Những sự kiện thế giới đáng nhớ trong ngày 30-4

Những sự kiện, nhân vật đáng nhớ trên thế giới trong ngày 30-4.

nhung su kien the gioi dang nho trong ngay 30 4

Ngày 30-4-1948 là ngày thành lập Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS). (Nguồn: Caribbean 360)

* Sự kiện

- Ngày 30-4-1900: Haiti trở thành một vùng lãnh thổ của Mỹ.

- Ngày 30-4-1909 Quốc khánh của Hà Lan.

- Ngày 30-4-1934: Chế độ độc tài phátxít được thành lập ở áo do Engelbert Dollfuss đứng đầu.

- Ngày 30-4-1945: Adolf Hitler và vợ mới Eva Braun tự sát trong một boongke ở Berlin.

- Ngày 30-4-1948: Thành lập Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS).

Tổ chức các nước châu Mỹ được thành lập tại Hội nghị liên Mỹ lần thứ 9 ở Bogotá, Colombia với sự tham dự của 21 quốc gia nhằm thay thế Liên hiệp quốc tế các nước châu Mỹ ra đời cuối thế kỷ XIX. Đây là tổ chức quốc tế lâu đời nhất của các quốc gia trong cùng một khu vực.

Mục tiêu của OAS là hòa bình và công bằng, thúc đẩy đoàn kết và tăng cường sự hợp tác trong khối, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như sự độc lập của các nước trong khối. Hiện OAS có 35 thành viên với 8 kỳ Hội nghị Thượng đỉnh đã được tổ chức. Hội nghị Thượng đỉnh OAS lần thứ 8 vừa diễn ra tại Lima (Peru) từ 13-14/4/2018.

- Ngày 30-4-1953:

Đảng Tiến bộ nhân dân giành thắng lợi trong cuộc bầu cử đầu tiên tại Guyan thuộc Anh.

- Ngày 30-4-1955:

Công bố việc tìm ra nguyên tố thứ 101 Medelevium.

Các nhà khoa học của Trường đại học tổng hợp California, Berkeley (Mỹ) là Albert Ghiorso, Bernard Harvey, Gregory Choppin, Stanley Thompson và Glenn Seaborg đã tìm ra nguyên tố thứ 101 và đặt tên cho nó là Medelevium (Md) để tưởng nhớ người đã có công phát minh ra bảng phân loại tuần hoàn Mendeleyev.

Nhóm này đã tạo ra Md258(chu kỳ bán rã 87 phút) khi họ bắn phá hạt nhân Es253 bằng các hạt anpha (hạt nhân hêli) trong máy cyclotron 60 inch. Nguyên tố 101 này là nguyên tố siêu urani thứ 9 được tổng hợp.

- Ngày 30-4-1973:

Tổng thống Mỹ Richard Nixon xuất hiện trên truyền hình và thừa nhận trách nhiệm về vụ Watergate.

- Ngày 30-4-1991:

Xoáy lốc ở Bangladesh làm 125.000 người thiệt mạng.

- Ngày 30-4-1995:

Tổng thống Mỹ Bill Clinton chấm dứt các hoạt động thương mại và đầu tư với Iran, khi cáo buộc chính phủ Iran ủng hộ lực lượng khủng bố.

- Ngày 30-4-1997:

Một cầu hàng không bắt đầu việc chuyên chở những người tị nạn Rwanda trốn chạy ở Daia về nước.

- Ngày 30-4-1998:

Lực lượng nổi dậy li khai kí Hiệp định ngừng bắn lâu dài với chính phủ Papua New Guinea, kết thúc 9 năm nổi dậy tại đảo Bougainville.

- Ngày 30-4-2000:

Poul Hartling, cựu Thủ tướng Đan Mạch, Cao uỷ của LHQ về người tị nạn năm 1978, người đoạt giải thưởng Nobel Hoà bình năm 1981, qua đời.

- Ngày 30-4-2002:

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe tuyên bố “thảm hoạ quốc gia” trên toàn quốc, khi cuộc khủng hoảng lương thực ở nước này có nguy cơ khiến hàng nghìn người chết đói.

- Ngày 30-4-2003:

Libya nhận trách nhiệm về vụ đánh bom một chuyến bay của Hãng Hàng không Pan Am trên bầu trời Lockerbie (Scotland) hồi năm 1998 làm 259 người trên máy bay và 11 người trên mặt đất thiệt mạng.

- Ngày 30-4-2004:

EU tiến hành đợt mở rộng lớn nhất trong lịch sử 47 năm của EU khi kết nạp 10 nước thành viên mới là: Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Lítva, Ba Lan, Slovakia, Slovenia, Síp và Manta; đưa dân số của EU lên 450 triệu người.

