Đoàn xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập trưa 30/4/1975. Ảnh tư liệu
1. 45 năm thờ chồng, nuôi con
“Đồng Nai, ngày 15/4/1975
Em thương yêu của anh!
Anh và đồng đội vừa đánh xong trận Phước Long, chúng ta giành thắng lợi. Anh an toàn nhưng phía trước vẫn còn nhiều trận đánh ngày càng ác liệt… Nếu thống nhất, anh không trở về thì xin em đừng đau buồn, hãy cố gắng nuôi con giúp anh. Dù em đi đâu cũng hãy mang con theo, đừng để con chúng ta phải bơ vơ em nhé…”.
Bà Đặng Thị Xuân (68 tuổi) là vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Đỉu (SN 1953, ở thôn Bắc Sơn, xã Phù Lưu, Lộc Hà) đọc lại từng lời trong lá thư cuối cùng mà người chồng gửi cho mình. Dù ngày giải phóng đã lùi xa gần nửa thế kỷ, người phụ nữ ấy vẫn chưa hết nghẹn ngào: “Vì lời dặn đó, tôi không nỡ nào bỏ con đi bước nữa, cho đến bây giờ đã 45 năm rồi”.
Bà Đặng Thị Xuân (thôn Bắc Sơn, xã Phù Lưu, Lộc Hà) - vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Đỉu.
Ông Đỉu và bà Xuân quen biết, thương nhau từ thuở thanh niên. Sau 3 năm, ông Nguyễn Văn Đỉu đi dân công hỏa tuyến ở miền Tây Quảng Trị (1971-1973) trở về họ mới cưới nhau. Tháng 12/1974, khi bà Xuân vừa sinh con gái đầu lòng được 20 ngày thì ông Đỉu lên đường nhập ngũ.
“Ngày 30/4/1975, khi nghe tin miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, tôi vô cùng phấn khởi và tràn đầy hy vọng. Bởi, trước đó 1 tuần, tôi vừa nhận được thư chồng. Nhưng rồi đợi mãi đến giữa năm 1976, không có tin tức gì, tôi biên thư hỏi một đồng đội của chồng. Tháng 10/1976, tôi nhận được hồi âm. Mở bức thư ra xem, nhìn thấy những dòng chữ viết bằng mực đỏ, tôi ngã khuỵu” - bà Xuân kể.
Mỗi dịp 30/4, bà Xuân lại bồi hồi xúc động tưởng nhớ về người chồng liệt sĩ đã hi sinh cho đất nước.
Liệt sĩ Nguyễn Văn Đỉu tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam, tại Sư đoàn 341, Quân đoàn 4. Ngày 18/4/1975, ông hy sinh trong một trận đánh tại Xuân Lộc, đúng 3 ngày sau bức thư cuối cùng gửi về cho bà Xuân.
Năm 1979, mẹ chồng bà Xuân mất. Trước khi ra đi, bà căn dặn bà Xuân, nhận thêm đứa con nuôi để đỡ cảnh một mẹ, một con đơn côi và sau này còn có nơi nương tựa. Năm 1981, bà Xuân nhận anh Nguyễn Văn Mậu làm con nuôi và hiện tại đang sống với cùng hai vợ chồng anh.
2. “Hậu phương” thương binh loại 1
“Đã thề hẹn, làm lễ bỏ trầu rồi thì dù anh ấy có ra sao tôi cũng sẽ lấy”. Bà Phạm Thị Thư, 66 tuổi, ở phường Tân Giang (TP Hà Tĩnh) nhớ lại quyết tâm của mình những ngày tháng 4/1975.
Vợ chồng thương binh Trần Thanh Viên - Phạm Thị Thư (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh).
Bà Thư là vợ của ông Trần Thanh Viên - thương binh hạng nặng (tỷ lệ thương tật 81%). Ông Viên sinh năm 1953, nhập ngũ năm 1971, tại Trung đoàn 266, thuộc Sư đoàn 341. Tháng 1/1975, Sư đoàn 341 là một trong những đơn vị nhận lệnh tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Trong trận đánh ở Xuân Lộc, ông Viên bị thương, nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến ngày 30/4.
