
Dành hơn 20 năm để nghiên cứu về lịch sử làng quê ở Hà Tĩnh theo những tư liệu cũ bằng chữ Hán và chữ Nôm, ông Nguyễn Thế Phiệt (xã Mai Hoa, Hà Tĩnh) mong muốn khôi phục lại văn hóa, tín ngưỡng xa xưa của người Việt.


Ông Nguyễn Thế Phiệt (SN 1957, quê ở xã Mai Hoa, trước thuộc xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) từng là một sĩ quan quân đội, giữ quân hàm đại úy trong lực lượng Bộ đội Biên phòng. Trong suốt thời gian phục vụ, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được đồng đội và cấp trên tin tưởng. Sau khi xuất ngũ năm 1994, ông vào làm việc tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP Hồ Chí Minh. Là người cẩn trọng, tỉ mỉ và ham học, ông nhanh chóng tạo được dấu ấn trong công việc. Nhận thấy năng lực tiềm tàng của ông, lãnh đạo đơn vị quyết định cử ông theo học chuyên ngành Chính trị học tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Chính môi trường học thuật này đã mở ra cho ông một cánh cửa hoàn toàn mới, được tiếp xúc với các tư liệu cổ bằng chữ Hán, chữ Nôm – kho tàng sử liệu lâu nay tưởng như bị lãng quên. Từ những văn bản cổ, gia phả, sắc phong cho đến thần tích làng xã, ông Phiệt dần bị cuốn vào thế giới quá khứ, nơi lưu giữ ký ức sâu đậm về văn hóa, tín ngưỡng và đời sống làng quê Việt Nam xưa.
Sau khi tốt nghiệp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh vào năm 2003, ông Nguyễn Thế Phiệt đi theo một con đường lặng lẽ, tự học, tự tìm tòi và thực địa. Suốt hơn 20 năm qua, ông miệt mài khảo cứu các tư liệu Hán – Nôm, đi khắp các làng xã ở Hà Tĩnh và những vùng đất lịch sử để sưu tầm, đối chiếu, giải mã và ghi chép lại những nét văn hóa cổ xưa đã phai mờ theo thời gian.
Đặc biệt, ông dành sự quan tâm sâu sắc đến lịch sử điền dã – lĩnh vực nghiên cứu về cách con người tổ chức canh tác, quản lý đất đai, tín ngưỡng nông nghiệp và mối quan hệ gắn bó giữa cư dân với ruộng đồng. Đó không chỉ là lịch sử sản xuất, mà còn là lịch sử của niềm tin, của tâm linh làng xã và của trí nhớ cộng đồng.

CÓ NHỮNG TƯ LIỆU QUÝ ĐANG NẰM YÊN TRONG CÁC GIA PHẢ, SẮC PHONG CỦA DÒNG HỌ NHƯNG LẠI BỊ PHỦ BỤI VÌ CON CHÁU KHÔNG HIỂU CHỮ HÁN, CHỮ NÔM ĐỂ PHIÊN DỊCH NHỮNG NGÔN NGỮ CỦA CHA ÔNG ĐỂ LẠI.
“Đất nước ta từng trải qua 1.000 năm Bắc thuộc nên những ghi chép về lịch sử, bản sắc riêng của người Việt cổ còn lại không nhiều. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn đã qua đều để lại những trang sử rất đặc sắc như văn hóa thờ thành hoàng làng, nhà thờ họ thờ tổ tiên. Đặc biệt, lĩnh vực sử điền dã vẫn còn nhiều điều chưa được khai phá đúng mức. Có những tư liệu quý đang nằm yên trong các gia phả, sắc phong của dòng họ nhưng lại bị phủ bụi vì con cháu không hiểu chữ Hán, chữ Nôm để phiên dịch những ngôn ngữ của cha ông để lại”, ông Phiệt chia sẻ.
Theo ông Phiệt, những tư liệu cổ của các gia đình, dòng họ trên địa bàn Hà Tĩnh không chỉ là những bản ghi chép đơn thuần, mà còn là lớp trầm tích văn hóa, phản ánh sinh động đời sống điền dã và hành trình dựng xây của cha ông thuở trước. Tuy nhiên, để chắt lọc và tái hiện chúng thành những bộ sử có cấu trúc chặt chẽ, mạch lạc và độ chính xác cao, người biên soạn không chỉ cần thành thạo chữ Hán – Nôm, mà còn phải am hiểu sâu rộng về bối cảnh lịch sử từng thời kỳ.