- Ngày 30-4-2006:

Hạ viện Nepal (Quốc hội) nhất trí thành lập Hội đồng lập hiến để xem xét lại hiến pháp năm 1990 đã trao cho Quốc vương nước này quá nhiều quyền lực, trong đó có cả việc nắm quân đội và chính phủ; đồng thời thuyết phục "Quân đội giải phóng nhân dân" ngồi vào bàn đàm phán và từ bỏ các cuộc xung đột chống chính phủ kéo dài 10 năm qua đã làm hơn 12.500 người thiệt mạng.

- Ngày 30-4-2007:

Ủy ban điều tra của chính phủ Israel công bố báo cáo sơ bộ cuộc điều tra về cuộc chiến tranh 34 ngày ở Libăng. Trong đó khẳng định Thủ tướng Ehud Olmert, Bộ trưởng Quốc phòng Amir Peretz và cựu Tham mưu trưởng Dan Halutz phải chịu trách nhiệm về thất bại nặng nề của cuộc chiến tranh năm 2006 này.

- Ngày 30-4-2008:

Sau hơn 60 năm được thành lập, Trung tâm Theo dõi quốc tế, kho tư liệu lớn nhất thế giới về Đức Quốc xã, được mở cửa cho công chúng vào tham quan.

- Ngày 30-4-2009:

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo trên trang Web của tổ chức này về việc qui ước tên khoa học của chủng virút cúm đang có nguy cơ gây “đại dịch” trên thế giới là virút cúm A/H1N1, chứ không phải là cúm lợn.

- Ngày 30-4-2009:

Anh chính thức chấm dứt sứ mệnh chinh chiến ở Irắc sau hơn 6 năm tham chiến.

- Ngày 30-4-2010:

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Mỹ và Nga đã hoàn tất các cuộc đàm phán về 3 phụ lục liên quan Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới nhằm cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mỗi bên.

Trong một thông báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley cho hay 3 phụ lục này bao gồm thông tin kỹ thuật và các thủ tục chi tiết được sử dụng trong cơ chế kiểm chứng START mới. Văn bản các phụ lục, đã được hai bên trao cho nhau tại Moskva ngày 30-4, sẽ "làm rõ các tiến trình thực hiện hoạt động thanh tra và trao đổi thông tin được đo lường từ xa". Các phụ lục này sẽ được trình lên quốc hội mỗi nước để thông qua.

- Ngày 30-4-2011:

Hạ viện Nhật Bản đã thông qua ngân sách khẩn cấp trị giá 4.000 tỷ yên (tương đương 48,5 tỷ USD) dành cho công cuộc tái thiết sau trận siêu động đất - sóng thần vừa qua. Đây là ngân sách chi cho hoạt động công cộng lớn nhất của đất nước Mặt trời mọc trong vòng 6 thập kỷ trở lại đây.

Ngân sách này dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 2-5 nếu được Thượng viện Nhật Bản bỏ phiếu thông qua. Nghị sỹ các đảng đối lập kiểm soát Thượng viện cho biết họ sẽ ủng hộ đợt giải ngân đầu tiên này để chi trả cho các công việc như dọn dẹp những đống đổ nát tại khu vực Đông Bắc, nơi bị ảnh hưởng nặng nề trong thảm họa kép nói trên, và xây dựng các căn nhà tạm cho những người bị mất nhà cửa. Tuy nhiên, ngân sách khẩn cấp này vẫn chưa thấm tháp gì so với tổng thiệt hại ước tính khoảng 300 tỷ USD do trận động đất và sóng thần gây ra, vì vậy, có thể sẽ được bổ sung thêm các gói kinh phí tái thiết khác.

- Ngày 30-4-2012:

Tại Mỹ, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Mỹ và Philíppin tiến hành phiên họp chung đầu tiên, nhằm thảo luận các vấn đề an ninh, bao gồm cả kế hoạch tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Philíppin. Hai bên ra tuyên bố chung nhấn mạnh hai nước sẽ hợp tác xây dựng các khả năng đảm bảo an ninh biển của Philíppin. Mỹ sẽ chuyển giao chiếc tàu thứ hai cho lực lượng hải quân Philíppin trong năm nay.

