Bác Hồ viết Di chúc - việc làm hệ trọng cho muôn đời sau

(Baohatinh.vn) - Bản Di chúc thiêng liêng, bất hủ đã tổng kết, định hướng mang tính cương lĩnh cho sự phát triển đất nước. Đó là lời dặn dò tâm huyết, những tình cảm sâu nặng với Đảng, Nhân dân và bạn bè trên thế giới của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

888.jpg
Vào mỗi dịp sinh nhật, Bác Hồ lại dành thời gian viết và sửa Di chúc. Ảnh tư liệu

“Tôi nhớ mãi sáng tháng Năm ấy... Trời cao và trong xanh. Mây trắng lững lờ trôi trên bầu trời Ba Đình. Phía đầu hồi nhà sàn, chim nhảy chuyền cành, gọi nhau ríu rít. Đó là buổi sáng thứ hai, mồng 10 tháng 5 năm 1965 không thể nào quên. Khắp nơi trong cả nước đang sôi nổi thi đua lập thành tích mừng thọ Bác Hồ 75 tuổi.

Bác Hồ vẫn ung dung như thường lệ.

Đúng 9 giờ, Bác Hồ ngồi chăm chú viết. Vấn đề chắc đã được suy ngẫm từ lâu. Phòng làm việc trên nhà sàn càng yên tĩnh. Gió mát dịu, thoang thoảng hương thơm của hoa vườn... Chính vào giờ phút đó, Bác Hồ đặt bút viết những dòng đầu tiên vào tài liệu “Tuyệt đối bí mật” để dặn lại cho muôn đời con cháu mai sau...

Chọn đúng vào một ngày tháng Năm, nhân dịp ngày sinh của mình, chọn đúng vào lúc 9 giờ, giờ đẹp nhất của một ngày, chọn đúng vào lúc sức khỏe tốt nhất trong những năm gần đây... để viết về ngày ra đi của mình, sao mà thanh thản, ung dung đến thế!”.

Ông Vũ Kỳ, Thư ký của Bác Hồ kể lại trong Hồi ký “Bác Hồ viết Di chúc và Di chúc của Bác Hồ”.

Ảnh Internet.
Ảnh Internet.

Tháng Năm, Làng Sen quê Bác đang ngào ngạt hương sen, trong vườn Bác mọi loài hoa cũng tỏa hương. Suy tư và cảm xúc của Người đã hòa vào thiên nhiên, tĩnh lặng, sâu thẳm mà thanh cao. Khi đặt bút viết Di chúc là lúc con người linh cảm được điều gì sẽ đến trong cái hữu hạn của đời người. Sự thanh thản, an nhiên, niềm lạc quan ở Người đã cho tinh thần sảng khoái của ngày làm việc mới. “Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân được bao lâu nữa?”. Suy nghĩ đời thường vậy mà rất cao thượng. Đó là sự cao thượng của một lẽ sống hy sinh và dâng hiến. Người đã hóa thân vào Nhân dân, dân tộc và nhân loại.

Theo ông Vũ Kỳ, Bác Hồ đã suy nghĩ việc viết Di chúc từ những năm 1960, sau khi dự Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế ở Mát-xcơ-va trở về. Bác nghĩ nhiều về sự bất hòa giữa các đảng anh em, nhất là việc đánh giá kẻ thù. Tháng 2/1965, không quân Mỹ ồ ạt leo thang đánh phá miền Bắc. Tháng 3 năm đó, quân viễn chinh Mỹ bắt đầu đổ bộ lên Đà Nẵng. Lịch sử lại đặt dân tộc ta trước những thử thách lớn.

Nếu như những năm 1945-1946, khi vận mệnh dân tộc “ngàn cân treo sợi tóc”, lúc đó Bác mới 55, 56 tuổi, thì nay Người đã 75 tuổi, thuộc “lớp người xưa nay hiếm”. Hơn ai hết, Bác Hồ hiểu tình hình sức khỏe của mình và sự nghiệp cách mạng lâu dài, gian khổ mà dân tộc ta cần và nhất định phải vượt qua để giành chiến thắng.

Bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Trước khi đặt bút viết bản Di chúc, còn nhớ ngày 15/2/1965, Bác Hồ về Côn Sơn, nay là Khu Di tích quốc gia đặc biệt ở tỉnh Hải Dương. Bác nghỉ trưa ở đó và xem rất kỹ văn bia trong đền thờ Nguyễn Trãi (1380-1442). Cách nhau hơn 5 thế kỷ mà như có cuộc hẹn lịch sử đã định sẵn. Đó là sự gặp gỡ của hai nhà chính trị và quân sự kiệt xuất, hai anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, hai nhà thơ lớn, hai nhân cách vĩ đại với lòng tin tuyệt đối vào Nhân dân.

