Vùng “đất lửa” trong ký ức của người đại tá

(Baohatinh.vn) - 19 tuổi lên đường đi đánh giặc với hàng chục trận đánh ác liệt, bao lần thoát chết trong gang tấc, người đại tá già Nguyễn Thanh Triết (SN 1947 - trú thôn Thiện Nộ, xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) luôn lưu giữ vẹn nguyên ký ức về những năm tháng hào hùng của tuổi trẻ ở “đất lửa” Bình Trị Thiên.

Ký ức về một thời máu lửa

Đã hàng chục năm trôi qua nhưng ký ức về những tháng ngày trong quân ngũ, những lần đi trinh sát, luồn sâu trong lòng địch, công đồn phá bốt, mở hướng cho đồng đội tiến công trên mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió vẫn luôn thổn thức trong Đại tá Nguyễn Thanh Triết.

Ông Triết sinh ra và lớn lên ở xã miền biển ngang Thạch Hội (huyện Thạch Hà). Năm 1966, khi vừa rời ghế nhà trường, với khí thế hừng hực của tuổi trẻ, ông cùng bạn bè hăng hái xung phong lên đường nhập ngũ.

Sau một thời gian được biên chế huấn luyện tại C53, D31 đơn vị đặc công (đóng tại xã Sơn Lĩnh - huyện Hương Sơn), đơn vị của ông lên đường vào chiến đấu tại mặt trận B5 Quảng Trị, ông được biên chế vào Đại đội K12 đặc công Do Cam - Quảng Trị. Đây được xem là đơn vị chủ lực với đội quân thiện chiến, chịu trách nhiệm mở vùng, luồn sâu, đánh hiểm vào những mục tiêu then chốt của địch.

Vùng “đất lửa” trong ký ức của người đại tá

Vị đại tá già vẫn giữ được phong thái uy nghiêm, đĩnh đạc dù đã gần bước sang tuổi 75.

Ông Triết nhớ lại: “Đơn vị của tôi tham gia nhiều trận đánh ác liệt trên khắp các địa bàn chiến lược ở Quảng Trị như Cửa Việt, Cam Lộ, Do Linh, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Triệu Hải... Chỉ riêng từ năm 1968 - 1975, tôi đã trực tiếp tham gia khoảng 30 trận đánh lớn ở vùng “đất lửa” này. Và ký ức về những ngày tháng đó theo tôi suốt cả cuộc đời”.

Trận đánh để lại nhiều dấu ấn nhất trong đời quân ngũ của ông là trận Quật Xá (xã Cam Thành - huyện Cam Lộ - Quảng Trị) vào 1h sáng ngày 25/2/1969 (ngày 29 tết Kỷ Dậu). Trong trận này, quân ta tiến công với thế chủ động, giành được thắng lợi vang dội. Chỉ trong một đêm, quân ta đã tiêu diệt được 180 tên Mỹ, ngụy; bắt sống nhiều tù binh, thu các loại vũ khí.

Vùng “đất lửa” trong ký ức của người đại tá

Đại tá Nguyễn Thanh Triết chia sẻ với phóng viên những kỷ niệm ở chiến trường.

Với sự gan dạ, dũng cảm, sau trận đánh này, ông Triết vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến sỹ giải phóng Hạng Ba. Gần 1 tháng sau, đêm 19/3/1969, ông tiếp tục tham gia trận đánh Cồn Tòng (ấp Long Hà - bờ Bắc Cửa Việt - Quảng Trị). Ông đã gan dạ, khéo léo dẫn đồng đội đào xuyên chân hàng rào các lớp hàng rào thép gai vào sâu trong đồn địch. Thời điểm này, ông được tặng thưởng Huân chương Chiến sỹ vẻ vang, rồi Huân chương chiến công bởi những sáng kiến thực địa và giải pháp sáng tạo để đưa các thương binh về tuyến sau an toàn.

“Đất lửa” Quảng Trị là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt với 10 huân chương chiến công gắn với tên của người CCB Nguyễn Thanh Triết và cũng là mảnh đất thiêng, luôn quặn lên trong lòng người lính già những niềm đau khôn nguôi. “Bao đồng đội của tôi đã ngã xuống, từng tấc đất đều thấm máu họ. Không ít lần tôi cõng anh em thương binh ra hậu cứ, rồi quay lại tìm cách an táng đồng đội...” - ông Triết nghẹn ngào.

Bản lĩnh của người lính kiên trung

Sau chiến tranh, ông được điều về công tác tại Quân Khu 4 và được Đảng ủy Quân khu cử đi học tại Trường Đại học Tổng hợp Huế. Khi đó, ông đã ngoài 35 tuổi. Lớp Văn K5 ngày ấy, những sinh viên mười tám đôi mươi vẫn gọi ông bằng cái tên gần gũi: “bọ Triết”.

Vùng “đất lửa” trong ký ức của người đại tá

Ông Triết (thứ 4 từ trái sang) và tập thể lớp Văn K5 Trường Đại học Tổng hợp Huế.

Ngay trong năm đầu, ông đã được bầu vào Ban chấp hành Đảng ủy Trường Đại học Khoa học Huế. Với những hoạt động tích cực của ông, lớp Văn K5 trở thành hình mẫu lớp học xã hội chủ nghĩa đầu tiên của trường. Nhiều sinh viên được ông dìu dắt, bồi dưỡng để đứng vào hàng ngũ của Đảng. Ông cũng dùng những đồng lương ít ỏi của mình để giúp đỡ đồng hương trong trường.

