Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày Quốc khánh 2/9, Đại tá Nguyễn Viết Thoại (SN 1944, ở thôn Trung Phú, xã Thạch Thắng, Thạch Hà) lại lau dọn bàn thờ, chuẩn bị tươm tất đồ lễ để dâng lên Bác Hồ nhân ngày giỗ - cũng là ngày Tết Độc lập của dân tộc.
Đại tá Nguyễn Viết Thoại lau dọn bàn thờ Bác
Nhớ lại ngày này 50 năm về trước, Đại tá Nguyễn Viết Thoại xúc động kể lại: “Đó là năm thứ 4 tôi tham gia chiến đấu ở chiến trường thành cổ Quảng Trị. Lúc ấy tôi là Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 8, Tiểu đoàn 27, Trung đoàn 31.
Còn nhớ ngày 28/8/1969, trời mưa rả rích, tôi đang chỉ huy Trung đội tác chiến thì nhận được tin: “Bác Hồ ốm nặng, chắc khó qua khỏi”. Tin đến như sét đánh ngang tai, bản thân tôi lúc đó nghĩ Bác mất thì cách mạng chẳng còn gì nữa”.
Cứ đến ngày Quốc khánh 2/9, Đại tá Nguyễn Viết Thoại lại cắt hoa quả trong vườn để dâng lên Bác Hồ
Dù bi quan nhưng trên cương vị là Trung đội trưởng, Đại tá Nguyễn Viết Thoại đã gác lại những lo lắng để cùng cán bộ an ninh mặt trận chuẩn bị công tác tư tưởng, trấn an binh sỹ trong trường hợp Bác mất. Vậy là năm đó, nơi chiến trường ác liệt, Đại tá Nguyễn Viết Thoại cùng hàng triệu chiến sỹ đón Tết Độc lập trong nỗi phấp phỏng lo âu.
Rồi điều không mong đợi cũng đến: Chiến trường đón nhận tin Bác mất. Trong giờ phút đau thương ấy, giữa chiến trường thiếu thốn, không thể lập bàn thờ Bác, Đại tá Thoại và đồng đội đã cùng nhau mặc niệm để tưởng nhớ Người. Sau giây phút đẫm nước mắt, ai nấy đều giương cao nòng súng, thể hiện lòng quyết tâm chiến thắng.
Từng chiến đấu nơi thành cổ ác liệt, Đại tá Nguyễn Viết Thoại được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương kháng chiến
Mãi đến năm 1972, quyết tâm giải phóng thành cổ Quảng Trị mới trở thành hiện thực. Riêng Đại tá Nguyễn Viết Thoại, cuối năm 1969, ông bị thương nặng trong một trận chiến bị địch vây 7 ngày đêm.
Sau khi được chữa trị, ông được cử đi học, sau đó về công tác tại Phòng Tác chiến Quân khu 4, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyện Thạch Hà. Hiện tại, dù vết thương trên đầu vẫn khiến ông “lúc nhớ, lúc quên” nhưng riêng ký ức về Tết Độc lập năm 1969 thì ông vẫn nhớ như in.
Với ông, đó không chỉ là cái tết đau thương, nước mắt hóa thành sông, mà còn là cái tết của lòng quyết tâm sớm giải phóng đất nước, Nam - Bắc một nhà như di nguyện của Bác Hồ.
Trung tá Trần Quốc Dinh nhớ lại ký ức về Tết Độc lập năm 1969
Nếu giữa chiến trường thành cổ ác liệt không thể lập bàn thờ Bác, thì tại chiến trường Lào, Trung tá Trần Quốc Dinh (SN 1944, ở tổ dân phố 12, thị trấn Nghèn, Can Lộc) và đồng đội ở Trung đoàn E29 – Quân khu 4 vẫn lập vội được bàn thờ Bác.
“Sáng ngày 2/9/1969, cả đơn vị nghe tin Bác ốm nặng khó qua khỏi. Bữa cơm tối hôm đó dọn ra không một ai muốn ăn. Trưa ngày 3/9/1969, đón nhận tin Bác mất, cả chiến trường ngập tràn trong nước mắt. Chúng tôi lập vội bàn thờ, cả đơn vị đứng trước di ảnh Bác hành lễ. Mãi đến sau này, tôi mới biết thực ra trong sáng 2/9/1969 Bác đã ra đi, nhưng để an lòng quân dân, Trung ương thông tin Bác mất chậm hơn một ngày” – Trung tá Trần Quốc Dinh hồi tưởng.
Trung tá Trần Quốc Dinh lưu giữ rất nhiều di ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sau đó, phải mất 4 ngày để đơn vị làm công tác tư tưởng cho anh em trong đội. Biến đau thương thành hành động, Trung tá Trần Quốc Dinh gạt nước mắt cùng đồng đội lại xung trận.
Đến năm 1971, khi đường 9 – Nam Lào giành thắng lợi, Trung tá Trần Quốc Dinh được cử ra Bắc học Học viện Hậu cần. Năm 1973, ông được cử làm công tác giảng dạy tại Học viện Hậu cần.
Với cương vị Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Can Lộc, Trung tá Trần Quốc Dinh thường xuyên trao quà, chăm lo đời sống cho hội viên
Sau khi nghỉ hưu (năm 1991), Trung tá Trần Quốc Dinh tham gia công tác ở địa phương với nhiều vị trí: Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Can Lộc, Chủ tịch Hội Người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Can Lộc… Hiện nay, trên cương vị là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Can Lộc, Trung tá Dinh vẫn luôn cần mẫn thực hiện di chúc của Bác – chăm lo cho những đối tượng chịu ảnh hưởng từ chiến tranh.
50 năm Bác Hồ đi xa, cũng là 50 năm Đại tá Nguyễn Viết Thoại, Trung tá Trần Quốc Dinh cùng hàng triệu cựu binh trên cả nước trải qua nhiều cái Tết Độc lập thiêng liêng khác. Nhưng với những cựu binh đã từng đón tết đẫm nước mắt trên chiến trường vào năm 1969 thì đó là thời khắc không thể nào quên.
Ký ức đó là động lực để họ quyết tâm chiến đấu, đưa cách mạng thành công theo di chúc của Bác Hồ trước lúc đi xa.