MỖI TRANG SỬ ÔNG LẦN TÌM KHÔNG CHỈ LÀ TƯ LIỆU MÀ NHƯ MỘT TIẾNG VỌNG TỪ QUÁ KHỨ, TỪ HUYẾT MẠCH CỦA TỪNG DÒNG HỌ, TỪNG MÁI NHÀ, TỪNG NẾP SỐNG TỔ TIÊN.
“Có những bản phả ký hoặc sử ký dòng họ còn sơ lược, câu chữ mờ đi theo thời gian. Muốn phục dựng cho đúng, tôi buộc phải lần theo dấu vết thời gian, đối chiếu với tư liệu chính sử cùng thời để soi sáng và hiệu chỉnh lại cho thấu đáo”, ông Phiệt cho biết.
Với ông Nguyễn Thế Phiệt, mỗi dòng họ, mỗi vùng đất mà ông có dịp tìm hiểu đều để lại trong ông những kỷ niệm không thể phai mờ. Mỗi trang sử ông lần tìm không chỉ là tư liệu, mà như một tiếng vọng từ quá khứ, từ huyết mạch của từng dòng họ, từng mái nhà, từng nếp sống tổ tiên. Có những dòng họ sở hữu bề dày truyền thống kéo dài tới mười tám đời, nếu biên soạn đầy đủ, tường tận từ các bản chép tay bằng chữ Hán cổ sang chữ quốc ngữ, số trang có thể lên tới hàng ngàn, như một pho sử riêng biệt chắt lọc từ thời gian.
Tại xã Ân Phú xưa (nay là xã Mai Hoa) - nơi từng có 18 dòng họ lớn sinh tụ, ông Phiệt đã dày công nghiên cứu từng họ một cách kỹ lưỡng. Ông lần theo từng chữ Hán cổ, trích lục những lời căn dặn, kinh nghiệm mà tiền nhân để lại trong các bản gia phả, để từ đó hướng dẫn con cháu thờ cúng đúng nghi lễ, đúng vị trí tổ tiên, như một cách gìn giữ căn cốt văn hóa từ trong nếp nhà ra ngoài cộng đồng.



Không chỉ dừng lại ở việc sưu tầm và hiệu đính, ông còn tổng hợp, chắt lọc tinh hoa lịch sử của các dòng họ trong một công trình có tính hệ thống: cuốn sách "Làng Ân Phú", gồm 9 chương và 16 phụ lục. Tác phẩm là kết tinh của nhiều năm tâm huyết, bao quát hành trình hơn 6 thế kỷ lập làng, dựng ấp từ cuối thế kỷ XIV đến nay, như một tấm bản đồ ký ức, sống động và đầy cảm xúc, khắc họa rõ nét tiến trình hình thành và phát triển của vùng đất giàu truyền thống này.
Cuốn sách là bức tranh đa chiều về đời sống người Việt vùng hữu ngạn sông Ngàn Cả qua nhiều thế kỷ. Từ những đợt di dân, sự hình thành các làng quê, dòng họ, gia phả chi tiết, đến tập tục sinh hoạt, ăn mặc, sự giao thoa tôn giáo, tín ngưỡng. Đồng thời, "Làng Ân Phú" còn khắc họa các dòng văn hóa, trò chơi dân gian, truyền thống hiếu học và hoạt động mưu sinh, mang đến cái nhìn sâu sắc và toàn diện về một vùng đất địa linh.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Chính trị học tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thế Phiệt mang hành trang là lòng đam mê sử Việt trở lại quê nhà, bắt đầu cuộc hành trình hơn hai thập kỷ miệt mài dịch thuật và phục dựng văn hóa làng quê.
“Tôi bắt đầu từ những trang sử của 18 dòng họ ở làng Ân Phú xưa, rồi dần tiếp cận với hàng trăm dòng họ khác ở vùng lân cận như Đức Thọ, Hương Sơn... Chỉ cần có người gọi là tôi lại xách đồ nghề lên đường. Có nơi thì để gia chủ tuỳ tâm hỗ trợ chi phí, có nơi tôi không nhận tiền công, vì phần thưởng lớn nhất chính là những tư liệu quý giá mình được tiếp cận, là trải nghiệm giúp mình mở mang tầm mắt và thêm trân trọng quá khứ”, ông Phiệt nói.

