ (trước đó anh trai ông là Nguyễn Viết Hùng nhập ngũ từ năm 1964 và em trai là Nguyễn Văn Liệu nhập ngũ năm 1973).

“Bố là đảng viên, mẹ làm cán bộ phong trào ở cơ sở, 3 anh em tôi lần lượt vào chiến trường đánh Mỹ với lời động viên từ gia đình rằng: các con phải một lòng vì đất nước. May mắn là cả 3 anh em chúng tôi dù có bị thương nhưng đều còn sống và trở về sau ngày chiến thắng” - ông Hào xúc động chia sẻ.

“Lúc khó khăn nhất, tôi lại nhớ những ngày chiến đấu gian khổ bên đồng đội để nỗ lực vượt qua”

Những tấm ảnh lưu giữ tuổi trẻ của ông Hào cùng gia đình, đồng đội.

Trải qua nhiều gian khổ, hy sinh trên các chiến trường, ký ức sâu đậm nhất của ông vẫn là những ngày tham gia đoàn quân tiến vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam. Đặc biệt là những cuộc giao tranh ác liệt trong trận Thượng Đức (tỉnh Quảng Nam) - một tiểu đồn quan trọng được địch xây dựng hệ thống phòng thủ liên hoàn vững chắc.

Lúc đó, ông Hào là Đại đội phó Đại đội 12, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2. “Trận Thượng Đức kéo dài từ cuối tháng 7 đến cuối năm 1974 với nhiều trận đánh ác liệt. Tôi đã chứng kiến nhiều đồng đội, đồng chí hy sinh, trong đó, nhiều người còn rất trẻ, mới được điều động vào chiến trường”.

Bản thân ông Hào cũng bị thương trong trận đánh này nhưng nhờ vết thương nhẹ nên vẫn tiếp tục cùng đơn vị tiến quân qua sông Thu Bồn, giải phóng vùng B Đại Lộc (Quảng Nam). Tiếp đó, từ tháng 3/1975, ông được giao nhiệm vụ Đại đội trưởng Đại đội 8, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304, tham gia chiến dịch giải phóng Đà Nẵng rồi đến chiến dịch Hồ Chí Minh.

“Lúc khó khăn nhất, tôi lại nhớ những ngày chiến đấu gian khổ bên đồng đội để nỗ lực vượt qua”

Cựu chiến binh Nguyễn Song Hào luôn tự hào đã góp phần nhỏ bé trong cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam. Ảnh tư liệu: Xe tăng quân giải phóng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975.

Kể về ngày toàn thắng, ông Hào cho biết, sau khi tham gia giải phóng thị xã Hàm Tân (Phan Thiết) vào ngày 18/4/1975, đơn vị ém quân tại đồn điền cao su ở Đồng Nai để chuẩn bị hội quân giải phóng Sài Gòn.

Tối 29/4, Đại đội 8 cùng các lực lượng khác vượt cầu Sài Gòn để tiến sâu vào sào huyệt của địch. Sáng 30/4, sau khi đánh chiếm tổng kho Long Bình (kho vũ khí nằm ở Biên Hòa - Đồng Nai, cách Sài Gòn khoảng 20 km về phía Đông) thì nắm được thông tin các cánh quân của ta đã vào đánh chiếm Dinh Độc Lập nên đơn vị dừng lại cắm cờ giải phóng tại đây.

“Đó là những ngày tuổi trẻ hăng hái lên đường với khát khao cháy bỏng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, gác lại hạnh phúc riêng tư. Tôi cũng nằm trong số đó, cưới vợ xong là bôn ba trên các chiến trường. Lần trở về đầu tiên sau ngày cưới khi con trai đầu lòng đã tròn 2 tuổi; phải cố gắng lắm mới làm quen được với con thì cũng vừa hết mấy ngày phép ngắn ngủi” - ông Hào trải lòng.

“Lúc khó khăn nhất, tôi lại nhớ những ngày chiến đấu gian khổ bên đồng đội để nỗ lực vượt qua”

Niềm vui tuổi già của người cựu binh.

Sau ngày miền Nam giải phóng, ông Hào được điều động làm trợ lý pháo binh Trung đoàn 24, Quân đoàn 2, sau đó được cử đi học bổ túc chương trình cán bộ tiểu đoàn và được giữ lại công tác ở Trường Quân chính, Quân đoàn 2. Năm 1979, Quân đoàn 2 tham gia chiến tranh biên giới, ông cùng Bộ Tư lệnh Quân đoàn đóng quân ở phố Vôi, tỉnh Bắc Giang và công tác tại đây cho đến năm 1987 thì ra quân trở về địa phương với quân hàm đại úy.

Còn sức còn cống hiến cho quê hương

Năm 1988, CCB Nguyễn Song Hào bắt đầu tham gia công tác tại địa phương và được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ 2 và 3 (chi bộ ghép). “Ngày đó, nhà văn hóa thôn chưa có; đại hội chi bộ đầu tiên được tổ chức tại nhà riêng của tôi” - ông Hào chia sẻ.

