Bà Hồng vẫn lưu giữ chiếc ba lô như lưu giữ ký ức của một thời tuổi trẻ
Trong ngôi nhà nhỏ ở khối phố 8 Bắc Sơn, thị trấn Nghèn (Can Lộc), bà Trần Thị Hồng - cựu TNXP từng là dân công hỏa tuyến trên cung đường huyền thoại kể cho chúng tôi nghe về niềm vui từ ngày tham gia sinh hoạt hội truyền thống Trường Sơn.
“Kể từ ngày thành lập hội đến nay, những người có chung kỷ niệm về Trường Sơn như chúng tôi có cơ hội giao lưu gặp gỡ với nhau. Chúng tôi cũng đã thành lập một đội văn nghệ thường xuyên luyện tập trong những dịp kỷ niệm ngày truyền thống hay các ngày đại lễ. Nhiều tiết mục văn nghệ của chúng tôi đã được lựa chọn đi biểu diễn tại nhiều hội diễn lớn” - bà Hồng kể.
Không chỉ là nơi chia sẻ những niềm vui, ôn lại ký ức của một thời hoa lửa, việc tham gia hội truyền thống còn là nơi để các cựu binh Trường Sơn ở Can Lộc chia sẻ những niềm vui nỗi buồn. Từ thông tin qua tổ chức hội, nhiều hoàn cảnh khó khăn đã được trợ giúp kịp thời.
Tổ chức hội đã là mái nhà chung, nơi những hội viên chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống
Bà Nguyễn Thị Hiên - hội viên hội truyền thống Trường Sơn ở khối phố 4 Nam Sơn, thị trấn Nghèn cho biết: “Chồng tôi là thương binh bị mù 2 mắt, sức khỏe của tôi cũng yếu, hoàn cảnh hết sức khó khăn. Thế nhưng, từ sự quan tâm giúp đỡ của hội và Hội CCB huyện, gia đình tôi đã được hỗ trợ 50 triệu đồng để làm lại căn nhà kiên cố”.
Sau hơn 7 năm thành lập, Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Hà Tĩnh đã thực sự là mái nhà chung, nơi tập hợp hơn 9.000 hội viên tham gia sinh hoạt.
Đến thời điểm hiện tại, tổ chức hội đã có bước phát triển toàn diện và đã có ban liên lạc tại 6/13 huyện, thành, thị với 51 xã thành lập hội. Dẫu hoạt động tự nguyện, mọi nguồn kinh phí đều được trích từ những đồng lương hưu, trợ cấp của các anh chị em hội viên nhưng chúng tôi luôn tự hào khi hội đã phát huy được truyền thống bộ đội Cụ Hồ, bộ đội Trường Sơn trong thời kỳ mới
Đại tá Trần Kỷ - Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh tỉnh Hà Tĩnh
Cùng với các hoạt động giáo dục truyền thống, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ bằng lời nói, việc làm, những người lính Trường Sơn năm xưa còn là lực lượng xung kích đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và các cuộc vận động. Dấu ấn của hội viên không chỉ ở sự đóng góp ngày công, tiền của mà còn ở hàng ngàn m2 đất góp phần làm nên những tuyến đường đạt chuẩn nông thôn mới.
Cùng với đó, đông đảo hội viên cũng tích cực hưởng ứng phong trào chiến sỹ Trường Sơn sản xuất giỏi, giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo do Trung ương Hội phát động. Từ phong trào, hàng trăm hội viên đã trở thành những điển hình sản xuất giỏi với mức thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Niềm vui gặp gỡ của những cựu chiến binh trong ngày kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn
"Một trong những hoạt động nổi bật của hội là hoạt động tình nghĩa, chia sẻ khó khăn với những cựu binh một thời sẵn sàng hy sinh cho độc lập tự do của dân tộc. Qua việc quyên góp trích quỹ lương và vận động các tổ chức, cá nhân và sự trợ giúp của Trung ương Hội, Hội CCB tỉnh, kể từ ngày thành lập đến nay, tỉnh hội đã xây dựng được 18 nhà tình nghĩa, sửa chữa 2 nhà với tổng kinh phí trên 900 triệu đồng.
Ngoài ra, mỗi năm, ban liên lạc trong toàn tỉnh cũng đã trao tặng từ 200 đến 250 suất quà cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, hội viên đau yếu” - ông Trần Bá Linh, Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Hà Tĩnh cho biết.