Bà Lê Thị Phượng - giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - chia sẻ tại buổi lễ kỷ niệm và khai mạc triển lãm "55 năm ngày Bác đi xa, 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969-2024)" diễn ra ngày 22-8 tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chia sẻ tại lễ kỷ niệm, bà Phượng ôn lại lịch sử 55 năm đã trôi qua, cho đến hôm nay, tất cả di tích, tài liệu, hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch vẫn đang được bảo tồn nguyên vẹn như sinh thời Người sống và làm việc.
Tất cả di sản từ ngôi nhà, vật dụng đến cảnh quan hàng cây, con đường, ao cá... cùng những di sản tinh thần sâu sắc Người để lại đã hội tụ thành "cõi Bác xưa".
Có thể khẳng định khu di tích là hiếm có trong hệ thống các di tích, lưu niệm về Người.
Khu di tích không có những công trình đồ sộ, hoành tráng gây choáng ngợp mà là những khuôn viên bình dị nhưng lại ẩn chứa những phẩm chất trí tuệ, tư tưởng, phong cách cao đẹp của một bậc vĩ nhân.
Khu di tích chính là một trong 10 di tích đầu tiên trong cả nước được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đợt 1, năm 2009.
Đài vẫn bật và đèn vẫn sáng
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc nhiều nơi nhưng Khu Phủ Chủ tịch vinh dự là nơi gắn bó với Người lâu nhất - 15 năm cuối đời (1954-1969).
Bà Phượng cho biết sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, những cán bộ từng phục vụ Bác đã tình nguyện ở lại, dốc lòng, dốc sức trông nom, gìn giữ tốt nhất những di tích của Bác, từ ngôi nhà, vườn cây, ao cá đến đồ dùng hằng ngày.
Vì thế Khu di tích về Bác tại Phủ Chủ tịch vẫn được bảo vệ, bảo quản cẩn trọng, chu đáo. Nhà sàn đúng giờ vẫn có tiếng đài và đèn bật sáng. Cửa vẫn mở hằng ngày, đồ đạc trong nhà vẫn được sắp đặt ngay ngắn, sạch sẽ như đang đợi Người.
Trên con đường Bác thường đi bách bộ, anh chị em ngày ngày vẫn quét dọn sạch sẽ, hàng rào dâm bụt vẫn được cắt xén vuông vắn. Vườn của Bác vẫn bưởi cam thơm, mát bóng dừa.
Bà Phượng nói, đối với quốc gia, khu di tích đã trở thành địa chỉ đỏ, địa chỉ thiêng liêng để giáo dục về lòng yêu nước, tự hào dân tộc, về truyền thống lịch sử văn hóa.
Đối với quốc tế, khu di tích trở thành nơi đáp ứng tình cảm, lòng mong mỏi và ngợi ca của bạn bè năm châu, khi nghĩ đến Việt Nam là nhớ đến Bác Hồ.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu khi soi vào những câu chuyện đời thường Người để lại nơi này, mỗi chúng ta trong cuộc sống hiện đại hôm nay vẫn tìm thấy những bài học lớn.
Từ khi mở cửa, khu di tích đã đón gần 90 triệu người từ khắp mọi vùng đất trên lãnh thổ Việt Nam và từ khoảng 160 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đến thăm, với số lượng năm sau cao hơn năm trước.
Dịp này, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cũng khai mạc triển lãm 55 năm ngày Bác đi xa, 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969-2024).
Triển lãm giới thiệu đến công chúng những hình ảnh và tư liệu về cuộc sống đời thường và công việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch từ năm 1954 đến 1969.
Giới thiệu công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích gồm hai giai đoạn từ năm 1969 đến 1992 và từ năm 1992 đến nay, cùng những bức tranh, ảnh các nghệ sĩ trong nước và quốc tế sáng tác về khu di tích.