Sau Hiệp định Paris 1973, về cơ bản, hình thái chiến trường miền Nam vẫn là thế cài răng lược, đôi bên giằng co thế trận. Ảnh tư liệu ghi lại thời khắc bà Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.
Bước sang năm 1975, chiến trường miền Nam chưa dễ ngã ngũ và chính quyền Sài Gòn vẫn xua quân cấp tốc bình định và lấn chiếm. Tết Nguyên đán 1975 trôi qua trong lặng lẽ. Đột nhiên, ngày 10/3/1975, tiếng pháo của quân giải phóng gầm lên dội bão lửa xuống Buôn Mê Thuột. Khi xe tăng giải phóng tràn ngập quân trường Mai Hắc Đế và sân bay Hòa Bình thì Buôn Mê Thuột thất thủ hoàn toàn.
Đòn nghi binh hướng Pleiku mà thực chất lại giáng vào Buôn Mê Thuột đã trở thành cú điểm huyệt cực kỳ hiểm hóc. Quân ngụy hoảng loạn, mất phương hướng chống đỡ trong khi quân giải phóng khóa huyết mạch giao thông, chia cắt đội hình địch và hành tiến trên khắp Tây Nguyên.
Sau những đợt phản kích tuyệt vọng bị đập tan, Nguyễn Văn Thiệu đành rút quân về đồng bằng ven biển để bảo toàn lực lượng. Cuộc rút lui bảo toàn binh lực trở thành cuộc tháo chạy vô cùng hỗn loạn. Hàng vạn tên lính sừng sỏ vùng 2 chiến thuật như rắn mất đầu, đạp lên nhau hòng thoát thân nhưng bốn bề đều là tiếng súng. Rừng xanh núi đỏ Tây Nguyên vĩnh viễn xóa sổ quân đoàn 2 ngụy.
Các đơn vị hành quân tiến vào giải phóng Buôn Mê Thuột. Ảnh tư liệu TTXVN
Danh hiệu một thời mà tổng thống ngụy gắn cho đoàn binh này là “Bắc phạt - Nam bình - Cao nguyên trấn” tan tành theo khói súng. Mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ ngụy quân bị đập tan, để lộ “mảnh sườn” chết chóc. Dẫu Nguyễn Văn Thiệu và tướng “con cưng” Ngô Quang Trưởng hô hét “tử thủ Huế bằng mọi giá” thì nòng súng hờn căm vẫn hướng về Cố đô.
Quân giải phóng lại khóa chặt đèo Hải Vân, bịt kín cửa biển Tư Hiền bằng thủy lôi để ngỏ cửa Thuận An dưới tầm ngắm của đại bác. Ngày 23/3/1975, cờ giải phóng tung bay trên kỳ đài Đại Nội. Hàng vạn tên lính tháo chạy xuống cửa Thuận An, bị chôn vùi dưới làn sóng hờn căm. Quân đoàn 1 sừng sỏ một thời ở bờ Nam sông Bến Hải bị khai tử.
Mất Huế, Tổng thống Thiệu gào lên: tử thủ Đà Nẵng. Nhưng dù là căn cứ liên hợp quân sự mạnh nhất thời ấy, mất Huế thì Đà Nẵng cũng tựa cá nằm trên thớt. Khi kẻ thù chưa khô mảnh giáp, hàng trăm cỗ đại pháo dội hờn căm xuống bán đảo Sơn Trà, sân bay Đà Nẵng chìm ngập trong lửa đạn và thất thủ hoàn toàn vào ngày 25/3/1975. Chưa bao giờ cỗ máy chiến tranh ngụy quyền hoảng loạn và suy sụp như thế.
Các chiến sĩ Đoàn Phú Xuân giải phóng Huế ngày 26/3/1975. Ảnh: Nhà báo Ngọc Đản chụp trước cửa Ngọ Môn - Huế
Từ đây, có những biến đổi to lớn, nhảy vọt về chất, làm thay đổi căn bản cục diện chiến trường. Quân ủy Trung ương kịp thời phát mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng phút, từng giờ xốc tới mặt trận giải phóng hoàn toàn miền Nam”. Mệnh lệnh đó là lời hịch non sông, là nguyện vọng của lịch sử không gì ngăn nổi.
Chưa đầy một tháng, cả vùng lãnh thổ duyên hải trải dài từ Đà Nẵng đến Phan Rang rợp màu cờ đỏ. Sau khi đập tan phòng tuyến Xuân Lộc, cửa ngõ vào Sài Gòn đã mở. Ngày tận số của chế độ Việt Nam cộng hòa đã điểm. Ngày 21/4/1975, Tổng thống Thiệu từ chức, lên máy bay trốn chạy. Trưa ngày 30/4/1975, 5 cánh quân như 5 lưỡi dao xuyên vào ngực giặc. Cờ giải phóng bay trên nóc Dinh Độc Lập.
Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng không điều kiện. Giây phút lịch sử ấy, phóng viên hãng thông tấn UPI AlenDowSon phát đi tín hiệu toàn cầu từ đài phát thanh Sài Gòn: “Hỏa tốc - Sài Gòn - Chính phủ đầu hàng - NTL C002 sáng”. Từ Sài Gòn, sau 40 giây đến Brucxen (Bỉ) trung tâm của khối NATO và cả nhân loại toàn cầu biết sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn.
Trong ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng. Hồi kèn chiến thắng như hồi kết cho một cuộc chiến kéo dài 20 năm với bao đau thương cho dân tộc Việt Nam. Cái giá của hòa bình, thống nhất được trả bằng máu xương của bao thế hệ. Hình như mỗi ngọn núi, dòng sông và trong từng cỏ cây, thước đất đều thấp thoáng hình hài của những người con hy sinh vì Tổ quốc. Nắng cuối xuân đẹp như những vòng hoa trên tượng đài chiến thắng!