Trở về ngã ba huyền thoại
Những người từ mọi miền Tổ quốc đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đều chung một mong muốn được dâng lên mộ phần các liệt sỹ những nén hương tưởng nhớ, tri ân trong dịp kỷ niệm ngày thống nhất non sông.
Du khách đến với Ngã ba Đồng Lộc.
Trong dòng người lặng lẽ ấy, có những cụ già lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này. Bà Nguyễn Thị Huệ (gần 70 tuổi) đến từ Bắc Giang là một trong số đó. Biết đến sự tàn khốc của vùng “tọa độ chết” một thời qua từng thước phim, sách, báo, bà Huệ càng cảm phục sự kiên cường, anh dũng của các lực lượng thanh niên xung phong, giao thông, bộ đội… trong những năm tháng “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm” để giữ gìn huyết mạch giao thông.
Bà Huệ tâm sự: “Tuy lần đầu đến Đồng Lộc nhưng trong thâm tâm tôi vẫn luôn xem đây là một chuyến trở về. Bởi với tôi, những tên đất, tên người nơi đây đã trở nên rất đỗi thân quen qua những thước phim, câu chuyện tôi biết. Tự tay mình dâng lên mộ người đã khuất nén hương, quả bồ kết là tôi đã toại nguyện ước mơ”.
Ở tuổi xế bóng, bà Nguyễn Thị Huệ ở thị xã Bắc Giang mới thực hiện được tâm nguyện về Đồng Lộc.
Anh Trần Đình Ước - Trưởng ban Quản lý (BQL) Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho biết: “Từ đầu tháng 4 đến nay, lượng khách đến với Đồng Lộc tăng đáng kể, trung bình mỗi ngày trên 500 lượt người. Để nâng cao chất lượng phục vụ du khách trong dịp lễ, chúng tôi đã bố trí 100% cán bộ, công nhân viên trực, công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an ninh trật tự… được chuẩn bị chu đáo”.
Năm nay, BQL đã hoàn thành 3 cổng vào khu di tích với mục đích ngăn xe lưu thông trên tuyến đường 15B thuộc khu vực Ngã ba Đồng Lộc. Cùng đó là đưa vào vận hành 13 xe điện trên cung đường khoảng 800m, bắt đầu từ khu nhà BQL đến khu mộ 10 cô, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Năm nay tuyến xe điện từ khu nhà BQL đến khu mộ 10 cô đã đi vào sử dụng
Trong thoảng hương bồ kết, trong tiếng rì rào của rừng thông, câu chuyện đầy xúc động về những ngày tháng khốc liệt của chiến tranh, về những người đã mãi mãi để lại tuổi mười tám, đôi mươi trên cung đường lửa đạn này đã trở thành nốt nhạc trầm hùng lay động trái tim của muôn người đến với ngã ba huyền thoại.
53 người hóa tượng đài bất tử
Trên vùng “tọa độ chết” thuộc cung đường 15B, ngoài Ngã ba Đồng Lộc còn có nhiều địa danh đã đi vào lịch sử. Cầu Nhe xã Vĩnh Lộc (nay là xã Khánh Vĩnh Yên, Can Lộc) là một trong số đó.
Mỗi dịp tháng 4, người dân lại về thăm chiến tích cầu Nhe ở xã Khánh Vĩnh Yên
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng mỗi dịp tháng 4, những người già ở thôn Hạ Triều lại cồn cào nỗi đau khi nhớ về sự kiện năm Mậu Thân 1968. Đó là buổi trưa định mệnh ngày 15/4/1968, 53 người thuộc Tiểu đoàn 351, Trung đoàn 5 Yên Tử, Quân khu 3 trên đường hành quân vào chiến trường miền Nam đã hy sinh tại cầu Nhe khi bị máy bay Mỹ rải bom trúng đội hình. Những thanh niên tuổi đời chưa tới 20 với khát vọng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đã vĩnh viễn nằm lại ở cầu Nhe.
Bất chấp tiếng gầm rú của máy bay, tiếng bom cày, đạn xé, các lực lượng dân quân, giáo viên, học sinh và Nhân dân xã Vĩnh Lộc đã ào ra cầu, ngụp lặn dưới dòng sông khẩn trương cứu chữa những người bị thương và tìm kiếm những chiến sỹ đã hy sinh.
Nơi các liệt sỹ Trung đoàn 5 Yên Tử yên nghỉ luôn được người dân chăm sóc chu đáo.
Hiện nay, chiếc cầu mới nối đôi bờ sông Nhe được đầu tư xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương, phát triển kinh tế. Và ngay bên bờ sông, nhà tưởng niệm cùng với khu mộ các liệt sỹ Trung đoàn 5 Yên Tử vẫn ấm áp khói hương trong mỗi dịp lễ tết, mùng một, ngày rằm bởi những tình cảm của người dân địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Khánh Vĩnh Yên cho biết: “Chúng tôi xem những liệt sĩ Trung đoàn 5 Yên Tử như những người con ưu tú của quê hương. Sau ngày sáp nhập xã, Đảng bộ và Nhân dân Khánh Vĩnh Yên đã đoàn kết một lòng cùng chung tay xây dựng đời sống mới. Từ năm 2020 đến nay, toàn xã đã xây dựng thêm 5 khu dân cư kiểu mẫu, hơn 5 km đường giao thông, củng cố hệ thống kênh mương nội đồng… Khánh Vĩnh Yên đang từng bước củng cố và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới”.
Cuộc sống mới đã khởi sắc, người dân thôn Hạ Triều đã tận dụng mặt nước sông Nhe để phát triển mô hình nuôi cá giống, nâng cao thu nhập
Thôn Hạ Triều - ven bờ sông Nhe nơi các anh nằm là cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Cùng với phát triển nông nghiệp, người dân còn tận dụng ưu thế mặt nước để đầu tư nuôi cá, vịt. Thu nhập bình quân đầu người ở thôn Hạ Triều đạt 50 triệu đồng/năm, hộ nghèo chỉ còn chưa đến 2%, đời sống người dân đã bước sang trang mới.
Những địa danh lịch sử trên vùng “chảo lửa túi bom” đang hồi sinh và phát triển với một tốc độ diệu kỳ. Nhưng những chứng tích chiến tranh và câu chuyện xúc động về các anh hùng liệt sĩ vẫn còn mãi trong trái tim muôn triệu du khách. Để sau những chuyến về nguồn, mỗi người càng thêm tự hào, trân quý hơn giá trị của độc lập, tự do, từ đó quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng phát triển.