Trong miền ký ức của bố…

(Baohatinh.vn) - Tháng Tư, trong niềm vui kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, những cựu chiến binh già ở Hà Tĩnh như bố tôi lặng lẽ hơn trong miền ký ức chiến tranh của mình…

Trong miền ký ức của bố…

Đã gần 40 năm kể từ ngày trở về từ nhà tù Phú Quốc, bố tôi vẫn đau đáu nỗi nhớ thương đồng đội...

Chiều dần buông, trước hiên nhà phủ đầy hoa bìm bìm nở trái mùa. Bố tôi (cựu binh Lê Hồng Cư thuộc Trung đoàn 812, Sư đoàn 324B) vẫn ngồi đó như đã ngồi từ bao năm qua. Mái tóc đổi màu mỗi ngày một trắng hơn. Bố đăm chiêu nhìn xa xăm rồi cất tiếng nói nhỏ chỉ để một mình tôi nghe thấy: “Bố nhớ đồng đội quá!”.

“Giá như các bác ấy còn sống thì giờ đây cũng có một gia đình và những đứa con như bố. Giá như bác Bôn không mất sau lần vượt ngục thì có lẽ đã được đoàn tụ người thân sau ngày đất nước thống nhất. Giá như bác Kha không bị mất vì bị địch đánh đập thì giờ có lẽ vẫn hay hát bài về lính Trường Sơn. Giá như bác Hoài không mất đi một chân thì giờ vẫn có thể đi xe máy như bố và thăm đồng đội...!”.

Trong miền ký ức của bố…

Những chiếc huy chương như nhắc bố nhớ nhiều hơn về những đồng đội đã hy sinh của mình...

Bao năm đã trôi qua kể từ ngày bố trở về từ nhà tù Phú Quốc, những “giá như” ấy vẫn cứa vào trái tim đầy thương tổn của bố mỗi ngày. Và tôi, đã có thật nhiều ngày như thế, ngồi lặng im bên bố, cảm nhận từng hơi thở, từng nhịp hồi ức của người lính Cụ Hồ. Tôi cảm nhận rất rõ nỗi nhớ nhung đồng đội của bố. Tôi cảm nhận rất rõ những mong muốn đã trở thành khát vọng trong tâm can bố. Đó là niềm mong mỏi tìm lại được gia đình, quê hương của một số đồng đội ở trong tù.

Cách đây chừng 3 năm, bố tôi đã có cơ hội đến thăm lại nơi bố đã bị tù đày. Sau lần ấy, tâm tư bố như trĩu nặng thêm. Tôi hiểu bố đã day dứt thế nào khi không giữ được lời hứa với bác Bôn (quê ở Thanh Hóa) - người đã trao lại cho bố chiếc áo trước ngày hy sinh.

Trong miền ký ức của bố…

Những lần hội ngộ với các cựu tù Phú Quốc ở Hà Tĩnh, bao kỷ niệm đầy nghĩa tình trong những năm tháng bị giam cầm lại được kể lại đầy thương mến. Ảnh tư liệu

Ngày 16/3/1968, sau khi bị địch bắt, bố tôi bị đày ra Phú Quốc và ở cùng phòng với bác Bôn. Sau một thời gian bị giam cầm và tra tấn, bác Bôn đã quyết định vượt ngục. Trước khi chia tay, bác đã cởi chiếc áo đang mặc trao lại cho bố tôi và dặn giữ gìn thật cẩn thận để trao lại cho nhau sau ngày đất nước hòa bình.

Tiếc rằng, bác Bôn đã không còn có thể trở về trong ngày đất nước thống nhất. Bác đã bị địch bắn chết khi đang cố vượt ngục. Những ngày sau đó, vì nhiều lý do, bố tôi đã không thể giữ lại chiếc áo của bác Bôn. Sau này, bố tôi cũng đã nhiều lần tìm kiếm thông tin về bác Bôn để có thể về thăm quê đồng đội cũ nhưng mọi nỗ lực đã không thành.

Dẫu không giữ được chiếc áo ấy nhưng trong miền ký ức của bố tôi, màu xanh của chiếc áo ấy, hơi ấm từ chiếc áo ấy vẫn chưa bao giờ phai nhòa. Thỉnh thoảng, khi tôi trở về căn nhà của chúng tôi ở thôn Trà Sơn - Phú Lộc (Can Lộc), tôi lại cùng bố xem lại những chiếc huy chương. Và thể nào, bố tôi cũng thầm thì: “Nếu giữ được chiếc áo kia, bố sẽ gắn những chiếc huy chương này lên ngực áo của bác Bôn. Nó sẽ đẹp và ý nghĩa hơn phải không con?”. Tôi ngồi lặng yên bên bố, thấm nhận vào mình từng vệt ký ức thiêng liêng của những người một thời vào sinh ra tử, bảo vệ non sông.

Trong miền ký ức của bố…

Thỉnh thoảng, trong những ngày tháng Tư lịch sử của đất nước, tôi lại được “tháp tùng” bố đến những cuộc hội ngộ của các cựu tù Phú Quốc. Ảnh tư liệu

Đến bây giờ, nhiều người trong gia đình tôi vẫn còn kể cho nhau nghe về những lần nhận giấy báo tử của bố tôi và đặc biệt là niềm hạnh phúc vỡ oà ngày bố tôi trở về sau khi được trao trả (ngày 15/3/1973) theo Hiệp định Pari. Bây giờ, bố tôi vẫn giữ liên lạc với một số cựu tù Phú Quốc những năm tháng ấy. Thỉnh thoảng, trong những ngày tháng Tư lịch sử của đất nước, tôi lại được “tháp tùng” bố đến những cuộc hội ngộ của các cựu tù Phú Quốc.

Được gặp lại đồng đội của bố, lắng nghe những câu chuyện sống động về những năm tháng phải chịu giam cầm, tra tấn, tôi thấy mình thật may mắn và hạnh phúc. Miền ký ức của bố và đồng đội bố chính là động lực để tôi cố gắng sống ý nghĩa hơn, có trách nhiệm hơn với cộng đồng, với Tổ quốc mỗi ngày…

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Dấu ấn của bộ đội trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh

Dấu ấn của bộ đội trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh

Hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, những năm qua, LLVT Hà Tĩnh đã tích cực "chung sức" hỗ trợ các địa phương xây dựng các hạng mục công trình gắn với bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ sinh kế, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Đặc xá cho 38 phạm nhân đang thụ án tại Hà Tĩnh

Đặc xá cho 38 phạm nhân đang thụ án tại Hà Tĩnh

38 phạm nhân đang thụ án ở Hà Tĩnh được đặc xá năm 2024 là những người có kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy, quy định, thực sự ăn năn hối cải, phấn đấu trở thành công dân có ích.