- Ngày 30-4-2012:

Tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc phóng thành công hai vệ tinh thứ 12 và 13 thuộc tổ hợp vệ tinh dẫn đường và định vị toàn cầu Bắc Đẩu của nước này. Đây là lần đầu tiên nước này phóng thành công đồng thời hai vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu ở hai quỹ đạo tầm cao và tầm trung, trên cùng một tên lửa đẩy “Trường Chinh 3B”. Hai vệ tinh này có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao độ chính xác của hệ thống vệ tinh dẫn đường trong phạm vi phủ sóng.

- Ngày 30-4-2012:

Tại bang Átxam, Đông Bắc Ấn Độ, một chiếc phà hai tầng chở khoảng 350 hành khách, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, đang trên hành trình từ Đubri tới huyện Phakigangian thì gặp bão lớn. Chiếc phà bị vỡ làm hai phần và đắm trên sông Bramaputra, làm ít nhất 105 người thiệt mạng và khoảng 100 người mất tích. Hơn 140 người được cứu và đưa tới nơi an toàn. Đây có thể là một trong những vụ tai nạn nghiêm trọng nhất ở khu vực Nam Á thời gian gần đây.

- Ngày 30-4-2013

: Với tỷ sít sao 29 phiếu thuận và 27 phiếu chống, Quốc hội CH Síp đã thông qua thỏa thuận về gói cứu trợ trị giá 10 tỷ euro (tương đương 13,1 tỷ USD) đạt được với Liên minh Châu Âu (EU), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Thỏa thuận đạt được giữa Síp và nhóm "Bộ ba" gồm EU, IMF và ECB đề ra một chương trình cải cách kinh tế cho Síp với quy mô tài chính lên tới 23 tỷ euro, trong đó 10 tỷ euro do EU, IMF và ECB cung cấp, số còn lại Síp phải tự trang trải bằng cách tái cơ cấu các ngân hàng lớn, cắt giảm các khoản tiền gửi không bảo hiểm, tư hữu hóa, giảm chi tiêu công, tăng thuế, bán vàng dự trữ và tái cơ cấu khoản tín dụng nhận được.

- Ngày 30-4-2013:

Thái tử Hà Lan Willem Alexander đã trở thành vị Quốc vương trẻ nhất châu Âu sau khi mẹ ông là Nữ hoàng Beatrix thoái vị. Quốc vương Willem Alexander 46 tuổi, là vị Vua đầu tiên của Hà Lan kể từ năm 1890 và cũng là người đầu tiên giữ ngôi vị này trong làn sóng mới gồm các vị vua tương đối trẻ ở châu Âu. Theo kế hoạch, ông sẽ tuyên thệ nhậm chức tại nhà thờ Nieuwe Kerk vào tối nay theo giờ Việt Nam trước khi diễn ra phiên họp chung của 2 viện Quốc hội.

- Ngày 30-4-2014:

EU và Cuba bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên.

Sau hơn 10 năm đình chỉ quan hệ ngoại giao, ngày 30-4-2014, EU và Cuba bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên về “Thỏa thuận đối thoại chính trị và hợp tác”. Kể từ đó, sau gần 2 năm nỗ lực với 7 vòng đàm phán chính thức, ngày 11-3-2016, Cuba và EU đã ký “Thỏa thuận đối thoại chính trị và hợp tác”, đây được coi là bước đi bình thường hóa quan hệ song phương giữa Cuba và EU.

Hiện tại EU là đối tác thương mại thứ hai, nhà đầu tư lớn nhất và thị trường du lịch lớn thứ ba của “Hòn đảo tự do”. Trao đổi thương mại của EU với Cuba đạt giá trị hơn 2 tỷ euro, trong đó xuất khẩu Cuba đạt 462 triệu euro. Năm 2016, EU đã viện trợ phát triển cho Cuba 10 triệu euro.

- Ngày 30-4-2015:

Núi lửa Calbuco ở Chile hoạt động trở lại.

Vào lúc 13 giờ (giờ địa phương), núi lửa Calbuco ở miền Nam Chile đã tiếp tục phun những cột tro bụi hình nấm đen khổng lồ cao tới 20 km.

Ngay lập tức chính phủ Chile đã ban bố tình trạng khẩn cấp và yêu cầu sơ tán tất cả người dân trong vòng bán kính 20 km. Tính đến ngày 2-5, núi lửa Calbuco đã phun 210 triệu m3 tro bụi và gây thiệt hại đáng kể tới nhà cửa, chăn nuôi và đất đai của người dân trong vùng.

Núi lửa Calbuco, nằm khu vực Los Lagos cách thủ đô Santiago của Chile 1.400 km về phía Nam. Đây là một trong ba ngọn núi lửa nguy hiểm nhất trong số 90 núi lửa vẫn đang hoạt động của Chile.

