Những năm tháng hào hùng trên tuyến lửa Trường Sơn

(Baohatinh.vn) - Trong hành trình đi tìm ký ức đường Trường Sơn, chúng tôi may mắn được gặp gỡ với rất nhiều người lính Hà Tĩnh một thời xông pha trận mạc. Những câu chuyện chiến trường vẫn còn nguyên vẹn và con đường Trường Sơn vẫn như một bài ca đầy khí thế vang mãi trong tâm khảm bao người…

Những năm tháng hào hùng trên tuyến lửa Trường Sơn

Cựu chiến binh Nguyễn Huy Tập hồi ức về những tháng ngày trong khói lửa Trường Sơn.

Sinh năm 1936 tại Can Lộc, năm 1962, ông Nguyễn Huy Tập nhập ngũ và được phân công vào Tiểu đoàn 1, Sư đoàn 341 – Đoàn 559 làm nhiệm vụ bảo vệ sân bay Đồng Hới (Quảng Bình). Sang năm 1964, đơn vị của ông di chuyển vào Quảng Trị làm nhiệm vụ vây ép địch ở Dốc Miếu – Cồn Tiên (Gio Linh).

Dốc Miếu là căn cứ quân sự của Mỹ trên tuyến đường Trường Sơn nhằm ngăn chặn chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Dốc Miếu được coi là cứ điểm quan trọng nhất của phòng tuyến quân sự Mc Namara và Mỹ từng ngạo nghễ tuyên bố “đây là pháo đài bất khả xâm phạm”.

Những năm tháng hào hùng trên tuyến lửa Trường Sơn

Tấm bia đánh dấu địa danh khu căn cứ quân sự Dốc Miếu (Gio Linh - Quảng Trị). Ảnh Internet

Ông Tập cho biết: “Ở đây địch xây dựng hệ thống hầm nhà vòm, hệ thống lô cốt di động bằng bê tông và trận địa pháo mặt đất hướng bắn ra bờ bắc sông Bến Hải. Xung quanh căn cứ, ngoài các hàng rào kẽm gai dày bom mìn là hệ thống máy móc báo động chống xâm nhập. Trước thực tế đó, ta cũng lập kế hoạch vây ép, khống chế các hoạt động của địch. Những ngày chiến đấu ở đây, chúng tôi đã cùng nhau thực hiện “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Dù phải chịu cảnh đói khát triền miên nhưng chúng tôi đã chiến đấu vô cùng quả cảm. Bằng cách vây ép, bắn tỉa, chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc tấn công và lần lượt phá hủy từng đoạn, đưa lực lượng và vũ khí vào chiến trường”.

Những năm tháng ở Dốc Miếu tuy không dài nhưng lại để lại kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời bộ đội của ông Nguyễn Huy Tập khi trong một trận tập kích, ông đã để lại một phần máu thịt của mình trên tuyến lửa Trường Sơn. Vết thương đã khiến bước đi của ông không còn bình thường nhưng giữa khói lửa chiến tranh, giữa mong manh sống chết, ông thấy mình còn may mắn hơn nhiều đồng đội đã ngã xuống và càng quyết tâm chiến đấu.

Những năm tháng hào hùng trên tuyến lửa Trường Sơn

Dù mang trong mình thương tật nhưng trong cuộc sống thường ngày, cựu chiến binh Nguyễn Huy Tập vẫn là người hăng say lao động.

Bước sang năm 1969, ông Nguyễn Huy Tập được điều động ra Bắc, gia nhập Sư đoàn 968 của Đoàn 559, đưa quân sang Lào giúp đỡ bộ đội Lào đấu tranh giải phóng thị xã Savannakhet và bảo vệ khu vực phía tây đường Hồ Chí Minh. Sau những ngày vây ép căn cứ Dốc Miếu của địch thì ở đây, Đại uý Nguyễn Huy Tập có thêm những tháng ngày vô cùng đẹp đẽ, ý nghĩa trong cuộc đời binh nghiệp của mình.

Ông chia sẻ: “Trên đất nước bạn Lào, dù đói khổ, thiếu thốn đủ bề nhưng chúng tôi đã cùng trải qua những tháng ngày ý nghĩa. Được sống trong tình thương mến của các bạn anh em Lào, tôi và đồng đội không còn cảm giác xa lạ nữa mà kề vai sát cánh cùng bộ đội và nhân dân Lào chiến đấu anh dũng, sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm. Trong cuộc chiến khốc liệt này, chúng tôi đã trải qua những phút giây tử biệt, đã phải đau đớn bới tìm đồng đội rồi đào mồ chôn đồng đội giữa rừng Trường Sơn.

Những năm tháng hào hùng trên tuyến lửa Trường Sơn

Ông thường ngắm lại ảnh chụp với đồng chí, đồng đội trong những chuyến thăm lại chiến trường xưa.

Tuy vậy, không một ai nao núng, tất cả vẫn động viên nhau quyết chiến, nguyện hy sinh cho tuyến đường Trường Sơn thông suốt, cho tương lai độc lập dân tộc của hai nước Việt – Lào. Những năm 1973 – 1974, chúng tôi đã phải trải qua những trận đánh vô cùng ác liệt để bảo vệ cho những chuyến xe vận tải chở vũ khí, lương thực từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Trường Sơn những năm tháng ấy đúng là nhoà trong trời lửa. Và đó cũng là hình ảnh cứ vấn vít mãi trong tâm trí tôi cho đến bây giờ”.

Sau chiến tranh, ông Tập chuyển ngành sang một số đơn vị khác và năm 1991 thì nghỉ hưu về sinh sống tại quê nhà. Tại đây, ông Tập tham gia Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh huyện Can Lộc và nay là Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyện Can Lộc.

Trong quá trình hoạt động ở địa phương, dù mang trên mình thương tật ¾ nhưng với phẩm chất người lính Cụ Hồ, cựu chiến binh Nguyễn Huy Tập luôn luôn năng nổ trong các hoạt động. Ông cùng với các hội viên ở Can Lộc đã kêu gọi quyên góp chia sẻ với nhiều cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đường Trường Sơn có hoàn cảnh khó khăn. Bởi vậy, với nhiều người, ông Nguyễn Huy Tập là một người đồng đội, đồng chí vô cùng gần gũi và ấm áp.

Chủ đề NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast