Xúc động chuyện tình người lính giải phóng quân Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, khi cùng đồng đội ôn lại những trận đánh mùa xuân 1975, Đại tá Nguyễn Văn Dần (thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh) - nguyên Đại đội trưởng Đại đội Bộ binh, thuộc Trung đoàn 266, Sư đoàn 341, cùng vợ bồi hồi nhớ lại chuyện tình “kỳ lạ” của họ 45 năm trước.

Xúc động chuyện tình người lính giải phóng quân Hà Tĩnh

Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu

Đám cưới không có chú rể

Đại tá Nguyễn Văn Dần (SN 1950) quê ở thị trấn Nghèn (Can Lộc). Ông nhập ngũ tháng 1/1969. Từ năm 1971-1973, ông được cử đi học sĩ quan tại Trường Quân chính Quân khu 4 và Trường Sĩ quan Lục quân. Tháng 4/1973, ông được điều về công tác tại Sư đoàn 341 (Quân khu 4). Tháng 12/1974, cùng với đơn vị, ông nhận nhiệm vụ chuẩn bị Nam tiến giải phóng Sài Gòn.

Vợ của Đại tá Nguyễn Văn Dần là bà Nguyễn Thị Thường (SN 1950) người cùng quê. Cuối năm 1974, bà Thường đang là cán bộ thủy lợi ở Ninh Bình. Sau 5 năm yêu nhau và chờ đợi, đầu tháng 2/1975, được sự đồng ý của 2 đơn vị, ông Dần và bà Thường quyết định về quê tổ chức đám cưới. Thế nhưng, chú rể bỗng dưng “mất tích” khi chuẩn bị lễ rước dâu.

Xúc động chuyện tình người lính giải phóng quân Hà Tĩnh

Đại tá Nguyễn Văn Dần

Đại tá Nguyễn Văn Dần nhớ lại: “Hôm đó là ngày 25 tháng Chạp năm 1974 (5/2/1975 - P.V), chúng tôi đến một cửa hàng ở thị trấn Nghèn mua một số thứ để chuẩn bị cho lễ cưới diễn ra vào hôm sau. Sau khi đưa cô ấy về nhà, trên đường về nhà mình, tôi thấy nhiều xe chở quân đi vào Nam, chưa biết là lính ở đơn vị nào thì chợt nghe tiếng gọi, rồi một chiếc xe dừng lại. Tôi vừa kịp nhận ra người quen thì chỉ huy đơn vị đã bước xuống vẫy tôi lên xe. Nhận được lệnh vào Nam chiến đấu, tôi không do dự, lập tức theo đơn vị”.

“Tôi hoàn toàn không biết gì vì việc rước dâu đã sẵn sàng. Mãi cho tới tối hôm đó, bố mẹ ông Dần cùng vài người bên nhà trai mới sang nhà tôi nói chuyện. Mẹ ông ấy gặp riêng tôi an ủi và đưa cho tôi một lá thư.

Lá thư chỉ có một dòng: “Em thông cảm, anh phải vào Nam đánh giặc. Em nhớ giữ gìn sức khỏe”. “Chiến tranh mà, lúc đó phụ nữ ai cũng sẵn sàng như thế cả, tôi cũng không buồn gì, chỉ nghĩ và lo cho ông ấy thôi” - bà Thường nói về tâm trạng mình lúc đó.

Xúc động chuyện tình người lính giải phóng quân Hà Tĩnh

Bà Nguyễn Thị Thường, vợ Đại tá Nguyễn Văn Dần.

Vậy là đám cưới của ông Dần và bà Thường vẫn diễn ra như ấn định, có điều đám rước dâu không có chú rể.

Vững tin ngày chiến thắng

Về nhà chồng được 1 ngày thì bà Thường trở về nhà bố mẹ đẻ “lại mặt”, bà xin bố mẹ chồng ở lại chơi ít ngày. Đó là những ngày cận tết Ất Mão (1975).

“Sáng mùng 1 tết (tức sau đám cưới 4 ngày), em trai của ông Dần đạp xe xuống nhà tôi. Vừa gặp tôi ở sân, chú ấy đã vội vã: Chị về đi. Anh Dần về rồi. Tôi ngớ ra không tin. Chú ấy bảo: Anh về đêm qua nhưng mệt quá không xuống đón chị được. Nửa tin nửa ngờ không biết có chuyện gì, tôi vội vã chào bố mẹ rồi về nhà chồng. Trên đường, tôi cứ nghĩ có chuyện gì mà anh ấy bị đơn vị trả lại?” - bà Thường nói.