Từ đó đến nay, đã hơn 30 năm ông Nguyễn Song Hào gắn bó với công việc của địa phương ở nhiều vị trí khác nhau: bí thư chi bộ, thôn trưởng, chủ tịch Hội CCB xã…

“Lúc khó khăn nhất, tôi lại nhớ những ngày chiến đấu gian khổ bên đồng đội để nỗ lực vượt qua”

Những năm chưa có nhà văn hóa thôn, nhiều cuộc đại hội chi bộ được tổ chức tại nhà ông Hào (bìa phải). Ảnh tư liệu

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Nhân dân yêu mến, tin tưởng, CCB Nguyễn Song Hào đã học tập và làm theo Bác Hồ về sự gần gũi Nhân dân để từ đó nói cho dân nghe, làm cho dân hiểu, đặc biệt là trong mọi việc lớn nhỏ đều phải để dân được biết, được bàn, được thực hiện và kiểm tra, giám sát.

“Lúc khó khăn nhất, tôi lại nhớ những ngày chiến đấu gian khổ bên đồng đội để nỗ lực vượt qua”

Khuôn viên nhà văn hóa thôn Đồng Phú luôn thắm sắc xanh.

Giai đoạn thử thách nhất là vào năm 2019, khi thôn Đồng Phú được xã giao nhiệm vụ phấn đấu đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu thì khối lượng công việc rất lớn. Nhờ cách lãnh đạo, chỉ đạo khoa học, bài bản của người cựu binh; sự tâm huyết, nêu gương trong mọi công việc của Bí thư chi bộ Nguyễn Song Hào, người dân thôn Đồng Phú đã hoàn thành kế hoạch đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu và hiện đang tiếp tục phấn đấu hoàn thành xây dựng khu dân cư NTM nâng cao.

“Lúc khó khăn nhất, tôi lại nhớ những ngày chiến đấu gian khổ bên đồng đội để nỗ lực vượt qua”

Khu vườn mẫu của gia đình ông Hoàng Xuân Mạnh cho thu nhập ổn định.

Từ năm 2019 đến nay, Đồng Phú đã xây dựng mới hơn 1,2 km đường bê tông, rải thảm 270m, làm rãnh thoát nước hơn 500m, láng lề đường hơn 3,6 km, trồng và chăm sóc 1,5 km hàng rào xanh, cải tạo nhiều vườn tạp, phát triển vườn hộ, vườn mẫu.

Thôn đã xây dựng được 12 vườn mẫu có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; phát triển 50 mô hình nuôi ong lấy mật. Đời sống Nhân dân trong thôn từng bước được nâng cao; đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 1,9%.

Ông Hoàng Xuân Mạnh - một người dân trong thôn, cho biết: "Bí thư Hào rất tâm huyết với việc xây dựng vườn mẫu, phát triển mô hình mới. Vừa làm trước, vừa vận động bà con làm theo, cách làm này của người đứng đầu thôn khiến bà con luôn đặt trọn niềm tin”.

Hai năm gần đây, vừa lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, vừa là người “đứng mũi chịu sào” trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 của thôn, ông Hào thêm phần vất vả. Lo lắng cho sức khỏe của chồng, có lúc vợ ông bàn ông xin nghỉ ngơi vì tuổi cũng đã cao, nhưng vì “cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ, bà con nhân dân tín nhiệm, yêu mến nên tôi vừa động viên bà, vừa cố gắng chu toàn công việc. Những lúc vất vả, khó khăn nhất, tôi lại nhớ đến những ngày tháng chiến đấu gian khổ, hy sinh mà mình và đồng đội đã trải qua, nhớ những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống, mọi khó khăn hiện tại tự nhiên trở thành nhỏ bé” - ông Hào tâm sự.

Là một cựu chiến binh cao tuổi, đứng đầu một chi bộ có số đảng viên đông nhất ở Đảng bộ xã Kỳ Đồng (49 đồng chí), trong đó nhiều đảng viên là lãnh đạo xã, cán bộ các cơ quan về hưu ở trên địa bàn, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Phú Nguyễn Song Hào luôn gương mẫu, chuẩn mực trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như trong tác phong, đạo đức, lối sống, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân tin yêu, mến phục. Ông đã có nhiều cống hiến cho phong trào của địa phương, được cấp ủy, chính quyền trân trọng và ghi nhận.

Ông Nguyễn Anh Hoan - Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Đồng

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Chủ đề CHIẾN THẮNG 30/4 VÀ QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5

Đọc thêm

Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Với tâm huyết, nỗ lực của các thế hệ cán bộ, giáo viên, 20 năm qua, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã vượt qua khó khăn, từng bước khẳng định chất lượng trong sự nghiệp GD&ĐT.
Gieo "hạt giống" yêu thương

Gieo "hạt giống" yêu thương

Khi gieo vào lòng trẻ thơ những “hạt giống” yêu thương sẽ góp phần hình thành nên những con người tử tế, biết sẻ chia và có trách nhiệm với cộng đồng.
Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.