Sau giải phóng miền Nam, tháng 10/1975, ông Viên trở về quê lấy vợ khi trong người đầy mảnh đạn của kẻ thù. Thế nhưng, không bao lâu sau, ông lại trở về đơn vị, tiếp tục tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Tại đây, ông bị thương nặng, hỏng mắt trái.
Cùng với nhiều vết thương trước đó, ông được đưa về trại an dưỡng. Năm 1997, ông chuyển về TP Hà Tĩnh sinh sống. Ông Viên cho biết: “Hiện tại, ngoài một con mắt bị hỏng, tôi còn có 1 mảnh đạn trong đầu và 5 mảnh đạn khác khắp cơ thể không thể lấy ra. Mọi công việc trong gia đình đều trên tay vợ tôi”.
Bà Phạm Thị Thư - vợ thương binh Trần Thanh Viên
Được biết, trong giai đoạn đất nước còn khó khăn, chế độ phụ cấp thương binh không đủ cung cấp cho 3 đứa con ăn học và phụng dưỡng mẹ già, bà Thư phải làm nhiều nghề để mưu sinh. Bà cho biết, bây giờ cuộc sống khá hơn, nhưng vết thương cũ tái phát vẫn hành hạ ông. Thức đêm xoa dầu cho ông là công việc thường xuyên của bà.
3. “Tôi muốn chồng mình có thể giúp được nhiều đồng đội”
Đó là chia sẻ của bà Đặng Thị Hạnh, 68 tuổi (thị trấn Nghèn, Can Lộc), vợ của Đại tá Phạm Tiến Thích - Chủ tịch Hội CCB huyện Can Lộc.
Đại tá Phạm Tiến Thích (SN 1952), nhập ngũ năm 1971, thuộc Trung đoàn 266, Sư đoàn 341, tham gia giải phóng miền Nam và có mặt tại Dinh Độc Lập trong chiều 30/4/1975.
“Lúc ông ấy nhập ngũ, tôi mới có thai đứa con đầu được 8 tháng. Sang năm 1972, tôi sinh con một mình. Từ đó cho đến 30/4/1975, ông ấy không về phép lần nào. Mặc dù nghe tin giải phóng nhưng tôi cũng thấp thỏm lo âu và trong tâm thế ông ấy có thể hy sinh. Nhưng rồi 2 tháng sau giải phóng, tôi nhận được thư ông ấy gửi về” - bà Hạnh nhớ lại.
Bà Hạnh kể, khi 2 ông bà lấy nhau, bố mẹ ông Thích đã mất. Gia đình có 9 anh chị em, 6 người đã có gia đình. Bà sống với một người chị của chồng bị tật nguyền và em trai còn nhỏ. Lúc đó cuộc sống còn khó khăn, bà là trụ cột của cả gia đình 4 người. Tuy nhiên, vì chồng đi đánh giặc, bà đã mạnh mẽ vượt qua tất cả.
Bà Đặng Thị Hạnh cùng chồng là Đại tá Phạm Tiến Thích (thị trấn Nghèn, Can Lộc).
Sau năm 1975, ông tham gia giúp nước bạn đánh quân Pôn Pốt tại chiến trường K (Campuchia). Năm 1981, ông về công tác tại Sư đoàn 341 (Thanh Hóa). Năm 1994, ông trở về công tác tại Huyện đội Can Lộc. Sau khi nghỉ hưu, Đại tá Phạm Tiến Thích được bầu làm Chủ tịch Hội CCB huyện.
Đến nay đã 68 tuổi, ông vẫn miệt mài làm công tác xã hội. Nhiều năm qua, trên cương vị của mình, ông Thích đã nỗ lực kêu gọi các tổ chức xã hội giúp đỡ hàng trăm cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn.
“Dù ông nhà tôi là thương binh loại 4 nhưng vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng đội khác. Ông ấy còn khỏe mạnh, làm công tác xã hội, giúp đỡ được nhiều đồng đội khó khăn. Tôi tình nguyện làm hậu phương vững chắc cho ông ấy, vậy là hạnh phúc lắm rồi” - bà Đặng Thị Hạnh trò chuyện.