Với bản Di chúc, theo Thông báo của Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng ngày 19/8/1989: “Năm 1965, Bác viết bản Di chúc gồm 3 trang, do chính Bác đánh máy, ở cuối đề ngày 15/5/1965. Đây là bản Di chúc hoàn chỉnh, có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng hồi bấy giờ… Năm 1968, Bác viết bổ sung thêm một số đoạn, gồm 6 trang viết tay. Ngày 10/5/1969, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc, gồm 1 trang viết tay. Các năm 1966, 1967 Bác không có những bản viết riêng”. Thế đó, Người đã dồn tâm lực, trí lực của mình trong 4 đến 5 năm liền viết và sửa, đọc lại và bổ sung. Mỗi chữ, mỗi câu của Bác đều có sự suy ngẫm kỹ càng. Cho đến lần cuối cùng vào năm 1969, 4 tháng trước khi mất, cũng vào những buổi sáng, Bác đều đặn dành mỗi ngày 1 giờ trong 10 ngày đọc lại, bổ sung hoàn thành một công việc hệ trọng, tổng kết một cuộc đời, một sự nghiệp để thanh thản ra đi. Khiêm nhường và chu đáo của con người mang tầm vóc vĩ nhân, cốt cách hiền triết trên đời này chỉ có ở Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong Di chúc, Người đã đón nhận quy luật cuộc sống bằng phong thái ung dung tự tại, chuẩn bị việc ra đi của mình bằng những lời tâm huyết dặn lại. Tâm nguyện của Người: “Suốt đời tôi hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa…”. Đó là ý chí, niềm tin, tinh thần lạc quan cách mạng, trách nhiệm với Nhân dân vô bờ bến.

Trong hành trình lịch sử của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đi tìm đường cứu nước, đến khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và 24 năm sau với bản Di chúc thiêng liêng luôn khẳng định độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc cho Nhân dân là mục tiêu trước sau như một, là ý chí sắt đá, quyết tâm đến cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bản Di chúc thiêng liêng, bất hủ đã tổng kết, định hướng mang tính cương lĩnh cho sự phát triển đất nước. Đó là lời dặn dò tâm huyết, những tình cảm sâu nặng với Đảng, Nhân dân và bạn bè trên thế giới của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Người đối với Tổ quốc, Nhân dân và sự nghiệp cách mạng; là công trình lý luận về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền; là tác phẩm bàn về xây dựng xã hội, XHCN ở Việt Nam, phác thảo lý luận sự nghiệp đổi mới ở nước ta.

Đã 55 năm trôi qua, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và giá trị, dấu ấn lịch sử của bản Di chúc luôn ngời sáng, trở thành bảo vật quốc gia, tài sản vô giá tác động mạnh mẽ, lâu dài đến sự nghiệp cách mạng của Đảng ta; là nguồn cổ vũ động viên to lớn, soi đường cho công cuộc đổi mới, trường tồn trên con đường đi lên của đất nước.

128d6105132t3434l4-t8-bac-ho-noi-chuyen
Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, đảng viên nhân dịp Người về thăm Hà Tĩnh ngày 15/6/1957 (Ảnh tư liệu).

Mùa thu lịch sử này, thế giới đang nhiều biến động, công cuộc đổi mới của đất nước đang vượt qua nhiều thách thức và đạt được những thành tựu to lớn. Lần giở Di chúc của Người nói về Đảng, về đoàn kết, đoàn viên thanh niên, Nhân dân lao động, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phong trào cộng sản thế giới, về việc riêng, những mong ước và dự báo của Người trước lúc đi xa, ta càng hiểu sâu sắc hơn những nội dung cốt lõi về tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh và thời đại.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Hà Tĩnh những tình cảm đặc biệt. Với tất cả lòng kính yêu vô hạn và niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, Nhân dân và các LLVT Hà Tĩnh nguyện đoàn kết, phấn đấu, chung sức đồng lòng tiếp tục thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, vững bước trên con đường hội nhập và phát triển.

________

(*) Tham khảo sách “Bác Hồ viết Di chúc và Di chúc của Bác Hồ” - Hồi ký của Vũ Kỳ, NXB Chính trị Quốc gia và NXB Kim Đồng, Hà Nội, 2007.

Chủ đề BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Chủ đề 55 NĂM THỰC HIỆN DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Đọc thêm

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Hướng dẫn số 03-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên; độ tuổi cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên BTV và phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, cấp cơ sở...
 [Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

[Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

Đại hội Đại biểu lần thứ V của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến 31/3/1982, tại thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư. Ngày 14/7/1986, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt, đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn (từ trần ngày 10/7/1986).