Gần đây, ông Nguyễn Thế Phiệt đã hỗ trợ dòng họ Nguyễn Phi ở Thạch Hà – một dòng họ danh giá từng có tới 7 vị quận công dưới thời Lê – Trịnh. Dù có truyền thống hiển hách, nhưng do thiếu hiểu biết về tư liệu Hán – Nôm, con cháu trong họ vẫn còn lúng túng trong việc thờ tự tổ tiên. Sau khi tiếp nhận thông tin và lời mời từ dòng họ, ông Phiệt đã trực tiếp khảo cứu, biên soạn lại hệ thống gia phả, sắc phong và tư liệu lịch sử, nhằm xác định rõ danh vị tổ tiên, từ đó hướng dẫn tổ chức việc thờ cúng đúng nghi lễ, tôn nghiêm và phù hợp với truyền thống văn hóa của dòng họ từ bao đời nay.
Hay có thể kể tới hành trình khôi phục lịch sử cùng tôn tạo đình làng Kim Thịnh (xã Đức Minh, Hà Tĩnh). Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh, đền Ngũ Long xưa (nay là đền Kim Thịnh) vốn có từ đầu thời Lê Sơ, là nơi thờ thành hoàng làng, sau này được phối thờ thêm 4 vị hoàng phi thuộc 2 triều đại Trần – Lê. Các vị được thờ gồm: Hoàng Vĩ Thái hậu – Bạch Ngọc Hoàng hậu, cung phi của vua Trần Duệ Tông; Hoàng Vại Thánh Bà – Huy Chân Công chúa, cung phi của vua Lê Thái Tổ; bà Trần Thị Ngọc Dương và bà Phùng Thị Thục Giang – đều là cung phi của vua Lê Thánh Tông.



Trải qua hàng trăm năm tồn tại và thờ tự dưới các triều đại Lê – Nguyễn, đền từng là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng quan trọng của người dân địa phương. Tuy nhiên, sau nhiều biến động lịch sử, đặc biệt là trận hỏa hoạn đầu thập niên 1960, di tích rơi vào cảnh hoang phế. Đến năm 2022, người dân thôn Châu Thịnh (nay là xã Đức Minh) đã chung tay phục dựng ngôi đền trên nền đất cũ, dựa theo mô hình cổ với những điều chỉnh phù hợp điều kiện thực tế hiện nay. Công trình được khởi công ngày 1/11/2022 và hoàn thành đúng một năm sau, ngày 1/11/2023.
NẾU CHÚNG TÔI LÀ NHỮNG NGƯỜI DỰNG LẠI NGÔI ĐỀN VỀ MẶT HÌNH HÀI, THÌ ÔNG PHIỆT CHÍNH LÀ NGƯỜI GÓP PHẦN KHÔI PHỤC TRỌN VẸN THẦN KHÍ, SỰ LINH THIÊNG VÀ VẺ UY NGHIÊM CỦA ĐỀN XƯA.
“Ông Nguyễn Thế Phiệt là người đã cùng tôi và bà con Châu Thịnh đồng hành trong hành trình tìm lại cội nguồn lịch sử đình làng Kim Thịnh. Nhờ sự tận tâm và hiểu biết sâu sắc của ông, người dân đã hiểu rõ các vị thần được thờ phụng, nắm được các nghi thức thờ tự cổ truyền của cha ông. Nếu chúng tôi là những người dựng lại ngôi đền về mặt hình hài, thì ông Phiệt chính là người góp phần khôi phục trọn vẹn thần khí, sự linh thiêng và vẻ uy nghiêm của đền xưa”, ông Trần Hồng Lam (quê thôn Châu Thịnh, xã Đức Minh) – người đứng ra kêu gọi và đóng góp kinh phí chính để tái dựng lại đền Kim Thịnh cho biết.