Vùng “đất lửa” trong ký ức của người đại tá

Cuộc sống đời thường bình dị của ông Triết.

Bảo vệ thành công xuất sắc đề tài luận văn tốt nghiệp, dù được nhà trường giữ lại công tác, ông vẫn chọn màu áo lính. Ông trở về đơn vị với vai trò giảng viên Trường Đảng tại Cục Chính trị Quân khu 4.

Nhưng từ đây cũng bắt đầu giai đoạn đầy khó khăn, thử thách khi gia đình ông gặp biến cố lớn: người vợ đã đồng cam cộng khổ với ông lặng lẽ ra đi sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật.

Đều đặn mỗi tuần, trên chiếc xe đạp thồ, ông đi về với các con trên tuyến đường Vinh - Hà Tĩnh. Hơn 40 tuổi với 5 đứa con bơ vơ, đứa nhỏ nhất mới lên 2 - cảnh “gà trống nuôi con”, khốn khó trăm bề. Đơn vị, đồng đội sẻ chia, đùm bọc cha con ông đi qua những ngày gian khó.

Vùng “đất lửa” trong ký ức của người đại tá

Ngôi nhà nhỏ của ông là nơi mà cán bộ, chiến sỹ các đơn vị thường ghé thăm để được nghe kể chuyện thời chiến.

Sau này, ông được Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đồng ý chuyển công tác về Hà Tĩnh. Trong vai trò Phó Chỉ huy trưởng, Chủ nhiệm Chính trị Huyện đội Cẩm Xuyên, ông đã rong ruổi khắp địa bàn huyện để xây dựng cụm tuyến an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu; chủ trì viết lịch sử các đảng bộ địa phương. Sau này, trong vai trò Đội trưởng Đội Xây dựng cơ sở - Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, ông đã góp phần quan trọng ổn định tình hình tại nhiều điểm nóng của Hà Tĩnh lúc bấy giờ.

Khi về hưu, ông sống cuộc đời bình dị, hưởng niềm vui tuổi già khi chứng kiến con cháu thành đạt, hiếu thảo. Ngôi nhà nhỏ của ông là địa chỉ mà cán bộ, chiến sỹ các đơn vị tìm đến để được nghe người lính già kiên trung kể về những năm tháng lịch sử hào hùng. Chính trị viên phó Tiểu đoàn 2 - Trung đoàn 841 Lưu Minh Thông chia sẻ: “Những câu chuyện của ông chứa đựng một phần lịch sử đấu tranh hào hùng của đất nước. Mỗi lần đến thăm ông, chúng tôi càng thấy bản thân phải nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện nhiều hơn nữa để xứng đáng với những hy sinh, mất mát của thế hệ cha ông”.

Người đảng viên “đi đầu, bước trước”

Dù không sinh ra và lớn lên ở thôn Thiện Nộ - Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) nhưng nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của ông. Vùng đất nghèo khó những ngày đầu gia đình ông mới đặt chân đến, nay đã đổi khác với diện mạo mới, tươi đẹp hơn của một khu dân cư kiểu mẫu. Trong sự đổi thay đó, có đóng góp không nhỏ của ông. Với kiến thức dày dặn và kinh nghiệm nhiều năm công tác, ông đã tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền nhiều công việc quan trọng của địa phương.

Vùng “đất lửa” trong ký ức của người đại tá

Với kiến thức dày dặn và nhiều năm kinh nghiệm công tác, ông đã tham mưu cấp ủy, chính quyền nhiều vấn đề lớn tại địa phương.

Khi có chủ trương nhập thôn, nhiều vấn đề đã nảy sinh, trong đó, có sự bất đồng ý kiến về việc chuyển vị trí nhà văn hóa. Với bản lĩnh và uy tín của người đảng viên hơn 40 năm tuổi đảng, ông đã đấu tranh với những tư tưởng bảo thủ; khéo léo làm công tác dân vận để góp phần tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận với chủ trương chung.

Để bà con có thêm không gian sinh hoạt chung, ông đã bỏ ra gần 80 triệu đồng mua thêm hàng nghìn m2 đất làm khuôn viên cho nhà văn hóa; ủng hộ hàng trăm triệu đồng để thôn làm đường bê tông. Cũng nhờ ông, ko ít tuyến đường đã ngày một rộng dài hơn, không ít người dân đã chan hoà, quý mến nhau hơn, gạt bỏ bao tị hiềm vì những bon chen thường nhật. Với tâm huyết của mình trong việc tìm kiếm, sưu tâm các tư liệu nghiên cứu đầy thuyết phục, ông đã chủ trương khôi phục tên làng xưa - Thiện Nộ. Cá nhân không đủ nguồn lực, ông đi vận động bạn bè, đồng đội kinh phí xây cổng làng; khôi phục miếu thờ thành hoàng...

Vùng “đất lửa” trong ký ức của người đại tá

Cổng làng Thiện Nộ được xây dựng bằng nguồn kinh phí do ông Triết đóng góp, vận động bạn bè, đồng đội.

Ông Nguyễn Công Đạt - Trưởng thôn Thiện Nộ cho biết: “Ông Triết là đảng viên gương mẫu, luôn phát huy vai trò đi đầu, bước trước trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Bằng uy tín và kinh nghiệm, ông trở thành nhân tố gắn kết các hoạt động, tập hợp, đoàn kết người dân trong thôn cùng chung tay xây dựng quê hương”.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà

Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Nguyễn Hoà Bình vừa gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh về thành tích xuất sắc triệt phá thành công đường dây buôn bán hơn 6.000 điện thoại di động giả. Trong thư Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình viết:
Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.