Xúc động chuyện tình người lính giải phóng quân Hà Tĩnh

Sau 35 năm cống hiến cho đất nước, vợ chồng Đại tá Nguyễn Văn Dần vui thú cảnh điền viên.

“Khi đó, đơn vị tôi vào đến Lệ Thủy (Quảng Bình) thì dừng lại nhận quân, biết chuyện của tôi nên chỉ huy cho tôi được về phép 4 ngày rồi quay vào. Vì thế mà chúng tôi mới có đêm tân hôn trước khi ra trận” - Đại tá Nguyễn Văn Dần nhớ lại.

Sau kỳ phép ngắn ngủi, ngày 14/2/1975, ông Dần chia tay vợ vào Nam chiến đấu. Còn bà Thường trở về cơ quan mình ở Ninh Bình để tiếp tục công việc. Bà Thường cho biết: Từ hôm đó cho đến sau ngày giải phóng, bà không nhận được tin tức gì về chồng. Nhưng tâm lý lúc nào cũng vững tin ông sẽ trở về.

Cho đến đêm 26/4/1975 thì bà có một giấc mơ hãi hùng về ông. Bà Thường kể: “Đêm đó đang ngủ thì tôi mơ thấy ông ấy chiến đấu và hy sinh. Tỉnh dậy, tôi khóc như mưa đến nỗi làm cả khu tập thể cán bộ náo loạn. Ai cũng chạy sang hỏi han tôi xem có chuyện gì. Nghe kể lại, mọi người đều hiểu và thông cảm cho tôi. Một chị đồng nghiệp người Ninh Bình an ủi: Mơ dữ là điềm lành, anh ấy sẽ tai qua nạn khỏi, khi ấy tôi mới bình tâm trở lại...”.

Xúc động chuyện tình người lính giải phóng quân Hà Tĩnh

... và dành thời gian quan tâm nhau nhiều hơn.

Ông Dần đã trở về sau những chiến công hiển hách. “Đó là khoảng thời gian các trận đánh ác liệt nhất trong cuộc chiến. Từ ngày 9 - 30/4/1975, trong vòng 21 ngày, chúng tôi không có giây phút nghỉ ngơi, lúc cả đơn vị tiến vào Dinh Độc Lập (khoảng 15h ngày 30/4/1975), người nào người nấy áo quần nhuốm dày mồ hôi và bụi đất.

Chúng tôi đã thoát qua súng đạn kẻ thù để giành chiến thắng cuối cùng nhưng phía sau có bao đồng đội đã ngã xuống. Chúng tôi luôn nhớ thương và cảm ơn về sự hy sinh của họ” - Đại tá Nguyễn Văn Dần kể.

Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 10/1975, Đại tá Nguyễn Văn Dần được về phép 1 tháng. Năm 1976, vợ ông sinh con trai đầu lòng. Năm 1978-1980, ông tham gia chiến trường K, đánh đuổi quân Pôn Pốt trên đất nước bạn Campuchia. Năm 1981, ông trở về Sư đoàn 341, sau đó về công tác tại Bộ Tư lệnh Quân khu 4. Đại tá Nguyễn Văn Dần nghỉ hưu năm 2008.

Xúc động chuyện tình người lính giải phóng quân Hà Tĩnh

Đại tá Nguyễn Văn Dần cùng đồng đội ôn lại ký ức về ngày 30/4 lịch sử.

45 năm sau ngày cưới, vợ chồng Đại tá Nguyễn Văn Dần có 3 con trai và tất cả đều thành đạt.

Sau thời gian cống hiến, khi về hưu, vợ chồng ông Dần, bà Thường dành thời gian chăm sóc nhau nhiều hơn nhưng cũng không quên đồng đội của mình.

Nhiều năm qua, Đại tá Nguyễn Văn Dần vẫn giữ liên lạc với đơn vị cũ và vẫn cùng những người bạn chiến đấu khác, giúp đỡ những đồng đội gặp khó khăn trong cuộc sống.

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.