Sở hữu một kho tư liệu nghiên cứu phong phú về lịch sử, đặc biệt là văn hóa cổ và lịch sử điền dã, đến nay ông Nguyễn Thế Phiệt đã cho ra mắt hơn 20 đầu sách chuyên khảo, góp phần hệ thống và lan tỏa những giá trị đặc sắc của văn hóa làng xã Việt Nam. Một số tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến như: "Làng Ân Phú", "Bách sự lễ làng", "Thông thư điền dã", "Đền Vại – Ân Phú"... những công trình không chỉ giàu tính học thuật mà còn phản ánh sâu sắc đời sống tín ngưỡng, phong tục tập quán và ký ức cộng đồng từ tư liệu Hán – Nôm cổ.
Giữa dòng chảy hối hả của thời cuộc, ông Nguyễn Thế Phiệt lặng lẽ bước đi như một người "gác đền" của ký ức. Hơn 20 năm bền bỉ lần giở từng trang gia phả cũ, từng nét chữ Hán – Nôm đã phai màu thời gian, ông không chỉ khôi phục lịch sử dòng họ, làng mạc, mà còn khơi dậy một phần hồn cốt văn hóa đang dần chìm khuất. Những cuốn sách ông viết, những đền miếu ông góp công phục dựng là cách ông nối nhịp quá khứ với hiện tại, để người Việt hôm nay không lạc mất mình giữa những ồn ào hiện đại. Ở nơi tận cùng ký ức làng quê, ông Phiệt vẫn miệt mài “dịch sử”, như thể đang thắp lên một ngọn lửa nhỏ âm ỉ mà bền bỉ soi sáng con đường trở về cội nguồn.
ÔNG NGUYỄN THẾ PHIỆT KHÔNG XUẤT THÂN TỪ NGÀNH VĂN HÓA, NHƯNG LẠI LÀ NGƯỜI ĐANG LÀM CÔNG VIỆC CỦA MỘT NHÀ BẢO TỒN ĐÍCH THỰC. VỚI NIỀM ĐAM MÊ LỚN LAO VÀ SỰ MIỆT MÀI TỰ HỌC, ÔNG ĐÃ MỞ CÁNH CỬA DẪN VÀO KHO TÀNG HÁN – NÔM CỔ, LẦN THEO TỪNG CON CHỮ ĐỂ ĐÁNH THỨC NHỮNG LỚP KÝ ỨC BỊ THỜI GIAN PHỦ BỤI.
TỪ VÙNG ĐẤT ÂN PHÚ QUÊ NHÀ, ÔNG ĐI QUA NHIỀU LÀNG XÃ, KHÔI PHỤC NHỮNG GÌ TƯỞNG NHƯ ĐÃ MẤT; TỪ THẦN TÍCH, GIA PHẢ, ĐẾN NGHI LỄ THỜ TỰ CỔ TRUYỀN. NHỮNG TRANG SÁCH ÔNG VIẾT KHÔNG CHỈ LÀ TƯ LIỆU, MÀ LÀ CẦU NỐI GIÚP NGƯỜI HÔM NAY HIỂU VÀ TRÂN TRỌNG CỘI NGUỒN. NHỜ ÔNG, NHIỀU GIÁ TRỊ VĂN HÓA LÀNG QUÊ ĐÃ ĐƯỢC CHẮT LỌC, GÌN GIỮ VÀ SỐNG LẠI MỘT CÁCH TRANG NGHIÊM, ĐÚNG MẠCH LỊCH SỬ.
NỘI DUNG: SĨ HOÀNG - SỸ THÔNG
ẢNH, VIDEO: SĨ HOÀNG
THIẾT KẾ: HUY TÙNG