- Ngày 30-4-2016:

Quân đội Iraq thông báo đã giải phóng thị trấn chiến lược Bashir tại tỉnh Kirkuk từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Truyền thông địa phương cho biết dưới sự hỗ trợ của máy bay chiến đấu, quân đội đã tấn công các phần tử khủng bố từ ba hướng và chiếm lại thị trấn Bashir. Ngoài ra, các lực lượng an ninh Iraq đã làm tiêu hao nhiều sinh lực của IS tại các khu vực xung quanh thị trấn chiến lược này. Quân đội cũng đã giành lại quyền kiểm soát làng Mo"amareh ở gần thị trấn Bashir.

- Ngày 30-4-2016:

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, Vietnam Airlines lần đầu tiên đưa vào khai thác “siêu máy bay” thân rộng thế hệ mới nhất Boeing 787-9 Dreamliner trên đường bay Hà Nội - Bắc Kinh và ngược lại, nhằm mục đích đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao đồng thời khẳng định thương hiệu và chất lượng sản phẩm vượt trội của công ty tại thị trường Trung Quốc.

Vietnam Airlines hiện khai thác đường bay Hà Nội-Bắc Kinh với tần suất 5 chuyến/tuần, trong đó có 3 chuyến/tuần khai thác bằng máy bay Boeing B787-9 Dreamliner vào các ngày thứ Ba, thứ Sáu và Chủ Nhật; 2 chuyến/tuần khai thác bằng máy bay Airbus A321 vào thứ Tư và thứ Bảy. Ngoài ra, Vietnam Airlines còn tham gia khai thác các đường bay đi và đến 15 thành phố tại Trung Quốc với tần suất trung bình hơn 200 chuyến/tuần.

Trước đó, ngày 1-4, Vietnam Airlines cũng đưa “siêu máy bay” Airbus A350-900 XWB vào khai thác trên đường bay Thành phố Hồ Chí Minh - Thượng Hải và ngược lại với tần suất 1 chuyến/ngày.

- Ngày 30-4-2017:

Cố vấn an ninh quốc gia hai nước Mỹ và Hàn Quốc tái khẳng định không có sự thay đổi trong thỏa thuận về việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), theo đó Chính phủ Hàn Quốc cung cấp địa điểm và các phương tiện hỗ trợ, trong khi Mỹ chịu phần chi phí triển khai, vận hành và bảo trì THAAD.

THAAD gồm 6 bệ phóng di động, 48 thiết bị đánh chặn, 1 radar AN/TPY-2 và bộ phận kiểm soát hỏa lực và thông tin liên lạc. THAAD có khả năng đánh chặn và phá hủy tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong giai đoạn cuối cùng của hành trình bay.

* Nhân vật

- Ngày 30-4-1777:

Ngày sinh nhà toán học nổi tiếng người Đức Carl Friedrich Gauss.

Gauss sinh tại Brunswick (Đức). Ông từng theo học tại Đại học tổng hợp Gottingen (Hanover) và có bằng Tiến sĩ Toán học tại đây với luận văn về lý thuyết phương trình. Ông được coi là một trong những nhà toán học vĩ đại nhất thế giới với những đóng góp trong lĩnh vực lý thuyết số, hình học, lý thuyết xác suất, lý thuyết hàm số, thiên văn học, điện từ học...

Những nghiên cứu của ông trong lĩnh vực toán học đã góp phần tạo nên nền tảng của Đại số lý thuyết và lý thuyết số. Tên ông được đặt tên cho đơn vị đo cường độ từ trường - Gauss. Năm 1807, ông được bổ nhiệm là Giáo sư toán học và giám đốc Đài quan sát thiên văn Gottingen. Ông đã giữ chức vụ này liên tục 48 năm cho đến khi ông mất ngày 23-2-1855.

- Ngày 30-4-1833:

Ngày mất Họa sĩ người Pháp Édouard Manet.

Bằng tài năng đặc biệt và sự cảm nhận tuyệt vời, Édouard Manet đã để lại cho đời 420 tác phẩm vô cùng ấn tượng, gồm đủ các thể loại, từ sơn dầu đến các bức hội họa màu nước. Các tác phẩm của ông thường đề cập đến những đề tài hết sức bình dị trong cuộc sống đời thường như: những người ăn xin già, trẻ em lang thang, những cảnh đấu bò ở Tây Ban Nha…

Đặc biệt, bức tranh “Bữa ăn trưa trên cỏ” và “Nàng Olympia”… được giới hội họa đánh giá là bước ngoặt quan trọng của nghệ thuật hội họa phương Tây cuối thế kỷ 19-đầu thế kỷ 20, mở đầu cho trường phái hội họa ấn tượng. Ngày nay, những tác phẩm ấy vẫn chinh phục được công chúng yêu mỹ thuật khắp thế giới và trở nên vô giá.

- Ngày 30-4-1916:

Ngày sinh “cha đẻ của lý thuyết thông tin" Claude Shannon.

Shannon sinh tại Michigan (Mỹ). Ông được biết đến không chỉ là nhà toán học, mà còn là một kỹ sư điện tử và nhà mật mã học có nhiều đóng góp cho ngành phân tích mật mã trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai và sau đó là những đóng góp cơ bản cho việc giải mật mã.

Năm 1937, ông được giới khoa học chú ý khi đưa ra lý thuyết thiết kế máy tính số và mạch số thông qua bản luận án của mình. Trong bản luận án này, ông đã chứng minh rằng ứng dụng điện tử của đại số Boole có thể xây dựng và giải quyết bất kì quan hệ số hay logic nào. Năm 1948, ông trở nên nổi tiếng với việc xây dựng lý thuyết thông tin.

Ông qua đời ngày 24-2-2001, tại Massachusetts (Mỹ).

- Ngày 30-4-1954

: Ngày sinh nữ đạo diễn điện ảnh New Zealand Jane Campion.

Jane Campion là nữ đạo diễn điện ảnh nổi tiếng người New Zealand. Bà là một trong số ít những đạo diễn người New Zealand thành công trên bình diện quốc tế và là nhà viết kịch bản phim nổi tiếng với đề tài về phụ nữ. Bà bắt đầu làm phim từ đầu thập niên 1980. Bộ phim ngắn đầu tay “Peel” ra đời năm 1982, kể về chuyến đi của một người cha cùng với con trai và em gái của mình, đã mang về cho bà giải thưởng Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes của Pháp năm 1986.

Những bộ phim tiếp theo sau đã khẳng định tài năng đạo diễn xuất sắc của bà. Đặc biệt, bộ phim “Dương cầm” (The Piano) ra đời năm 1993 đã mang tới cho bà giải Oscar dành cho Kịch bản phim hay nhất và giải Cành cọ vàng ở Liên hoan phim Cannes.

- Ngày 30-4-2001:

Khách du lịch đầu tiên lên trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Thương gia người Mỹ Dennis Tito, vị khách du lịch đầu tiên đã bước vào Trạm ISS, mở ra một trang mới trên con đường chinh phục khoảng không vũ trụ bao la. Để thực hiện ước mơ từ hơn 30 năm trước được đi du lịch trên Trạm ISS, ông Tito đã phải trải qua một quá trình tập luyện đầy khó khăn, phức tạp và bền bỉ và phải chi trả gần 20 triệu USD cho chi phí của một chuyến du lịch chưa từng có này.

Ban đầu, ông Tito định du lịch trên trạm “Hòa bình” của Nga nhưng vì trạm này đã ngừng hoạt động và rơi xuống đại dương theo đúng kế hoạch đã định (vào ngày 23-3-2001), nên chuyến du lịch của ông được chuyển sang trạm ISS này. Ông Tito đã du lịch trên Trạm ISS một tuần, sau đó trở về Trái đất bằng thiết bị hạ cánh của Nga.

- Ngày 30-4-2017

: Ngày mất Nhà leo núi nổi tiếng Thụy Sĩ - Ueli Steck.

Với biệt danh “máy Thụy Sĩ”, Ueli Steck được coi là người leo núi vĩ đại nhất trong thời đại của mình. Năm 18 tuổi, Steck đã chinh phục thành công đỉnh Eiger thuộc dãy núi Mont Blanc và nhanh chóng trở thành một trong những cái tên nổi bật nhất trong làng leo núi sau khi một mình chinh phục một số ngọn núi cao nhất thế giới mà không cần thiết bị hỗ trợ cơ bản như bình dưỡng khí ôxy, dây thừng…

Năm 2013, Steck một mình chinh phục đỉnh Annapurna, là một trong 10 đỉnh cao nhất thế giới trong 28 giờ không cần bình dưỡng khí. Ueli Steck đã 2 lần được trao giải thưởng “Piolet d’Or”, giải thưởng cao nhất dành cho những người leo núi.

Steck đã từ giã cõi đời ở tuổi 40, khi đang trong hành trình chinh phục ngọn núi cao nhất thế giới Everest qua con đường chưa từng có người khai phá./.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.